Mô hình ‘chất lượng cao’ bóp méo trường công - Kỳ 4: Mạnh dạn giao trường tư

10/10/2013 00:00 GMT+7

Thay vì nhà nước đứng ra thực hiện mô hình trường “chất lượng cao” theo tiêu chuẩn như TP.HCM và Hà Nội đang làm gây nên sự bất bình đẳng cho một nền giáo dục công lập đại trà thì việc này hoàn toàn có thể để hệ thống trường tư đảm nhận.

>> Mô hình 'chất lượng cao' bóp méo trường công - Kỳ 3: Sự thất bại của giáo dục đại trà
>> Mô hình 'chất lượng cao' bóp méo trường công - Kỳ 2: Chỉ mới cao dịch vụ
>> Mô hình 'chất lượng cao' bóp méo trường công - Kỳ 1

Mô hình ‘chất lượng cao’ bóp méo trường công
Một giờ học ở Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội), một trong những trường tư tiên phong xây dựng trường chất lượng cao - Ảnh: Nguyễn Vinh Hạnh

Thị phần của trường ngoài công lập

Chủ trương xây dựng mô hình giáo dục cung ứng dịch vụ “chất lượng cao” lần đầu thể hiện trong chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội từ năm 2006. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã kịp thời chớp lấy cơ hội này thu hút sự quan tâm của phụ huynh bằng cách mở ra các trường, hoặc lớp “chất lượng cao” ở các trường tư. Trong những cuộc hội thảo tìm hướng phát triển của trường tư tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư đã chỉ ra rằng nếu đi theo con đường đại trà như giáo dục công lập, các trường tư không bao giờ cạnh tranh được. Muốn thu hút người học, trường tư phải là “chất lượng cao” với học phí cao. Đi tiên phong theo mô hình này là các trường: Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Ở tất cả các nước trên thế giới, thị phần dịch vụ giáo dục chất lượng cao là của các trường tư. Còn trường công về cơ bản đảm bảo chất lượng đại trà, đáp ứng chỗ học của đông đảo nhân dân

Giáo sư Đào Trọng Thi
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Trong những năm 2007 - 2008, sốt ruột trước sự hấp dẫn của mô hình các trường ngoài công lập triển khai, lãnh đạo ngành GD-ĐT các cấp của Hà Nội cho rằng hệ thống công lập cần phải có những trường mạnh về chất lượng dịch vụ. Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Sở GD-ĐT phụ trách mảng mầm non hồi ấy nói: “Cầu có mà không đáp ứng là lãng phí, chúng ta thua ngay trên sân nhà khi bao nhiêu gia đình gửi con vào các trường quốc tế”. Mới đây, trò chuyện với chúng tôi, một cán bộ quản lý Sở GD-ĐT Hà Nội kể: “Khi tham mưu giúp thành phố xây dựng dự thảo luật Thủ đô, chúng tôi quyết định đưa vào khái niệm cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Trường tư thì đương nhiên phải phát triển mô hình chất lượng cao thì mới phát triển được. Nhưng trường công cũng cần lắm chứ bởi nếu nhà nước không chủ động thì giáo dục công lập sẽ thụt lùi”.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng đây không phải là xu hướng mà các nước phát triển đang làm. Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Ở tất cả các nước trên thế giới, thị phần dịch vụ giáo dục chất lượng cao là của các trường tư. Còn trường công về cơ bản đảm bảo chất lượng đại trà, đáp ứng chỗ học của đông đảo nhân dân”. Trước thực trạng trường công cũng nhảy vào “chất lượng cao”, Giáo sư Đào Trọng Thi nhận định: “Sự đóng góp của các trường ngoài công lập vào việc cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao chưa được như kỳ vọng, thậm chí nhiều trường hiện nay còn đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, giải thể vì cơ sở vật chất yếu kém và không tuyển được người học”.

Cạnh tranh không bình đẳng

Từ TP.HCM đến Hà Nội, những trường công thực hiện “chất lượng cao”  đều là trường có cơ sở vật chất tốt, uy tín nhất định, ở những vùng kinh tế khá giả… Điều này vô hình trung dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa trường công và tư. 

Các trường ngoài công lập đều phải hoàn toàn tự thân vận động mà trong đó khó khăn nhất là việc tìm một chỗ để an cư. Những trường phổ thông dân lập danh tiếng ở Hà Nội hiện nay, như: Marie Curie, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Lomonoxop… được phụ huynh và xã hội thừa nhận là những trường chất lượng cao… đều đã phải trải qua hành trình dài tới hàng chục năm xin đất xây trường.

Hai ngôi trường ngoài công lập có thương hiệu ở Hà Nội là Lương Thế Vinh và Marie Curie có bề dày hơn 20 năm nhưng đến năm 2012 họ mới chạm được tới ước mơ, có một ngôi trường cho mình. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập một mặt phải tự lo vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phát triển đội ngũ giáo viên,... nhưng lại phải đối mặt với việc thiếu nguồn tuyển sinh (do có sự cạnh tranh, mở rộng quy mô quá mức của các trường công lập). Mặt khác, các cơ sở giáo dục ngoài công lập còn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nếu như có chênh lệch thu lớn hơn chi.

Giáo sư Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, nhận định: “Nếu chúng ta lại cho phép trường công lập huy động thêm đóng góp của người dân để trở thành trường chất lượng giáo dục cao thì chỉ khiến cho các trường tư thục ngày càng thua dần trong cuộc cạnh tranh vốn đang khó khăn hiện nay”. Theo ông Lộc, các trường tư phải tự trang trải tất cả các chi phí đào tạo nên chắc chắn họ không thể cạnh tranh với trường công lập về học phí được. “Mỗi loại trường có một sứ mạng của nó và chúng ta không thể lẫn lộn sứ mạng của 2 loại hình trường này”, Giáo sư Nguyễn Lộc nói.

Không thể ôm đồm

Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ngoài công lập, cho rằng nhà nước thu tiền thuế của người dân để duy trì hoạt động của các dịch vụ công lập thì phải sử dụng tiền thuế đó để đầu tư trở lại cho các trường công lập nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục tối thiểu được quy định rõ trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Trường hợp phụ huynh có những nhu cầu cao hơn thì hãy để các trường tư thục làm việc đó.

Trao đổi với nhiều chuyên gia, phần lớn đều cho rằng trong điều kiện về tài chính có hạn, trách nhiệm của nhà nước phải sử dụng làm sao để lượng tiền đó đủ đảm bảo chất lượng giáo dục cơ bản ở những bậc học phổ cập, nhu cầu học tập phù hợp. Còn để đáp ứng những nhu cầu giáo dục đặc biệt, cao cấp hơn thì phải mạnh dạn để các trường tư thục làm. Nhà nước đã cho phép ra đời và tồn tại trường tư thục thì phải dành cơ hội cho họ phát triển, không thể “ôm” tất cả các loại hình như vậy được.

Lê Đăng Ngọc - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.