Hãy cùng nói 'không' khi hối lộ núp bóng 'văn hóa'

14/10/2013 15:20 GMT+7

(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online, tiến sĩ, luật sư Danforth Newcomb nói: Người dân và báo chí luôn có nhiều quyền lực hơn mình nghĩ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

(TNO) Tiến sĩ, luật sư người Mỹ Danforth Newcomb nói với Thanh Niên Online: "Người dân và báo chí luôn có nhiều quyền lực hơn mình nghĩ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đừng bao giờ để hai lực lượng trọng yếu này từ bỏ quyền lực đó".


Tiến sĩ, luật sư Danforth Newcomb (phải) trong buổi trao đổi với Thanh Niên Online - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ cung cấp 

Tại phiên thảo luận gần đây về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Dân nào mà không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng? Hay là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì?”.

Tháng 7 rồi, Khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cũng cho thấy đến nửa số người được hỏi tại Việt Nam cho rằng “tố cáo cũng chẳng thay đổi được gì” là do đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả mà người dân mong muốn. Khảo sát này cũng khẳng định, hối lộ đang dần trở nên bình thường, thành thói quen...

Từ những thực tế trên, có rất nhiều ý kiến cho rằng nhận và đưa hối lộ cũng đã trở nên quen thuộc và phổ biến như một nét “văn hóa” tại Việt Nam, khó mà thay đổi được.

Thế nhưng, tiến sĩ, luật sư người Mỹ Danforth Newcomb, lại có một quan điểm khác. Bên lề buổi nói chuyện về “Kinh nghiệm chống tham nhũng toàn cầu của Hoa Kỳ” nhân chuyến công tác tại Việt Nam mới đây, ông đã dành cho Thanh Niên Online cuộc trao đổi ngắn về chủ đề trên.

* Vì sao ông lại cho rằng không phải không thể thay đổi quan điểm đã ăn sâu của người dân về thói quen đưa và nhận hối lộ tại Việt Nam?

- Vì báo chí có nhiệm vụ và có thể thay đổi nhận thức đó. Hãy thử thay đổi cách đưa tin về hối lộ tại Việt Nam. Việc các bạn thường xuyên có một bản tin, bài phóng sự về cảnh sát giao thông hay quan chức nhà nước nhận hối lộ thì tốt thôi. Nhưng rõ ràng là ngày qua ngày, đúng là sẽ tạo nên nhận thức ngày càng ăn sâu trong người dân về việc “chuyện thường ngày thế thôi” của "tập quán hối lộ".

Hãy thử làm theo chiều hướng ngược lại: Đưa nhiều tin bài hơn về những trường hợp cương quyết không chịu nhận hối lộ. Những câu chuyện như thế ngày qua ngày sẽ mang một thông điệp mạnh mẽ: Đâu đó luôn có những người luôn biết nói không với hối lộ. Nhận thức của người dân sẽ thay đổi từ đây.

* Nghe có vẻ thú vị, nhưng để làm được điều đó ở Việt Nam chắc không dễ dàng gì, thưa ông?

- Không có một phép màu nào có thể thay đổi những nhận thức đã ăn sâu. Nhưng như tôi đã nói, báo chí và công luận cần phải liên tục là một phần không thể thiếu của những chiến dịch nói không với hối lộ, trên mặt báo và công khai ở các diễn đàn khác.

Cái quan trọng là các bạn phải tự đặt mình ra ngoài cái vòng xoáy lẩn quẩn của "tập quán" đưa và nhận hối lộ. Còn ở trong vòng xoáy đó thì sẽ không bao giờ triệt tiêu được nó. Mọi người góp một chút, có hướng đi đúng thì chắc chắn sẽ đạt kết quả mong muốn.

* Ông luôn nhấn mạnh vai trò của báo chí và công luận. Ông đã tham khảo những kết quả nghiên cứu về thái độ của người dân về phòng chống tham nhũng tại Việt Nam chưa?

- Tôi có biết người dân Việt Nam hơi bi quan trong vấn đề này. Nhưng công chúng và báo chí ở nước nào mà không muốn phòng chống tham nhũng? Đây là hai lực lượng quan trọng nhất trong công cuộc này.

Đôi khi, rất dễ chủ quan khi nghĩ rằng mình thiếu quyền lực. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết mình có bao nhiêu quyền lực nếu mình không sử dụng nó. Nhưng nếu bạn không chịu sử dụng, bạn sẽ chẳng có quyền lực nào. Đây là điều tôi muốn nhắn gửi với người dân và báo chí Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng.

* Cám ơn ông vì cuộc trao đổi này!

An Điền (thực hiện)

>> Dạy chống tham nhũng tại đại học
>> Tổng thống Venezuela muốn có ‘đặc quyền’ chống tham nhũng
>> Đưa phòng chống tham nhũng vào trường trung cấp, cao đẳng nghề
>> Giảng dạy phòng chống tham nhũng trong trường nghề
>> Kết thúc kiểm tra phòng chống tham nhũng tại TP.HCM, Đồng Nai và Bộ Công an

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.