Trung Quốc đề xuất 7 gói hợp tác với ASEAN

10/10/2013 03:00 GMT+7

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Thượng đỉnh ASEAN với những lời lẽ rất hữu nghị và đưa ra 7 gói hợp tác trị giá nhiều tỉ nhân dân tệ.

  Cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc ngày 9.10 tại Brunei - Ảnh: Thục Minh/ASEAN 2013
Cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc ngày 9.10 tại Brunei - Ảnh: Thục Minh/ASEAN 2013
 
Ông Lý đến Brunei chiều 9.10 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 và các hội nghị liên quan, tham dự cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 16. Trong phát biểu khai mạc, ông ví ASEAN và Trung Quốc là “những sợi chỉ dọc, chỉ ngang phải bện vào nhau mới tạo thành một mảnh lụa mềm”. “Chúng ta không nên để vấn đề biển làm ảnh hưởng đến quan hệ đại cục”, ông nói.

 

Hôm nay 10.10, chương trình tiếp tục với các Thượng đỉnh ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Thượng đỉnh Đông Á, Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ và ASEAN - LHQ.

Hội nghị cũng sẽ bàn giao ghế Chủ tịch ASEAN 2014 cho Myanmar. Trong hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp song phương với Thủ tướng Úc Tony Abbott và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III.

Hôm qua, Thủ tướng cũng gặp song phương với Tổng thống Myanmar Thein Sein.

Trước đó, trong phát biểu tại Thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhắc lại lập trường về vấn đề biển Đông là giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Đồng thời, ông thúc giục: “Chúng ta phải phấn đấu để Tuyên bố chung ASEAN -Trung Quốc sắp tới thể hiện được thông điệp và quyết tâm của ASEAN và Trung Quốc về bảo đảm hòa bình và an ninh ở biển Đông cũng như về việc sớm xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử COC”. Bản tuyên bố 62 điểm của Chủ tịch hội nghị cũng nhấn mạnh “ASEAN mong tăng cường đối thoại chính thức với Trung Quốc để sớm đạt được COC”, vốn sẽ đảm bảo “tăng cường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”.
Về COC, ông Lý Khắc Cường nói: “Trung Quốc sẽ làm việc với các nước ASEAN để thúc đẩy tiến trình hình thành COC một cách chủ động và thận trọng trên nguyên tắc đồng thuận”. “Giữa lúc chờ đợi một cơ chế giải quyết ổn thỏa, các bên liên quan trong tranh chấp cần tích cực hợp tác theo hướng đồng khai thác” các tài nguyên biển, ông Lý đề xuất. Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhìn nhận với Thanh Niên rằng lời lẽ của ông Lý có tính “hòa giải tích cực”. Tuy nhiên, “nguyên tắc đồng thuận” mà ông Lý đưa ra có thể là vật cản cho tiến trình. “Lẽ ra ông Lý nên nhân dịp này nói rõ nơi nào Trung Quốc muốn đồng khai thác” để xem các bên liên quan có ủng hộ không, chuyên gia này phân tích thêm.

Ngoài ra, ông Lý đưa ra đề án hợp tác 7 điểm với ASEAN. Đầu tiên là hai bên xem xét khả năng ký “hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác”. Nếu đồng thuận và ký kết, hiệp ước này sẽ cung cấp sự bảo đảm pháp lý cho hợp tác chiến lược song phương, ông nói. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại một hiệp ước như vậy có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết rốt ráo vấn đề biển Đông. Trên lĩnh vực kinh tế, ông Lý đề xuất hợp tác nâng cấp Khu vực thương mại tự do song phương hiện nay và cam kết đổ tiền từ các quỹ đầu tư đặc biệt vào các dự án hạ tầng, nghiên cứu hải dương, trao đổi văn hóa, khoa học... với ASEAN.

Hướng tới sau 2015

Thượng đỉnh ASEAN thứ 23 hôm qua cũng tập trung thảo luận định hướng phát triển của khối sau năm 2015. Các lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng một tầm nhìn mang tính chiến lược nhằm đưa ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh và phát huy vai trò chủ đạo trong những thập niên tiếp sau 2015. Hội nghị cũng đã thông qua nhiều tuyên bố quan trọng, trong đó có các tuyên bố nhằm thúc đẩy hợp tác về an sinh xã hội, doanh nghiệp trẻ, phòng chống thiên tai...

Ngày 9.10, các lãnh đạo ASEAN cũng họp song phương với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đều cam kết ủng hộ tối đa về tài chính và kỹ thuật cho nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và đề xuất nhiều hợp tác kinh tế, an ninh lâu dài, bao gồm cả an ninh biển. Trong khi đó, nước Mỹ đang khó khăn về tài chính và rối rắm về chính trị khiến Tổng thống Barack Obama phải vắng mặt lần này, Ngoại trưởng John Kerry trong vai trò thay thế chỉ có thể trấn an các đối tác trong cuộc họp thượng đỉnh song phương lần đầu tiên rằng “ASEAN vẫn là ưu tiên cao nhất của chính quyền Obama”.

Theo TTXVN, trong cuộc họp, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao cam kết của Mỹ đối với khu vực cũng như khẳng định của Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực. Hai bên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác vì hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và phát triển ở khu vực; hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, biến đổi khí hậu cũng như hợp tác phát triển và sử dụng bền vững nguồn nước ở tiểu vùng Mê Kông.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quan hệ ASEAN - Mỹ có vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác về nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như đề nghị Mỹ hỗ trợ trong các vấn đề như kết nối ASEAN và phát triển tiểu vùng Mê Kông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và mong Mỹ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ ASEAN trong nỗ lực thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các tuyên bố, cam kết đã có của ASEAN cũng như giữa khối và Trung Quốc về biển Đông, để sớm đi vào đàm phán chính thức và thực chất nhằm sớm đạt được COC.


Thục Minh
(từ Brunei)

>> Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc
>> Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ
>> Kim ngạch thương mại Trung Quốc và ASEAN lên 1.000 tỉ USD vào năm 2020
>> Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị ASEAN
>> Thượng đỉnh ASEAN hướng tầm nhìn sau 2015
>> Thủ tướng tới Burnei dự Hội nghị Cấp cao ASEAN
>> Khai mạc Thượng đỉnh ASEAN
>> Thượng đỉnh ASEAN: Hủy cuộc họp cấp cao 'về khói bụi
>> Thú vị chuyện bên lề Thượng đỉnh ASEAN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.