Đề xuất bỏ Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo sửa Hiến pháp 1992

22/10/2013 09:09 GMT+7

(TNO) Một trong những nội dung mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dự thảo) trình Quốc hội (QH) cho ý kiến tại kỳ họp này là Ủy ban Dự thảo đề xuất không quy định Hội đồng Hiến pháp vào nội dung sửa đổi.

>> Tọa đàm khoa học về Hội đồng Hiến pháp
>> Tiếp nhận góp ý của nhân dân về Hiến pháp đến 30.9.2013
>> Đề nghị đưa Trường Sa và Hoàng Sa vào Hiến pháp
>> Hiến pháp không cho phép chúng ta phiêu lưu
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Đề xuất giữ nguyên tên nước trong Hiến pháp sửa đổi

Sáng nay 22.10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập Dự thảo đã thay mặt Ủy ban Dự thảo báo cáo trước QH một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các ĐBQH.

Theo ông Lý, sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban Dự thảo đã chỉ đạo Ban biên tập nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các ĐBQH, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, làm việc với cấp ủy, chính quyền một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xin ý kiến của các cơ quan liên quan, trình xin ý kiến Bộ Chính trị, Trung ương tại Hội nghị 8; đồng thời, tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý Dự thảo.

Sau khi tiếp thu, Dự thảo chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 5).

“Dự thảo trình QH lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các ĐH Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, ông Lý cho biết.

Về tên nước tại Điều 1, ông Lý cho hay qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của ĐBQH, đại đa số ý kiến tán thành giữ tên nước như hiện hành, tuy nhiên vẫn có ý đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

“Ủy ban Dự thảo thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ông Lý báo cáo quan điểm của Ủy ban Dự thảo.

Điều 4 của Dự thảo cũng được giữ nguyên, sau khi Ủy ban Dự thảo có những phân tích lý lẽ vì sao không cần thiết phải bổ sung.

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II, ông Lý cho hay có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 14 vì cho rằng quy định như trong Điều 14 các quyền con người, quyền công dân “được quy định trong Hiến pháp và luật” là chưa đầy đủ, chưa phù hợp vì còn có nhiều quyền tuy không được quy định trong Hiến pháp và luật nhưng vẫn được tôn trọng, bảo đảm. Tiếp thu góp ý này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi chỉnh lại với nội dung: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Với quy định về mức độ giới hạn quyền con người, quyền công dân, cũng tại Điều 14, có ý kiến tán thành với quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” như Dự thảo trình QH trước đó.

Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, quyền con người, quyền công dân không thể bị hạn chế một cách tùy tiện mà phải theo quy định của luật; cần quy định cơ quan nào có thẩm quyền giới hạn và xác định những quyền nào là quyền không thể bị giới hạn. Có ý kiến cho rằng quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân “trong trường hợp khẩn cấp” là không chính xác và chưa đầy đủ, do đó, đề nghị bỏ cụm từ này.

Qua xem xét, Ủy ban Dự thảo nêu quan điểm: quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Do vậy, việc hạn chế các quyền này phải được quy định chặt chẽ trong luật để tránh nguy cơ tùy tiện, lạm dụng. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng yêu cầu quy định chặt chẽ vấn đề này.

Do đó, Ủy ban Dự thảo đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 14 với nội dung: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Không “cụ thể hóa” nội dung trưng cầu dân ý

Ngoài ra, trước ý kiến đề nghị cần quy định rõ nội dung trưng cầu ý dân và đối tượng của việc trưng cầu ý dân trong Hiến pháp, Ủy ban Dự thảo đề nghị không quy định những nội dung cụ thể trên trong Hiến pháp để bảo đảm tính ổn định lâu dài của văn bản này.

Với nội dung Hội đồng Hiến pháp tại Chương X của Dự thảo, ông Lý cho biết trong bản Dự thảo trình QH tại kỳ họp 5 có 2 phương án về cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Phương án 1 là tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của QH, Ủy ban TVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp; Phương án 2 đề nghị cùng với việc tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, Dự thảo đề xuất việc thành lập Hội đồng Hiến pháp với chức năng chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan về nội dung này, Ủy ban Dự thảo cho rằng việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của QH, các cơ quan của QH, nhất là Ủy ban pháp luật của QH và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị QH không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo.

Theo nghị trình, nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được thảo luận tại tổ một buổi, tại Hội trường một ngày rưỡi, sau đó sẽ có thêm một buổi để QH xem xét, biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.