Con đến đây để thăm Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

12/10/2013 15:21 GMT+7

(TNO) Cho đến chiều nay 12.10, dòng người vẫn còn nối rất dài từ ngoài cổng Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) để chờ đến lượt vào bên trong hội trường thành kính viếng vị tướng của lòng dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Con đến đây để thăm Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cựu binh Nguyễn Long (ngồi xe lăn) trong bộ quân phục mới từ Bình Thuận đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đến với Đại tướng, không phân biệt quan chức hay dân thường

Có những người xếp hàng chờ 2 - 3 tiếng đồng hồ nhưng không tỏ ra mệt mỏi. Trên tay nhiều người vẫn nắm chặt những cành hoa.

Có một điều thật đặc biệt là trong lễ viếng Đại tướng dường như không có sự phân biệt giữa quan chức và người dân, giữa những cựu binh từng vào sinh ra tử và những học sinh, sinh viên…

Tất cả đều bình đẳng như nhau, thành kính xếp hàng vào viếng, thắp nén nhang trước di ảnh Đại tướng để bày tỏ lòng kính phục, tri ân.

Lãnh đạo nhiều tỉnh thành phía nam, miền Trung, các sư đoàn, lữ đoàn… cũng phải xếp hàng chờ đến lượt như những đoàn khác đến viếng.

Ban tổ chức chỉ ưu tiên cho những cụ già, cựu binh lớn tuổi không phải chờ đợi xếp hàng để đảm bảo sức khỏe khi họ lặn lội từ xa đến viếng Đại tướng.

Con đến đây để thăm Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lãnh đạo các tỉnh cũng phải xếp hàng chung với người dân để chờ vào viếng Đại tướng

Bộ quân phục mới của cựu binh 84 tuổi

Một trong những người được ưu tiên như thế, là cựu binh Nguyễn Long, 84 tuổi, ở Bình Thuận.

Ông Long là thương binh hạng 1/4, ông phải ngồi trên xe lăn vào viếng.

Theo lời kể của ông Long, ông từng là Trưởng ban quân báo Tỉnh đội Bình Thuận trong chiến tranh. Ông đã từng nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà ông gọi là “Người Anh Cả”.

Con đến đây để thăm Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng viết sổ tang: “Vĩnh biệt Đại tướng của lòng dân. Một biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước, thương dân…”.

Năm 1954 ông đi tập kết ra Bắc, sau đó được Đại tướng giao nhiệm vụ lập hệ thống quân báo ở khu vực Nam Trung Bộ.

Người con trai (xin giấu tên) của ông Long, chia sẻ: “Khi hay tin Đại tướng qua đời, ông đã khóc nức nở như khi khóc chính ông bà mình qua đời, yêu cầu con cái đưa vào TP.HCM chờ viếng”.

“Bộ quân phục của ông đã rất cũ. Để đến lễ viếng được tươm tất hơn, ông đã nhờ con cái đi mua một bộ quân phục mới. Tôi phải rất vất vả mới mua được cho thỏa ước nguyện của ba”, con trai ông Long kể.

Con đến đây để thăm Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cháu Bùi Quang Kiên: “Con đến đây để thăm Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp”

Con đến đây để thăm Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hòa lẫn giữa dòng người đông đảo đến viếng Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), nhưng hành động của cháu Bùi Quang Kiên làm mọi người rất bất ngờ và cảm phục.

Khi đã cùng bố vào viếng Đại tướng, dù không ai nhắc bảo, cháu Kiên đã đi thẳng vào khu vực ghi sổ tang, nói nhỏ nhẹ với mọi người (toàn là người lớn bên cạnh): “Con muốn viết”.

Một số người nghĩ cháu còn nhỏ nên gợi ý nội dung cho cháu viết, nhưng cháu Kiên từ tốn thưa lại: “Con biết viết rồi ạ”.

Cháu Kiên đã chậm rãi nắn nót từng nét chữ viết vào sổ tang trước sự bất ngờ của nhiều người: “Con là Bùi Quang Kiên, 7 tuổi. Con học ở Trường Lương Thế Vinh, quận 7. Con đến đây để thăm Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Viết sổ tang xong, cháu Kiên lại theo dòng người trở ra ngoài để nhường lại cho rất nhiều người khác còn đang chờ đợi viết những dòng hồi tưởng về Đại tướng.

Tin, ảnh: Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.