Một nhà làm phim tử tế

20/10/2013 03:20 GMT+7

Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế, nếu không bắt đầu từ tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau con người - những lời trong bộ phim Chuyện tử tế đã trở thành tôn chỉ làm nghề mà đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy chưa bao giờ đi chệch khỏi.

 Đạo diễn Trần Văn Thủy
Đạo diễn Trần Văn Thủy trong lần ra mắt cuốn sách Chuyện nghề của Thủy - Ảnh: Tuyết Khoa

Đang làm trong một cơ quan văn hóa ở tỉnh Lai Châu, nhận thấy “sự lợi hại” của phim ảnh (tác động tới công chúng hơn cả bài diễn thuyết dài), chàng trai Trần Văn Thủy đánh liều xin về xuôi để theo học làm phim. Một quyết định lúc đầu tưởng chỉ là sở thích nhất thời nhưng đã khiến cả cuộc đời Trần Văn Thủy gắn với cái nghiệp làm phim tài liệu, và mang đến cho điện ảnh Việt Nam “một nhà làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta”(theo đánh giá của nhà văn Nguyên Ngọc).

 

Sinh năm 1940 tại Nam Định, NSND Trần Văn Thủy là đạo diễn, phóng viên chiến trường. Ông đã thực hiện hàng chục bộ phim tài liệu, trong đó nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng lớn tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Bộ phim đầu tay Những người dân quê tôi thực hiện trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đã giành giải Bồ câu bạc tại LHP quốc tế Leipzig (Đức) vào năm 1970. Phản bội về chiến tranh biên giới Việt -  Trung, đoạt giải Vàng tại LHP Việt Nam 1980. Hà Nội trong mắt ai sau thời gian bị cấm từ năm 1982 - 1987, đã đoạt giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam 1988, Chuyện tử tế đoạt giải Bồ câu bạc tại LHP quốc tế Leipzig (Đức) năm 1985, Chuyện từ một góc công viên giành giải Vàng tại LHP Hội Điện ảnh 1996, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai đoạt giải Vàng LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43 (1999).

“Cởi trói” sự thật

Những năm 1980, trong khi cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác, hầu hết các bộ phim tài liệu đều được làm với mục đích chung là tuyên truyền, ca ngợi, thì Trần Văn Thủy lại thấy cần phải làm phim theo con đường khác, không tiêu tốn tiền của nhà nước vào những thứ không mang lại giá trị nào, đó phải là những bộ phim xuất phát từ nhân dân: Miêu tả nhân dân ăn ra sao? Nhân dân ở ra sao? Nhân dân đi lại sinh sống thế nào? Nhân dân nghĩ ngợi bàn tán những gì... Cuộc đời làm nghề và số phận những bộ phim của ông trên con đường đó đã phải trải qua không biết bao thăng trầm và biến cố.

Hà Nội trong mắt ai giống như một phát nổ lớn, gây chấn động với cả giới làm phim trong và ngoài nước. Lý do không phải Hà Nội trong mắt ai là một bộ phim xuất sắc, cho thấy cái tài của đạo diễn hay kỹ thuật làm phim (bởi đến Trần Văn Thủy còn cảm thấy ngượng khi xem lại), mà chính là ở mặt tư tưởng. Bởi trước đạo diễn, chưa một nhà làm phim nào dám vạch ra những “khuyết tật”, “bệnh hoạn” cần được điều trị của xã hội đương thời. Hà Nội trong mắt ai bị cấm chiếu, còn Trần Văn Thủy bị theo dõi và nghi ngờ có ý đồ xấu. Sau đó vài năm, dù biết trước sẽ gặp không ít điêu đứng như Hà Nội trong mắt ai, nhưng ông vẫn tiếp tục làm Chuyện tử tế về những mâu thuẫn nội tại trong xã hội thông qua câu chuyện về thân phận của những con người nghèo khổ, bất hạnh. Khi Chuyện tử tế “vượt biên” tới Liên hoan phim Leipzig (Đức) bất chấp lệnh “cấm”, cũng là lúc ông xác định có thể phải dời bỏ cả gia đình mình.

 Đạo diễn Trần Văn Thủy 2
Đạo diễn Trần Văn Thủy khi theo học điện ảnh tại Nga - Ảnh: TL

Trần Văn Thủy tự nhận ông giống như “chiếc xe cũ không phanh”, không biết sợ và chưa khi nào dừng lại. Khoảng 10 năm trước, ông đã viết cuốn sách Nếu đi hết biển tại Mỹ. Trong đó đạo diễn viết những câu chuyện và phỏng vấn với các văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà hoạt động xã hội sinh sống tại hải ngoại, trong số họ có người từng thuộc phe “chống Cộng”. Những câu hỏi của Trần Văn Thủy đi trực diện vào những vấn đề thường bị né tránh vì cho rằng nhạy cảm như suy nghĩ của họ về chiến tranh, những nỗi ám ảnh trong quá khứ, lý do rời xa đất nước…Trong cuốn sách Trần Văn Thủy thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề là sau chiến tranh, trong khi mối quan hệ giữa người Việt với kẻ thù đã được hòa giải, thì giữa người Việt với người Việt vẫn là câu chuyện dài. Nếu đi hết biển từng bị phê phán gay gắt, nhưng ông không hề ngần ngại bởi đó là những sự thật đầy nhân văn không có gì phải giấu giếm. Mới đây, đạo diễn và người bạn của ông Lê Thanh Dũng đã cùng giới thiệu cuốn sách Chuyện nghề của Thủy - phơi lộ nhiều câu chuyện làm nghề của Trần Văn Thủy, trong đó có những câu chuyện cho thấy tư tưởng ấu trĩ đã kìm kẹp sáng tạo của văn nghệ sĩ. Không phải dễ dàng mà cuốn sách tới được với bạn đọc.

Không ai trách cứ khi lựa chọn đi theo con đường “an toàn” như nhiều nhà làm phim cùng thời, nhưng vì sao Trần Văn Thủy lại chọn con đường để tự chuốc lấy những “bầm dập”? Câu trả lời duy nhất là Trần Văn Thủy muốn được “cởi trói” sự thật.

Đi từ nỗi đau con người

“Ừ, nghề của chúng tôi cũng là một nghề hèn, nghề mọn. Hèn vì nghĩ nhiều mà không dám nói ra, mọn vì cái làm ra cũng chẳng mấy ai cần đến”, Trần Văn Thủy đã viết những lời bình chất chứa nỗi đau và sự giễu cợt về công việc của chính ông trong Chuyện tử tế. Ông đã cố gắng vượt qua những “hèn, mọn” ấy, để kiên định đi theo mục đích của mình. Vị đạo diễn nói rằng, khi làm phim ông không nghĩ đến cấp trên, kiểm duyệt, tiền bạc, hay giải thưởng, mà chỉ là người xem, là nhân dân. Thân phận và nỗi đau của con người luôn là đích đến cuối cùng trong những bộ phim của Trần Văn Thủy. Nhưng như ông đã viết: “Để thấu hiểu nỗi đau của con người không phải là việc dễ dàng gì, nhất là khi ta không sống cuộc sống của người đời”. Và “mấy ai lại lẩm cẩm từ chối một cuộc sống đầy đủ hơn, quyền thế hơn để sống cuộc sống như mọi người - Cái nghịch lý là ở chỗ đó”.

Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên nước ngoài, Trần Văn Thủy đã trả lời về quan điểm làm phim tài liệu: “Tôi yêu đất nước này và tôi muốn làm cho đất nước ngày trở nên tốt đẹp hơn. Tôi khát khao làm sao cuộc sống của con người phải xứng đáng với sự hy sinh... Tôi có tấm lòng thiết tha với xứ sở đã sinh ra mình. Đó chính là điểm xuất phát của tôi”. Từ bộ phim đầu tiên Những người dân đầu tiên, cho tới Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, rồi Chuyện từ góc công viên, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai..., vị đạo diễn ấy đã biến nỗi đau của người đời thành nỗi đau của mình. Có lẽ với ông không có danh xưng nào xứng đáng hơn: Một nhà làm phim tử tế. 

“Cho đến giờ mẫu số lớn của giới trí thức vẫn là khát khao có sự tự do để đóng góp cống hiến với tấm lòng thành thật của mình. Công bằng mà nói, câu chuyện ở đây có hai vế, những người có quyền và những người có tri thức. Khi tác phẩm văn học nghệ thuật hay báo chí bị cắt bỏ do kiểm duyệt, người ta thường nói về quyền của những người cầm cân nảy mực. Nhưng một mặt khác cũng phải nói tới bản lĩnh, trình độ, tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ, người trí thức. Tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm của họ không cao, cứ đổ thừa cho kiểm duyệt không đi tới bờ tới bến. Chính anh em văn nghệ sĩ với nhau, chính bản thân tác phẩm của mình cũng tự mình kiểm duyệt cái này là cái cực kỳ tai hại. Thượng đế sinh ra cho mỗi người một cái đầu, một cái mồm để nói những điều mình nói, nghĩ những điều mình nghĩ. Ngoài ý trách nhiệm quả bóng trong chân các nhà trí thức, những tác giả của những sản phẩm văn hóa ấy, thì trách nhiệm của người cầm quyền rất rõ ràng. Tôi vẫn xót xa và canh cánh không có lý do gì mình tự trói buộc mình, không có lý do gì mình không thể sống đời sống văn minh. Ở trong đó người ta tôn trọng lẫn nhau để có sự thoáng đạt, để trong đó mỗi con người đóng góp suy nghĩ của mình, trải nghiệm của mình, khát khao của mình cho sự tiến bộ xã hội”.  

 NSND Trần Văn Thủy

Ngọc An

>> Hà Nội trong mắt ai...
>> Đạo diễn phim "Chuyện tử tế": Cuộc đời thật tuyệt
>> Chuyện tử tế đặc cách dự Liên hoan phim Viennale
>> Chuyện tử tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.