Vụ bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân xuống sông: Vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân

24/10/2013 09:00 GMT+7

Công an TP.Hà Nội đã thành lập hàng chục chốt, huy động đông đảo cán bộ chiến sĩ với đầy đủ trang thiết bị, ngày đêm tìm kiếm, nhưng đã sang ngày thứ 4, thi thể nạn nhân bị bác sĩ thẩm mỹ vứt xuống sông Hồng vẫn chưa được tìm thấy.

Vụ bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân xuống sông: Vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân

Chiếc thuyền đang tìm kiếm thi thể chị Huyền tại xã Hồng Vân - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Chiều muộn ngày 23.10, đại tá Dương Văn Trọng Giáp - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP.Hà Nội) cho biết vẫn đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Đã có 10 chốt gồm 30 cán bộ, chiến sĩ được lập ở từng vị trí để tham gia tìm kiếm.

 

TP.HCM: Phần lớn cơ sở thẩm mỹ quảng cáo quá chuyên môn

Ngày 23.10, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM có báo cáo kết quả về thanh tra hoạt động phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trên địa bàn TP (từ ngày 23.9 - 11.10). Theo đó, qua thanh tra 15 cơ sở, bao gồm 5 bệnh viện và 10 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, kết quả ở lĩnh vực thẩm mỹ của bệnh viện hầu hết đều thực hiện tốt quy chế chuyên môn, nhưng cũng có một bệnh viện quảng cáo quá chuyên môn. Còn ở các phòng khám, có 40% các cơ sở vi phạm tập trung vào quảng cáo quá phạm vi chuyên môn và không niêm yết giá dịch vụ.

Thanh Tùng

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng phòng CSGT đường thủy (Công an TP.Hà Nội), cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ án kinh hoàng kể trên, lãnh đạo phòng đã huy động tối đa quân số cũng như phương tiện tham gia tìm kiếm liên tục ở khu vực hạ lưu sông Hồng, từ điểm cầu Thanh Trì trở xuống. Việc tìm kiếm này được triển khai cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát đường thủy cũng có thông báo tới các chủ phương tiện cũng như những người sống bằng nghề chài lưới trên sông, để họ kịp thời phát hiện và liên lạc. Phòng CSGT đường thủy đã liên lạc, phối hợp với công an các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình để cùng mau chóng vào cuộc tìm kiếm.

Cũng trong sáng sớm nay, tại bến đò Hồng Vân thuộc địa bàn xã Hồng Vân (H.Thường Tín, TP.Hà Nội), người dân phát hiện một thi thể phụ nữ trôi trên sông nên đã gọi điện báo cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, khi gia đình chị Huyền có mặt thì thi thể kia được xác định không phải của chị.

Theo đại tá Giáp, hiện cơ quan CSĐT vẫn đang tập trung tìm kiếm thi thể chị Huyền, sau đó sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi để có kết luận chính xác nhất xem chị Huyền đã tử vong hay vẫn còn sống trước khi bị ném xuống sông Hồng.

Kẽ hở quản lý nhà nước

Trao đổi với Thanh Niên, ông Tô Tử Anh, Phó trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ chuyên môn là cấp phép và hậu kiểm các cơ sở đã cấp phép. Vì vậy, trong tay không có được danh sách các đơn vị hành nghề không phép”. Chính vì lý do này nên cơ sở Cát Tường mặc dù đã được Phòng Tài chính - Kế toán Q.Hai Bà Trưng cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký kinh doanh với ngành nghề kinh doanh “Dịch vụ khám, chữa bệnh ngoại khoa, phẫu thuật tạo hình” có địa chỉ tại 45 Giải Phóng, nhưng Phòng Quản lý hành nghề y tư nhân của Sở Y tế Hà Nội bỏ lọt, cơ sở Cát Tường đã nằm ngoài tầm quản lý về chuyên môn.

Theo ông Tô Tử Anh, Sở Y tế Hà Nội thường xuyên có giao ban định kỳ với phòng y tế các quận, huyện và các phòng y tế quận, huyện này có trách nhiệm báo cáo lên Sở những vấn đề y tế trên địa bàn, tuy nhiên không thấy Q.Hai Bà Trưng báo cáo có cơ sở Cát Tường mới được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực y tế.

Lý giải việc không phát hiện được cơ sở Cát Tường phẫu thuật không phép, bà Cao Thị Hoa, Trưởng phòng Y tế Q.Hai Bà Trưng, cho biết thẩm mỹ Cát Tường do Phòng Tài chính - Kế toán của Q.Hai Bà Trưng cấp GCN đăng ký kinh doanh, ngành nghề thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến y tế. Theo quy định, sau khi được cấp GCN này, cơ sở Cát Tường phải tiếp tục nộp hồ sơ lên Sở Y tế Hà Nội để được thẩm định đủ điều kiện. Tuy nhiên, cơ sở Cát Tường đã không tuân thủ. “Vì chúng tôi không cấp GCN nên vừa qua không nắm được cơ sở Cát Tường đăng ký hoạt động thuộc lĩnh vực y tế”, bà Hoa cho biết.

“Trong trường hợp cấp phép thì các phẫu thuật nâng ngực, nâng mông, hút mỡ bụng, gọt cằm chỉ được thực hiện tại bệnh viện đủ điều kiện, không được thực hiện tại phòng khám thẩm mỹ tư nhân như cơ sở Cát Tường”, ông Tô Tử Anh nói.

Còn ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, thì cho rằng: “Việc các cơ sở không phép cứ âm thầm, lén lút thực hiện thì rất khó phát hiện. Phải trông chờ vào tai mắt nhân dân, báo chí hoặc các ngành khác thanh kiểm tra, cuối cùng mới do ngành y tế chủ động”.

Dù biết hay không vẫn có trách nhiệm của cơ quan quản lý

Vụ bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân xuống sông: Vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân
Bà Trương Thị Mai - Ảnh: Tuệ Nguyễn 

Đây là việc không thể chấp nhận được. Để xảy ra những sự việc này rõ ràng Bộ Y tế phải mạnh tay hơn và các địa phương cũng phải thắt chặt hơn việc kiểm tra các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, đặt y đức lên hàng đầu. Ủy ban chúng tôi trong quá trình làm việc với Bộ trưởng Y tế về việc thực hiện lời hứa khi chất vấn tại Quốc hội cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Y tế phải có hoạt động thanh kiểm tra sát sao hơn. Cả ngành có hàng trăm ngàn cán bộ y bác sĩ rất tâm huyết, cũng muốn hết lòng tập trung trị bệnh cứu người, nhưng chỉ cần một vụ việc nghiêm trọng là có thể làm cho hình ảnh ngành y tế bị ảnh hưởng tồi tệ.

Bà có nhận định gì khi lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nói không biết cán bộ nhân viên của mình mở phòng khám, thanh tra y tế cũng không biết về sự tồn tại của phòng khám này? Trong khi thẩm mỹ viện này còn lập trang web, quảng cáo trên báo chí...

Sự việc xảy ra như thế mà các cơ quan quản lý nhà nước bảo không biết thì không đúng. Nếu có cơ sở nào không được cấp phép vẫn tồn tại hoạt động thì dù biết hay không biết vẫn thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước. Về góc độ quản lý nhà nước, một cơ sở trên địa bàn của mình hoạt động rành rành mà không được cấp phép thì rõ ràng có vấn đề. Nếu quản lý nhà nước chỉ tập trung chuyên môn mà không đầu tư công tác kiểm tra, thanh tra thì tôi cho là sẽ để xảy ra các sự cố rất đáng tiếc.

ĐB Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH

Tuệ Nguyễn (ghi)

Bác sĩ Nguyễn Mạnh tường sẽ phải nhận khung hình phạt nào?

Cũng trong sáng 23.10, vợ của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường ở 45 Giải Phóng (P.Đồng Tâm, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) đã được triệu tập tới trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội để phục vụ công tác điều tra. Ngoài ra theo quan sát của Thanh Niên, một số lượng lớn tân dược cũng được đưa về đây. Theo đại tá Giáp, hiện Cơ quan CSĐT đã tiến hành khởi tố với ba tội danh: giết người, che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm; bắt khẩn cấp hai người. Bên cạnh đó, 10 người khác đang làm việc tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường cũng được triệu tập lên để phục vụ công tác điều tra.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, TP.HCM) bác sĩ Tường là bác sĩ chuyên khoa ngoại nên được phép phẫu thuật, tuy nhiên cơ sở y tế Cát Tường không có chức năng giải phẫu, vì vậy việc giải phẫu của bác sĩ Tường không được xem là đang thực hiện công việc, nghề nghiệp. Hành vi giải phẫu của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường dẫn đến cái chết của nạn nhân là đã có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về khám chữa bệnh... dịch vụ y tế khác” theo điều 242 bộ luật Hình sự (BLHS). Để có thể đi đến kết luận khách quan và chính xác cần phải tìm được xác nạn nhân, kết luận nguyên nhân chết cũng như cái chết đến trước hay sau khi bị đẩy xuống sông để quy buộc chính xác tội danh. Nếu nạn nhân chết do giải phẫu khi cơ sở Cát Tường không có chức năng thì ngoài tội danh trên, bác sĩ Tường còn bị truy cứu thêm “tội xâm phạm thi thể...” theo điều 246 BLHS. Nếu nạn nhân chết do ngạt nước, tức chết sau khi bị ném xuống nước thì hành vi của những người có liên quan cấu thành tội “giết người” theo quy định tại điều 93 BLHS với hai tình tiết định khung tăng nặng là “Để che giấu tội phạm khác và vì động cơ đê hèn”. Bởi rõ ràng, đây là hành vi nhằm che giấu hậu quả trong hoạt động nghề nghiệp và lẽ ra bác sĩ Tường phải sử dụng mọi khả năng, biện pháp có thể để cấp cứu nạn nhân hoặc chuyển viện nhưng đã chọn cách xử sự khác để nhằm phi tang, nhằm chối bỏ trách nhiệm.

Tội giết người với hai tình tiết định khung tăng nặng như trên có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Tội vô ý làm chết người khoản 1 có hình phạt cao nhất là 6 năm tù. Tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người có hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Tội xâm phạm thi thể có hình phạt cao nhất là 5 năm tù

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) lại cho rằng: Nếu trong quá trình điều tra và kết luận giám định pháp y xác định nạn nhân đã chết trước khi bị ném xuống sông do hành vi yếu kém chuyên môn thì hành vi của bác sĩ Tường có dấu hiệu của tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo điều 99 BLHS và hành vi vứt xác nạn nhân là tình tiết tăng nặng theo điểm O khoản 1 điều 48 BLHS vì “Có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm”. Nếu sau khi xảy ra vụ việc, bác sĩ Tường đến trình báo ngay với cơ quan chức năng thì đó sẽ được xem là hành vi tự thú trước khi cơ quan chức năng phát giác, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi xem xét hình phạt.

Hà An - Lê Nga

Hà An - Liên Châu

>> Trưởng phòng quản lý hành nghề Y tư nhân không biết có Thẩm mỹ viện Cát Tường
>> Chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác nạn nhân giữa cầu Thanh Trì
>> Ngành y phẫn nộ chuyện bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân xuống sông
>> Lời khai của kẻ giúp bác sĩ thẩm mỹ vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng
>> Vụ bác sĩ thẩm mỹ ném xác bệnh nhân xuống sông: Gia đình nạn nhân đi dọc sông Hồng tìm thi thể

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.