'Cõng' điện ra đảo Ngọc

08/10/2013 04:50 GMT+7

Một không khí làm việc khẩn trương đang diễn ra trên vùng biển Cô Tô - Vân Đồn (Quảng Ninh) để đưa điện lưới quốc gia ra Cô Tô - đảo Ngọc.

Đưa cáp ngầm xuống biển
Đưa cáp ngầm xuống biển - Ảnh B.N

“Đại công trường” giữa biển khơi

Đến thăm công trường thi công dự án (DA) điện lưới Cô Tô những ngày này, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Vài tháng trước, ven các đảo Ba Mùn, Cái Dài, Trà Ngọ... vẫn còn là vách núi dựng đứng bên mặt biển sâu hun hút, nay đã mọc lên một tuyến cột điện 110 kV sừng sững.

Kỹ sư Lê Minh Đan, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC1), phụ trách kỹ thuật xây trụ điện tại vị trí số 44 trên đảo Trà Ngọ cho biết từ khảo sát thiết kế đến thi công đều do các kỹ sư, công nhân của DA trực tiếp thực hiện. Làm việc ở điều kiện khó khăn nên việc bị sảy chân, tuột tay, thậm chí ngã xuống biển cũng là chuyện đã từng.

Do mặt biển chính là mặt bằng thi công nên DA điện lưới Cô Tô là một đại công trường đặc biệt. Có khi trong đất liền đang là nắng gió bình thường nhưng ngoài đảo lại có gió to, sóng lớn, khiến tàu chở vật tư, thiết bị không cập được bờ. Khi ấy, bê tông phải trộn trên tàu rồi chuyển vào đảo bằng xuồng nhỏ. Trong môi trường biển, các móng trụ cột điện phải được xây dựng với tiêu chuẩn cao hơn trên đất liền để chịu được mặn, chống ăn mòn, móng được gia cố đá hộc để chống sóng...

Khó khăn nhất là những hôm mưa bão, công nhân phải sơ tán vào đảo lánh bão. Bão xong, lại phải củng cố lán trại, ăn tạm lương khô, mì sống, chờ tàu đến tiếp tế vì lương thực thực phẩm dự trữ đã bị bão đánh chìm...

Sẽ đóng điện trước 19.10

Ông Hoàng Văn Năng, Phó Ban quản lý DA đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô cho biết đến nay DA đã hoàn thành 90% tiến độ với 177/200 cột điện đã lắp đặt xong xà, sứ, phụ kiện; đã hoàn thành xẻ rãnh đầu tuyến cáp tại 6/8 vị trí; đúc xong bê tông trụ đỡ cáp; lắp đặt giá đỡ cáp trên toàn tuyến cáp ngầm.

Khó khăn nhất là công đoạn rải cáp ngầm và kéo dây điện trên không vì đòi hỏi kỹ thuật công phu, hiện đại, tuy nhiên, đến nay phần việc này cuối cùng cũng đã hoàn tất.

Theo ông Phùng Kim Đại, Giám đốc BQL DA điện Cô Tô, để rải được 25 km cáp ngầm 22 kV, đơn vị thi công phải điều khiển robot xẻ rãnh chôn cáp dưới đáy biển, do đoạn cáp ngầm phải xuyên qua vùng biển có sâu lên đến 29 m. Phần việc này do công ty Nautic Maritime Salvage (Indonesia) đảm nhiệm. Được biết, chỉ riêng công đoạn này đã phải chi phí khoảng 530 tỉ đồng, chiếm hơn một nửa tổng mức đầu tư của DA, do sử dụng loại cáp đặc chủng được đặt hàng và sản xuất từ nhiều nước châu u là Tây Ban Nha, Ý, Na Uy.
 
Để kéo dây trên không, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, DA đã huy động đến cả khinh khí cầu. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PCC1, cho biết công nghệ này lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Khinh khí cầu sẽ kéo một dây mồi chịu lực. Dây thừng mồi này nối với dây cáp mồi, đặt lên các trụ, sau đó dùng máy kéo căng dây điện. Khó nhất trong việc này là thiết bị đồng bộ khá cồng kềnh nên vận chuyển đến nơi thi công khá phức tạp...

Theo ông Phùng Kim Đại, do điều kiện làm việc khó khăn, giai đoạn đầu một số tốp thợ đã bỏ cuộc. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa điện lưới ra Cô Tô kịp dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, cán bộ công nhân trên công trường đều đồng sức, đồng lòng tăng ca, làm việc liên tục từ 5 giờ đến 23 giờ. Với tiến độ này, dự kiến trước 19.10 (1 năm sau ngày khởi công - PV), huyện đảo Cô Tô sẽ được đóng điện lưới”.

Bích Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.