Người mang tầm nhìn vượt thời đại

06/10/2013 03:15 GMT+7

Nguyễn Văn Vĩnh từng là nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi trong suốt thời gian dài. Nhiều nghiên cứu gần đây đã trả lại công bằng cho ông, dù vậy, mới chỉ phần nào khắc họa chân dung một con người kỳ vĩ, mang tầm nhìn vượt trước thời đại.

Người mang tầm nhìn vượt thời đại

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh - Ảnh: T.L

Nguyễn Văn Vĩnh từng bị quy tội đã cắt đứt mạch văn hóa Hán - Nôm hàng ngàn năm khi là một trong những người có nhiều nỗ lực quảng bá chữ quốc ngữ. Còn ông lại nhận thấy, trong khi “xưa kia chỉ đàn ông ta dùi mài bao nhiêu lâu, tốn bao nhiêu cơm cha mẹ mới cầm được quyển sách” thì nay “không những là anh em mình, nào đàn bà, nào con gái, cho chí trẻ con, cũng đã cầm được quyển sách đọc”. Như vậy không phải chữ Hán, chữ Nôm, mà chính chữ quốc ngữ - loại chữ dễ đọc, dễ học mới là phương tiện hữu hiệu để “khai dân trí”. Bởi vậy ông mới viết: “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ”. Quả thực, chữ quốc ngữ đã mở ra thời đại văn minh mới cho người dân Việt.

“Người An Nam vẫn phải là người An Nam”

Nhiều chí sĩ yêu nước cùng thời cho rằng con đường để giải phóng dân tộc là tiến hành khởi nghĩa, còn Nguyễn Văn Vĩnh lại nhận thấy con đường đó phải là “khai dân trí”. Nhưng để “khai dân trí” phải có sách cho dân đọc. Lúc đầu ông dịch các tác phẩm quen thuộc từ chữ Hán, Nôm như Truyện Kiều cho đến Tam quốc chí sang chữ quốc ngữ, nhưng sau thấy chỉ quanh đi quẩn lại chừng mươi cuốn sách là hết, ông bắt đầu dịch sách văn học, triết học, lý, sử học, địa dư học, chính trị... của các tác giả nước ngoài, mở ra giai đoạn mới: tiếp cận với văn hóa, văn minh phương Tây. Việc này vô tình trùng hợp với ý đồ truyền bá của chính quyền thực dân, do vậy ông bị nghi ngờ là tay sai cho chúng. Nhưng thực chất, trong tâm tưởng người con nước Nam ấy chỉ muốn được ghi tên nước mình vào bản đồ những quốc gia văn minh, ngang bằng với những quốc gia phương Tây. TS Christopher E.Goscha (Đại học Montréal - Canada) đã nhận định: “Cách tiếp cận rất phương Tây của ông, đã đặt lên hàng đầu tư tưởng rằng: nước Việt Nam có thể, một khi cải cách, sẽ đạt được một cấp độ văn hóa ngang bằng với cấp độ của nước đô hộ”.

Cũng cần nhìn nhận một cách thấu đáo rằng dù có tư tưởng cách tân mạnh mẽ, nhưng điều đó không có nghĩa ông muốn xóa bỏ hết những cái “cũ”, mà dùng cái “mới” để bảo vệ, giữ gìn cái “gốc”. Cái “gốc” ở đây có thể hiểu theo nhiều nghĩa, là đất nước, là nhân dân, là văn hóa, văn minh của dân tộc. Tư tưởng đó thể hiện rõ trong các bài viết về phong tục và thiết chế của người An Nam trên tờ L’Annam Nouveau mà ông là chủ bút. Có lúc ông đề xuất áp dụng các phương pháp khoa học, kỹ thuật mới của phương Tây trong việc phát triển nông nghiệp, nhưng có lúc lại lên án cách người Pháp áp đặt những cải cách theo kiểu phương Tây đã phá vỡ hệ thống làng xã của người An Nam. Dù thế nào “người An Nam vẫn phải là người An Nam” - ngòi bút của Nguyễn Văn Vĩnh luôn giữ vững tư tưởng này bất kể khi ông bị chính quyền đô hộ gây sức ép.

Tư tưởng cấp tiến

Ít người có thể nghĩ rằng, một cậu bé nhà quê chăn bò đã trưởng thành với những tư tưởng cấp tiến. Bước ngoặt lớn trong cuộc đời đã làm thay đổi hoàn toàn tư tưởng của ông chính là chuyến đi tới Pháp năm 1906 khi ông 24 tuổi. Ba tháng ở Pháp, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu về nghề in, xuất bản, làm báo và nhận ra rằng, báo chí là kênh truyền bá tư tưởng và tri thức có sức lan tỏa rộng lớn và mạnh mẽ nhất. Nguyễn Văn Vĩnh nhận ra con đường phải đi: trở thành người làm báo. Trở về nước ông từ bỏ vị trí viên chức trong hệ thống chính quyền thực dân, cùng với ông chủ xưởng in người Pháp là François Henri

Schneider - người có đủ tư cách pháp nhân, để thành lập tờ báo tiếng Việt đầu tiên tại Bắc kỳ lấy tên Đăng cổ tùng báo. Khi nhận thấy Nguyễn Văn Vĩnh lên án chính sách cai trị, chính quyền thực dân đã tìm mọi cách ngăn cản ông. Vào thời điểm đó các báo tiếng Việt vấp phải sự kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền Pháp, nhiều tờ báo do ông làm chủ bút bị loại bỏ. Nguyễn Văn Vĩnh quyết không bỏ cuộc, ông lập tờ L’Annam Nouveau bằng tiếng Pháp như cách để thoát khỏi gọng kìm kiểm duyệt. Như cá gặp nước, ông viết hàng loạt bài báo chỉ trích, lên án chính quyền đô hộ. L’Annam Nouveau là tờ báo cuối cùng nhưng cũng là tờ báo có vị trí quan trọng nhất, cho thấy bút lực dồi dào của Nguyễn Văn Vĩnh.

Bên cạnh việc truyền bá tư tưởng, tri thức mới, trên con đường “khai dân trí” ấy, Nguyễn Văn Vĩnh còn chú trọng tới việc đề xuất cải cách giáo dục khi sớm nhận ra những bất cập trong nền giáo dục của xã hội đương thời (thậm chí nhiều mặt vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay). Từ lúc ấy, ông đã thấy rõ tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục: “Một quốc gia lý tưởng trong lĩnh vực giáo dục là một nước dạy cho tất cả các công dân của mình biết đọc, biết viết”. Bên cạnh đó, giáo dục “nhồi sọ” cần được thay thế bằng giáo dục “tối thiểu”: “Nhìn vào những theo dõi toàn bộ sự hình thành những kết quả từ đầu đến cuối của một người học xong đến khi đỗ đạt, ta nhận thấy: Những điều có ích cho cuộc sống của anh ta đọng lại quá ít ỏi. Những kiến thức được coi là tốt đẹp với anh ta khi đi học, qua một thời gian dài đã đọng lại như những kỷ niệm, một thứ kỷ niệm sẽ mờ dần theo năm tháng và rồi nhận ra rằng: những kiến thức đã được nhồi nhét vào óc ta khi còn trẻ như một sự kỳ quặc!”. “Một quốc gia văn minh là một quốc gia “thực hiện được cách giáo dục tối thiểu này” - Nguyễn Văn Vĩnh đã nhấn mạnh.

Những tư tưởng của ông thường được nhắc đến trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chính trị, nhưng rất ít trong lĩnh vực kinh tế. Song kỳ thực ông là một nhà kinh tế học có tầm nhìn rộng, thậm chí vượt ra khỏi đất nước. Chẳng hạn như trong cách ông đề xuất về việc nâng cao vị thế của hạt gạo An Nam đang bị mất giá trên thị trường Pháp. Theo ông, cách tốt nhất là cần “khai tâm” cho người tiêu thụ ở Pháp những loại gạo ngon đích thực của người An Nam, và để làm được điều đó hạt gạo cần được gia công theo cách thủ công để giữ được vị ngon tự nhiên. Ông đưa ra ý tưởng quảng bá hạt gạo An Nam độc đáo, đó là trong những buổi tiệc buffet, các món Tây được chế biến từ chính những hạt gạo xứ ta. Là người ảnh hưởng của Tây học, nhưng Nguyễn Văn Vĩnh luôn dành tình cảm đặc biệt cho làng quê, có lẽ vì ông là “người nhà quê” như ông luôn tự nhận. Ông đã đưa ra nhiều đề xuất cải cách nông thôn, như cổ vũ các dự án phát triển nông thôn như kéo điện, đưa nước sạch, phát động phong trào đọc sách…

Nhiều ý tưởng, đề xuất vẫn còn đang dang dở, chưa thành hiện thực thì ông đã đi xa. Tư tưởng của ông cho thấy những điều mà người đương thời chưa dám nghĩ đến, mãi sau này, mới được nhận ra. 

Nhà báo, nhà văn hóa, nhà tư tưởng Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 tại Phượng Dực, Thường Tín, Hà Đông, nay là huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Năm lên 8 tuổi, cậu bé chăn bò Nguyễn Văn Vĩnh đã xin vào kéo quạt cho lớp học thông ngôn của một người Pháp để học lỏm. Năm 14 tuổi, ông đỗ đầu khóa học. Sau nhiều năm là công chức trong hệ thống chính quyền cai trị, năm 1906 khi 24 tuổi, ông đã quyết định con đường đi mới cho mình, thành lập tờ báo tiếng Việt đầu tiên tại Bắc kỳ. Trong suốt cuộc đời, ông là chủ bút của 7 tờ báo. Những hoạt động báo chí của ông đã có nhiều đóng góp cho đời sống xã hội, văn hóa, chính trị đương thời, nhưng cũng trở thành cái gai trong mắt chính quyền thuộc địa. L’Annam Nouveau, tờ báo tiếng Pháp và cũng là tờ báo cuối cùng, đã mang đến nhiều hệ lụy cho ông. Đến năm 1935, chính quyền cai trị đã tìm loại bỏ L’Annam Nouveau và Nguyễn Văn Vĩnh bằng cách xiết nợ để ông phá sản. Nguyễn Văn Vĩnh qua đời năm 1936, đến nay sự ra đi của ông vẫn đặt ra nhiều câu hỏi.

Ông còn là dịch giả của nhiều tác phẩm như: Thơ ngụ ngôn của La Fontaine (Fables de La Fontaine); Mai nương Lệ cốt (Manon Lescaut), tiểu thuyết của Abbé Prévost; Ba người ngự lâm pháo thủ (Les trois mouquetaires), tiểu thuyết của Alexandre Dumas; Những người khốn khổ (Les Misérables), tiểu thuyết của Victor Hugo; Miếng da lừa (La peau de chagrin), tiểu thuyết của Honoré de Balzac; Guy li ve du ký (Les voyages de Gulliver), truyện của Jonathan Swift... và nhiều vở kịch nổi tiếng.

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.