Ký ức của người lính tuyên truyền giải phóng quân cuối cùng về những ngày ngủ cùng Đại tướng

08/10/2013 10:35 GMT+7

(TNO) Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông Tô Văn Cắm (91 tuổi, tên thường dùng là Tô Đình Cắm, hiện ở H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng), một trong 34 người lính tuyên truyền giải phóng quân ngày đầu tiên, đã khóc rất nhiều: 'Thương, nhớ quá bác Văn ơi'.

(TNO) Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông Tô Văn Cắm (91 tuổi, tên thường dùng là Tô Đình Cắm, hiện ở H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng), một trong 34 người lính tuyên truyền giải phóng quân ngày đầu tiên, đã khóc rất nhiều: "Thương, nhớ quá bác Văn ơi".

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thương, nhớ quá Bác Văn ơi! 1
Ông Tô Văn Cắm bên di ảnh của Đại tướng

Ông Tô Văn Cắm là người duy nhất trong số 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) còn sống đến ngày nay. Ông cũng là một trong những người lính đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuổi đã ngoài 90, ông tiếp chúng tôi với hai dòng lệ đỏ hoe, kính cẩn nghiêng mình bên di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những kỷ niệm từ những ngày đầu tiên khi ông tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở Chiến khu Cao - Bắc - Lạng chợt ùa về.  

Thương, nhớ quá Bác Văn ơi! 1
 Ông Cắm thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thương, nhớ quá Bác Văn ơi! 1
Chiếc áo ấm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng ông

Thương, nhớ quá Bác Văn ơi! 1
Ông Cắm là một trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thương, nhớ quá Bác Văn ơi! 1
Ông Cắm xúc động khi nhắc về Đại tướng

Ông Cắm kể: “Ngày đó, tôi mới 23 tuổi, cái tuổi bồng bột của một chiến sĩ mới chập chững vào tham gia cách mạng. Vì thế tôi học được ở bác Văn rất nhiều điều, từ cách ăn, ở, đến cách làm việc".

Kỷ niệm trong đời ông nhớ mãi là những lần ngủ chung người chỉ huy Võ Nguyên Giáp của mình.

Ông Cắm kể: "Bác Văn luôn xem tôi như một người con, người em trong gia đình, nên tôi luôn được ngủ cùng bác Văn. Trong lúc ngủ, tôi thường xuyên gác chân lên người bác Văn. Nhiều lúc bác mắng đùa: “Chú mày ngủ mà gác vậy anh ngủ không được”. Thế mà rồi bác Văn vẫn để tôi ngủ cùng suốt hơn 3 tháng với bác”.

 

Tháng 1.1945, ông Tô Văn Cắm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 8.1945, ông Tô Văn Cắm tham gia giải phóng tỉnh Bắc Cạn và đến tháng 9.1945, ông cùng đoàn quân Nam tiến, vào đóng ở Rạch Giá (Kiên Giang).

Tháng 6.1946, trong một trận đánh, ông bị thương ở chân. Sau khi điều trị vết thương, ông được chuyển ra Quảng Nam rồi về quê Cao Bằng.

Tháng 10.1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, ông lại xung phong tái ngũ và được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh. Năm 1950, ông Tô Đình Cắm chiến đấu trong Chiến dịch Biên giới, tham gia trận đánh Đông Khê và bị thương ở vai. Năm 1954, ông được giải ngũ về quê.

Kể đến đây, ông Cắm khóc nghẹn lời: “Không còn nữa! Thương, nhớ quá! Muốn gặp lại bác Văn nhưng muộn quá rồi. Chân đau, tuổi đã già, sức khỏe cũng đã yếu, trong người lại luôn đau nhức, làm sao để gặp được bác Văn đây. Thương quá bác Văn ơi!”.

Thời gian hơn 3 tháng đầu sống cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trong khu rừng dưới chân núi Slam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay là tỉnh Cao Bằng), ông Cắm còn được Đại tướng dạy cho cách làm việc.

“Tại đây, tôi được bác Văn dạy cho cách làm việc, đó là việc đi lại, giao tiếp với đồng bào người H’Mông, người Mán để sống hòa nhập, cùng họ phục vụ kháng chiến. Bác Văn còn dạy cho chúng tôi cách tiếp cận cả những người dân bản địa bị Pháp dụ làm tay sai (mật thám) nhưng không được giết chết họ, mà phải thuyết phục họ để tạo niềm tin cho nhân dân, nuôi dưỡng, phát triển tổ chức lớn mạnh”, ông Cắm vừa kể, vừa ôm chặt vào lòng tấm áo ấm do đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng, rồi khóc nức nở.

Tấm áo ấm này, chính là kỷ vật mà ông Cắm được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng vào tháng 7.2000, khi đó Đại tướng có chuyến công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (TP.HCM).

Ông Cắm còn thốt lên: “Giá như tôi được đi cùng bác Văn thì sung sướng quá. Sao bác lại bỏ tôi ra đi?”. Sau đó, ông lấy di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mân mê như muốn nói với Đại tướng một điều gì đó từ tận đáy lòng mình.

Ông Cắm nghẹn ngào: “Muốn được gặp bác Văn lần cuối lắm chứ. Nhưng đường lại xa, sức khỏe lại yếu làm sao ngồi xe ra Hà Nội để gặp bác Văn đây?”.

Để tỏ lòng tôn kính và để hình ảnh của bác Văn luôn hiện hữu bên mình, sáng 6.10, ông Cắm đã chính thức lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng.

Ông Cắm là người dân tộc Tày, sinh năm 1922, tại bản Um, xã Tam Kim, H.Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Khi mới 6 tuổi, ông Cắm đã mồ côi cha. Ông gia nhập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lúc còn rất trẻ. Khi đó ông Cắm mới tròn 23 tuổi và tham gia nhiều trận đánh ở Phay Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Sau đó, ông về hoạt động ở H.Nguyên Bình và Ngân Sơn. 

Năm 1992, ông chuyển vào H.Đạ Tẻh sinh sống và hiện sống dưới mái nhà tình nghĩa cùng với người con trai Tô Đức Tuân tại khu phố 8B, thị trấn Đạ Tẻh, H.Đạ Terh, Lâm Đồng.

Bài ảnh: Minh Sơn

>> Giáo sư sử học Mỹ Larry Berman: Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ kẻ thù
>> Hàng vạn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người bạn lớn của nhân dân Lào
>> Bài hát yêu thích' tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Buổi nhạc tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Trắng đêm chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.