Chủ yếu phát hiện tham nhũng cấp thôn bản

23/10/2013 03:00 GMT+7

Hôm qua 22.10, QH đã dành nhiều thời gian nghe báo cáo đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013.

 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Trung ương điều tra truy tố không nghiêm nên khó làm gương cho địa phương

 

Số vụ được khởi tố, truy tố tăng

Thay mặt Chính phủ báo cáo trước QH, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỉ đồng; đã kiến nghị xử lý hành chính 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng. Hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thấp hơn so với các năm trước. Đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang xem xét xử lý.

 Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm - Ảnh: Ngọc Thắng

Mặc dù vậy, khi đánh giá chung, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng: “Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện”.

 

Số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện

“Chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản”

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng đánh giá của Chính phủ là phù hợp với nhận định của dư luận nhân dân về tình hình tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên, các đánh giá mới mang tính khái quát, chưa có sự phân tích sâu sắc nguyên nhân của những việc chưa làm được, hạn chế, yếu kém, nhất là những hạn chế, yếu kém mà qua nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. “Điều đáng lưu ý là qua nhiều năm đánh giá, kiểm điểm, Chính phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng hoặc những nơi, những lĩnh vực để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng để từ đó kịp thời động viên, khen thưởng những nơi làm tốt; xác định rõ, xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chưa tốt”, ông Hiện nói.

Theo Ủy ban Tư pháp, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tương xứng với tình hình đang diễn ra. Qua giám sát, khảo sát ở một số địa phương cho thấy cơ quan thanh tra tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng lại phát hiện được rất ít tham nhũng, có một số địa phương trong hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 1 đến 2 vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý hành chính, một số vụ việc phải giải quyết khiếu nại tố cáo nhiều lần mới phát hiện ra tham nhũng. Mặt khác, hành vi vi phạm pháp luật và số tài sản sai phạm liên quan phát hiện được là rất lớn, nhưng việc phát hiện ra hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít. Cụ thể, số vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 9.260 tỉ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất, nhưng chỉ mới thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỉ đồng, chưa đến 10% tài sản phải thu hồi.

 
Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao, còn mang tính hình thức khi việc kê khai minh bạch tài sản đã làm nhiều nơi, thời gian dài nhưng có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỉ đồng/người/năm mà không phát hiện được.

“Số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản”, ông Hiện cho hay.

Ngoài việc chỉ rõ tình hình tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý vốn tại các doanh nghiệp nhà nước xảy ra nghiêm trọng, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng tham nhũng trong các lĩnh vực dạy nghề, hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo cũng nghiêm trọng không kém.

 Sơ thẩm xử nặng, phúc thẩm giảm nhẹ

Đặc biệt, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho biết qua giám sát, khảo sát độc lập đã phát hiện rất nhiều vấn đề trong công tác xử lý tham nhũng. Theo đó, đã phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều hành vi có liên quan tới tham nhũng chỉ bị xử lý hành chính, việc đình chỉ điều tra, nhất là đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, tình trạng áp dụng hình phạt không đúng quy định của pháp luật như hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ tỷ lệ cao, chiếm 31,2% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử, trong đó một số bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vẫn được hưởng án treo.

 
Theo Ủy ban Tư pháp, trong khoảng thời gian từ tháng 10.2010 đến 4.2013, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã phát hiện, khởi tố 69 vụ án với 82 bị can phạm tội về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm khoảng 10% tổng số các vụ án tham nhũng trên toàn quốc. Trong đó, ngành kiểm sát xảy ra 4 vụ, ngành công an 27 vụ, ngành tòa án 17 vụ, thi hành án 19 vụ...

Báo cáo thẩm tra cũng dẫn ra nhiều số liệu chứng minh, trong đó TAND tỉnh Ninh Bình cho hưởng án treo đối với 8/9 bị cáo tham nhũng đã xét xử, Tòa án quân sự Quân khu 3 xử dưới khung hình phạt đối với 10/10 bị cáo tham nhũng; TAND TP.Hà Nội cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt cảnh cáo đối với 50/113 bị cáo đã xét xử…

Tính từ tháng 10.2010 đến tháng 4.2013, riêng Viện KSND tối cao đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác. Nhiều vụ án tham nhũng tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo với mức án cao, nghiêm minh nhưng khi xét xử phúc thẩm thì tòa án cấp trên, trong đó có Tòa phúc thẩm TAND tối cao lại giảm hình phạt, cho các bị cáo hưởng án treo. “Có địa phương cho rằng, các vụ án tham nhũng phức tạp do các cơ quan ở T.Ư điều tra, truy tố hoặc chỉ đạo xử lý, xét xử không nghiêm minh nên rất khó làm gương cho các địa phương”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nói.

Thiếu thực thi nghiêm túc, quyết liệt

 
Chúng ta không thiếu văn bản pháp luật, không thiếu tổ chức bộ máy, mà chính là thiếu thực thi nghiêm túc, quyết liệt. Đấy chính là nguyên nhân lớn nhất. Nguyên nhân lớn thứ hai là, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, tổ chức đơn vị, bộ ngành, và các địa phương trong việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng chưa thật sự quyết liệt, làm hết trách nhiệm. Việc kê khai tài sản trong thời gian qua chúng ta làm còn hình thức. Vì kê khai mà không công khai, minh bạch, mà chỉ để trong hồ sơ của một số người có trách nhiệm. Không công khai để cho cử tri, nhân dân nơi cư trú, nơi công tác người ta biết. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa thực sự đạt hiệu quả.

ĐB Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng)

Mơn man bên ngoài thì chỉ đi đánh tham nhũng vặt thôi

 
Cần tăng cường công tác kiểm toán; các cơ quan điều tra phải tập trung khám phá, tăng kiến nghị thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tăng tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án lớn, phức tạp… Các cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách phải tập trung vào những việc trên, phải có chỉ tiêu cụ thể. Chứ như hiện nay không giao chỉ tiêu cụ thể, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể thì ta vẫn cứ mơn man bên ngoài thì chỉ đi “đánh” tham nhũng vặt thôi; chứ còn những vụ án trọng điểm mà nhân dân biết hết và cử tri bức xúc thì chưa xử lý được.

 ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM)

Tham nhũng trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng

 
Tôi cho rằng việc phát hiện tham nhũng còn ít có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân là chính trong các cơ quan phòng chống tham nhũng cũng có đối tượng tham nhũng, có dấu hiệu bao che hoặc xử lý không nghiêm, không triệt để.

Đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thì tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhưng điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được thu nhập. Hiện nay chúng ta chưa làm được việc này. Các nước giao dịch qua hệ thống tài khoản hết nên phát hiện tham nhũng dễ, còn nước ta thì vẫn chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, có tiền muốn tiêu bao nhiêu thì tiêu, không ai kiểm soát. Đây là sơ hở lớn nhất.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)

 Tuệ Nguyễn - Bảo Cầm (ghi)

Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Sáng qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã báo cáo trước QH một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của ĐBQH.

Dự thảo chỉnh lý có 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình QH trước đó). Những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, như tên nước, có nên quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp, có nên hiến định rõ nội dung trưng cầu ý dân cũng như đối tượng được trưng cầu… hay không, vẫn được bảo lưu, với những lý giải chi tiết.

Về nội dung trước đó để ngỏ 3 phương án để ĐBQH góp ý là quy định về thành phần kinh tế tại khoản 1 điều 51, sau khi chỉnh lý, Ủy ban Dự thảo “chốt” lại một phương án trình QH theo hướng: Nền kinh tế VN là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. “Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”, Ủy ban Dự thảo lý giải.

Theo nghị trình, nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được thảo luận tại tổ 1 buổi, tại Hội trường một ngày rưỡi, sau đó sẽ có thêm một buổi để QH xem xét, biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

Bảo Cầm

'Nợ đọng' 51% văn bản hướng dẫn luật

Hôm qua QH đã nghe báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, việc ban hành văn bản hướng dẫn từ đầu nhiệm kỳ QH khóa 13 đến nay. 

 
Ông Phan Trung Lý - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, liên quan đến 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 73/131 văn bản (55,7%) quy định chi tiết, hướng dẫn 85/154 nội dung được giao. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 25/69 văn bản (36,2%) quy định chi tiết, hướng dẫn 63/126 nội dung được giao. Tính chung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ vẫn còn nợ 102/200 văn bản (51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung được giao. “Từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng nợ đọng văn bản đã tăng đột biến, trong đó có luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết nào được ban hành, một số luật, pháp lệnh khác còn có số lượng lớn văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành”, ông Cường thừa nhận.

Người đại diện cho Chính phủ cũng cho biết nguyên nhân tình trạng trên là do ý thức trách nhiệm, sự cương quyết để tổ chức thi hành luật, pháp lệnh ở một số ngành, lĩnh vực chưa cao. Số lượng văn bản quy định chi tiết lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp đòi hỏi nhiều thời gian, công sức tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế…

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định: “Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành quá lớn làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được thực thi, vi phạm quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật do QH, Ủy ban TVQH ban hành”.

Ủy ban Pháp luật đề nghị QH ra Nghị quyết về việc triển khai thi hành luật,  pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình; quy định rõ thời hạn các cơ quan phải hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng và thời hạn định kỳ báo cáo hằng năm về việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Thái Sơn

Sáng nay 23.10, QH thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Buổi chiều, QH nghe báo cáo và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2014. Báo cáo và báo cáo thẩm tra sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Tờ trình và báo cáo thẩm tra về phương án phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.

Thái Sơn

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng
>> Cử tri TP.HCM lại bức xúc về tham nhũng
>> Thị trưởng thành phố Nam Kinh bị sa thải vì tham nhũng
>> Bất cứ ai tham nhũng đều sẽ xử nghiêm
>> Dạy chống tham nhũng tại đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.