Bão số 11 sẽ vào Đà Nẵng lúc nửa đêm

14/10/2013 18:30 GMT+7

(TNO) Chiều tối 14.10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão trung ương đã có cuộc họp khẩn tại Ban chỉ đạo tiền phương đối phó với bão số 11 , đang đóng tại UBND TP.Đà Nẵng.

 
Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc với Ban phòng chống lụt bão tiền phương đối phó với bão số 11 tại Đà Nẵng - Ảnh Diệu Hiền

>> Bão số 11: Sóng biển 'ăn' hàng trăm mét bờ biển Quảng Nam
>> Đà Nẵng tất bật với bão số 11
>> Bão số 11 giật cấp 16, cách Quảng Trị - Quảng Ngãi 220 km
>> Bão số 11: Thừa Thiên-Huế khẩn trương sơ tán dân tránh bão
>> Bão số 11: Quảng Nam khẩn trương di dời 6.000 hộ dân
>> Bão số 11: Miền Trung sơ tán hơn 155.000 người tránh bão
>> Bão số 11: Chèn chống nhà cửa trong mưa to, gió lớn

Cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.

Tâm bão sẽ là Đà Nẵng

Báo cáo về diễn tiến của cơn bão Nari (bão số 11), ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết cường độ bão số 11 dự báo sẽ rất mạnh, có thể lên đến cấp 13-14.

“Từ giữa đêm 14.10, bão sẽ đổ bộ vào bờ, và trọng tâm sẽ vào các tỉnh, thành Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Nhưng theo quan sát, đến thời điểm hiện tại, thì tâm bão sẽ vào Đà Nẵng. Đến thời điểm chiều ngày 14.10, theo quan trắc, gió bão đã xuất hiện cấp 5-6.

Từ nửa đêm đến 2-3 giờ sáng 15.10 sẽ là thời điểm bão mạnh nhất, đây là một yếu tố rất bất lợi vì việc phòng chống bão vào ban đêm sẽ gặp rất nhiều khó khăn!” - ông Hải nhận định.


Lực lượng công an Đà Nẵng sẵn sàng trực chiến, yêu cầu người dân dừng lưu thông - Ảnh Diệu Hiền


Trên đường phố, xe cứu hộ - cứu nạn của quân đội sẵn sàng để ứng phó với những tình huống xấu - Ảnh Diệu Hiền

Cùng với hiện tượng bão cấp 13-14, ông Hải còn có cảnh báo về tình trạng mực nước dâng tại các nơi sẽ rất cao. Hiện ở Đà Nẵng, thủy triều dâng mức 1,4 m; Quảng Nam là 1,5 m. Sau bão, sóng biển, cùng với nước dâng do bão cùng thủy triều, sẽ làm cho mực nước dâng vô cùng lớn. Thời điểm nước dâng được dự báo khoảng 4 giờ sáng 15.10.

Đã sơ tán hơn 78.000 người dân

Trong khi đó, theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, tính đến chiều 14.10, tại các tỉnh, thành có dự báo sẽ bị ảnh hưởng bão Nari, công tác sơ tán dân đã được thực hiện hết sức quyết liệt.

Đã có hơn 78.000 người dân ở các tỉnh thành từ Quảng Trị đến Quảng Nam được sơ tán; trong đó: Đà Nẵng: 15.589 hộ/55.206 người; Quảng Nam 5.369 hộ/18.883 người; Thừa Thiên-Huế 750 hộ/2.550 người; Quảng Trị 600 hộ/2.500 người.

Việc kêu gọi các tàu thuyền vào bờ cũng đã thực hiện vô cùng chặt chẽ. Theo đó, tính đến chiều 14.10, đã có 19.033 tàu với 47.066 lao động của các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã vào bờ neo đậu an toàn. Hiện không có tàu nào còn trong vùng nguy hiểm.


Người dân P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) được di dời đến địa điểm an toàn - Ảnh Diệu Hiền 

 
Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng Trần Thọ (phải) kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền

 
Người dân Đà Nẵng chèn chống nhà kỹ lưỡng - Ảnh: Diệu Hiền

Ông Trần Quang Khuê, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn quốc gia, cho hay các phương án phòng chống bão số 11 đã sẵn sàng. Ủy ban cũng đã huy động các tàu cứu nạn cứu hộ sẵn sàng trực chiến, tại Đà Nẵng có 2 chiếc và Dung Quất 2 chiếc.

Đồng thời, 2.500 quân nhân cũng sẵn sàng để hỗ trợ, giúp dân khi có tình huống xấu xảy ra.

Người dân Đà Nẵng tích cực chèn chống nhà cửa

Là TP được dự báo tâm bão sẽ đổ bộ vào, người dân Đà Nẵng đã có nhiều phương án tích cực để chèn chống nhà cửa.

Cùng với việc dùng các bao tải cát để chèn mái nhà, những hộ dân còn cẩn thận dùng cây cột chặt cửa ra vào để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào TP lúc nửa đêm.

Bên cạnh đó, các biển quảng cáo, ăng ten, những trụ cột điện, cây xanh không đảm bảo an toàn cũng được lên phương án chặt chẽ, tránh những trường hợp không may có thể xảy ra.

Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định, nhằm tránh tình trạng thiếu lương thực, TP đã cho dự trữ 4.000 tấn gạo, 3 triệu thùng mì gói, 500.000 chai nước uống…

Tại cuộc họp khẩn chiều nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, việc bão đổ bộ vào bờ chỉ là sớm hay muộn, việc quan trọng hiện nay là phải giúp toàn bộ người dân an toàn, tránh những mất mát. Vì vậy, việc sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ nguy hiểm là việc hàng đầu và cần làm quyết liệt, phải xong trước 19 giờ tối nay.

Bài, ảnh: Diệu Hiền

>> Bão số 11: Sóng biển 'ăn' hàng trăm mét bờ biển Quảng Nam
>> Đà Nẵng tất bật với bão số 11
>> Bão số 11 giật cấp 16, cách Quảng Trị - Quảng Ngãi 220 km
>> Phát tấm lợp trước khi bão số 11 đổ bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.