Nghĩ về bác Giáp là chiến thắng

05/10/2013 19:40 GMT+7

(TNO) Nhận tin bác mất, nhiều người lính, từng là cấp dưới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vượt đường xa đến quê nhà ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

>> Thế giới với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Cựu trung tá Thủy quân Lục chiến James G. Zumwalt: Võ Nguyên Giáp là vị tướng vĩ đại nhất
>> Những hình ảnh mới nhất về ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê
>> Mạng xã hội phủ kín hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Năm tháng và cuộc đời

Video clip: Khoảnh khắc của một vị tướng (VTV)

 
Biển chỉ dẫn nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm bên bến sông Kiến Giang

 
Ông Châu chỉ về bức ảnh chụp lúc gặp Đại tướng tại Thành cổ Quảng Trị vào năm 1976

 
Thời đó gian khổ nhưng hễ cứ nghe đến bác là lòng anh em chiến sĩ lại cứng hơn, quyết tâm hơn và rất tin tưởng vào chiến dịch, vào chiến thắng. Mà thực tế chiến thắng thật

Trong những người đến viếng, chia buồn với gia đình Đại tướng, có ông Nguyễn Thanh Hoanh (68 tuổi, ở TP.Đồng Hới, Quảng Bình).

Ông Hoanh tâm sự với PV Thanh Niên Online: “Khi nhận tin bác ra đi, tôi cứ thao thức mãi, mong cho trời sáng thật sớm để chạy thật nhanh lên nhà bác. Tuổi cao sức yếu, vết thương gây đau nhưng tôi vẫn cố gắng chạy xe, chạy mà cứ mong làm sao đừng có chuyện gì, an toàn để lên được nhà bác, thắp cho bác nén hương”.

Ông Hoanh kể, những năm 1973, khi bác đang chiến đấu ở chiến trường trung Lào và miền tây Quảng Bình, ông đã vinh dự được gặp Đại tướng khi Đại tướng đi khảo sát chiến trường. Nơi ông được gặp là ở ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích trên hệ thống đường 20-Quyết Thắng.

“Thời đó gian khổ nhưng hễ cứ nghe đến bác là lòng anh em chiến sĩ lại cứng hơn, quyết tâm hơn và rất tin tưởng vào chiến dịch, vào chiến thắng. Mà thực tế chiến thắng thật”, ông Hoanh nói chắc nịch.

Con người của lòng nhân ái

Tại làng An Xá, chúng tôi đã tìm gặp một người lính, một cấp dưới khác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông Lê Thanh Châu (86 tuổi). Ông về nghỉ được hưởng chế độ cấp bậc đại tá. Nhà ông ở cách nhà Đại tướng chỉ mấy bước chân, bản thân ông lớn lên, tham gia chiến trường và sau giải phóng làm ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã may mắn nhiều lần được gặp Đại tướng. Rồi những lần Đại tướng về quê nhà thì ông Châu luôn bên cạnh Đại tướng.

Ông Châu gọi Đại tướng là cụ. Nhớ lại chuyện ngày xưa, ông Châu bảo: “Lớn lên ông đã nghe tiếng cụ nổi lên trong phong trào hoạt động cách mạng cộng sản rồi. Những năm 30-31, cụ từ Huế về quê, bà con đến thăm nhưng cụ có rất ít thời gian vì cụ rất ham học và nghiên cứu tài liệu. Chỉ tiếp 5-7 phút rồi cụ lại vào học. Cụ rất năng động, thời ở Huế đã tiếp cận với những chí sĩ yêu nước để tham gia hoạt động. Thực sự, cụ là người đầu tiên đưa chủ nghĩa cộng sản về Lệ Thủy. Sau đó cụ thành lập tổ đọc sách ở chùa An Xá, truyền đạt tinh thần tư tưởng cách mạng. Cụ còn tổ chức trường Thành Chung”.

 
Ảnh Đại tướng và ông Châu chụp ảnh kỷ niệm khi Đại tướng về thăm quê nhà An Xá

 
Nhà lưu niệm Đại tướng tại làng An Xá

Nói về nhân cách của Đại tướng, ông Châu nói: “Cụ rất giản dị, sống rất nhân ái. Khi đánh Điện Biên Phủ xong cụ về quê, gặp bạn bè, bà con lối xóm, cụ bảo người khác làm quan thì cả họ được nhờ chứ tôi thì không có đâu. Với dân làng, cụ luôn sống thân tình, gần gũi. Mỗi lần về quê cụ thường nhắc bà con nên trồng cây ăn quả chứ trồng mấy cây chuối sứ có được gì đâu; rồi cụ cũng đau đáu, luôn nhắc bà con giữ gìn, khôi phục nghề làm chiếu, vừa có kinh tế vừa giữ được truyền thống”.

 
Cụ rất giản dị, sống rất nhân ái. Khi đánh Điện Biên Phủ xong cụ về quê, gặp bạn bè, bà con lối xóm, cụ bảo người khác làm quan thì cả họ được nhờ chứ tôi thì không có đâu.
Chia sẻ cảm giác khi được tin Đại tướng từ trần, ông Châu nghẹn giọng im lặng một lúc rồi nói: “Lúc đó là 23 giờ (ngày 4.10), đứa con tôi điện bảo bác Giáp mất rồi, tôi nghe mà lòng rất hồi hộp, liệu đó có phải sự thật không. Tôi thương cụ lắm, cụ là người cha mẫu mực trong lực lượng quân đội; cụ đã xây dựng được lòng trung thành vô hạn của người lính đối với nhân dân và lòng tin tuyệt đối của nhân dân đối với người lính, dù đó là dân nước bạn Lào hay dân mình. Ngày đó, tụi tôi đi đánh trận ở trong rừng thiêng nước độc, nhận lệnh là lên đường chứ không hề có lương thảo gì. Đánh đến đâu giải phóng đến đó, xong xin gạo của dân ăn, ăn xong lại đi đánh, giải phóng tiếp, cứ như thế mà đi. Mình tin vào dân, dựa vào dân”.

Thực sự, ai từng tiếp xúc đều nhận ra tấm lòng nhân ái lớn của Đại tướng. Kể về Đại tướng, người An Xá có thể kể mãi không hết.

Ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông kể: “Ông không hề cho chúng tôi tiền bạc, của cải mà chỉ cho những lời dặn, cho tình cảm. Ông bảo tôi là người trông coi nhà cửa, có nhiều người đến thăm, hỏi chuyện, cái gì biết mới nói, nói cho chính xác; nếu họ nói không chính xác thì mình cũng phải biết cách làm sao nói lại cho đúng. Ông cũng dặn không được ỷ lại mà phải tự lực vươn lên. Mỗi lần về quê, Đại tướng ăn uống rất đơn giản, bà nấu cho cả nhà cùng ăn, ông vừa ăn vừa tâm sự. Có lần, khi đang nghỉ trên huyện, ông nghe tiếng bụp bụp liên tục, ông bảo tôi ra xem cái gì. Tôi thấy các cán bộ đang hái dừa vào báo lại với ông thì ông ra hỏi, mấy người kia trả lời rằng hái dừa để ngày mai bổ tiễn đoàn Đại tướng. Ông bảo lại thôi, mình chỉ ăn 1 quả thôi, hái gì nhiều”.

Có lẽ, ấn tượng nhất, vui nhất với người An Xá là lần tập trung tổ chức diễn hát hò khoan Lệ Thủy cho Đại tướng nghe tại sân nhà trong một đêm thanh gió mát.

Có quá nhiều kỷ niệm thân thương, với Bí thư Chi bộ thôn 3 thì nhớ như in lần xã Lộc Thủy tổ chức đoàn ra tận Hà Nội thăm Đại tướng vào năm 2004…

Đại tướng ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn, có lẽ sẽ lâu nữa người An Xá mới nguôi ngoai nỗi đau này!

Bài và ảnh: Trương Quang Nam

LOẠT BÀI "ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ BẢN LĨNH VÕ NGUYÊN GIÁP"

>> Kỳ 1: Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
>> Kỳ 2: Phương án “đánh nhanh giải quyết nhanh”
>> Kỳ 3: Băn khoăn của tư lệnh chiến dịch
>> Kỳ 4: Quyết định lịch sử của Đại tướng
>> Kỳ 5: “Đánh chắc” và chiến thắng

>> Mạng xã hội phủ kín hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Năm tháng và cuộc đời
>> Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
>> Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Bloomberg: Đại tướng Võ Nguyên Giáp giúp VN thành 'bạn của tất cả các nước
>> Hình ảnh tư liệu đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Báo Mỹ: Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của Việt Nam
>> Truyền thông quốc tế ca ngợi huyền thoại Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên
>> Võ Nguyên Giáp: Vị tướng tài chào đời mùa nước lũ
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.