Khoa học công nghệ gắn liền với phát triển kinh tế xã hội

14/10/2013 10:58 GMT+7

Tại hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KH-CN) vùng Đông Nam bộ lần thứ 12 tại Tây Ninh vào ngày 11.10, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của KH-CN gắn liền với phát triển kinh tế xã hội.

Khoa học công nghệ gắn liền với phát triển kinh tế xã hội

Đoàn công tác tham quan mô hình xử lý khí thải tại H.Châu Thành chiều 10.10. Ảnh: Giang Phương

Khoa học công nghệ gắn liền với phát triển kinh tế xã hội 

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh tại hội nghị -  Ảnh: Giang Phương

Báo cáo của các Sở KH-CN vùng Đông Nam bộ cho hay, trong giai đoạn 2011-2013 đã triển khai 696 đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tổng kinh phí sự nghiệp cân đối qua ngân sách địa phương cho 8 tỉnh, thành trong vùng hơn 1.341 tỉ đồng (đã sử dụng hơn 938,8 tỉ đồng). Tổng kinh phí chi đầu tư phát triển KH-CN cho các tỉnh, thành trong vùng hơn 2.285 tỉ đồng (đã sử dụng hơn 1.721 tỉ đồng).

 

Trong chuyến công tác, Đoàn công tác của Bộ KH-CN và các Sở KH-CN khu vực Đông Nam bộ đã tổ chức tham quan các mô hình ứng dụng kết quả đề tài khoa học điển hình của tỉnh Tây Ninh. Trong đó, 3 mô hình có ứng dụng cao gồm “Ứng dụng công nghệ Biogas trong xử lý bèo lục bình”; “Mô hình nghiên cứu quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đối với sản xuất mãng cầu ta” và “Mô hình nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý khí thải của các lò nung gạch kiểu Hoffman, đốt trấu”.

Theo đánh giá, các đề tài, dự án được xây dựng và triển khai thực hiện đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũa địa phương. Nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai, công nghệ thông tin và viễn thông, vật liệu mới, công nghệ chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu như đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu và biên hội loạt bản đồ địa chất công trình” của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;  “Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh phục vụ chuẩn đoán và tra cứu tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương”; “Ứng dụng công nghệ GIS vào quản lý khai thác công trình thủy lợi, thủy điện tỉnh Bình Phước”…

Theo thứ trưởng Trần Việt Thanh, vùng Đông Nam bộ có tổng diện tích 41.183 km2 với khoảng 17,3 triệu người. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế và dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP cũng như nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Toàn vùng đóng góp gần 60% thu ngân sách hằng năm của cả nước; có lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước nổi bật ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… “Đây cũng là vùng thu hút mạnh lực lượng lao động có chuyên môn cao từ công nhân lành nghề tới các kỹ sư, nhà khoa học, nhà kinh doanh. Từ đó, nhiều kỹ thuật tiến bộ và các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất và đời sống, đặc biệt là các doanh nghiệp”, thứ trưởng Thanh phát biểu.

Cũng tại hội nghị, thứ trưởng Thanh đánh giá những kết quả đã đạt được trong hoạt động KH-CN vùng Đông Nam Bộ (giai đoạn 2011-2013); đồng thời cũng đề nghị từng địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá những hạn chế, yếu kém, tồn tại trong hoạt động này. Từ đó, cùng nhau thảo luận tìm kiếm các giải pháp, định hướng phát triển trong thời gian tới.

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.