Làng xóm khóc thương Đại tướng

05/10/2013 10:55 GMT+7

(TNO) Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, người dân làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình bàng hoàng, tiếc thương.

(TNO) Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, người dân làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình bàng hoàng, tiếc thương. 

>> Cựu trung tá Thủy quân Lục chiến James G. Zumwalt: Võ Nguyên Giáp là vị tướng vĩ đại nhất
>> Mạng xã hội phủ kín hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Năm tháng và cuộc đời
>> Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
>> Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Không chỉ con cháu trong dòng họ (trong ảnh) mà nhiều người dân địa phương cũng khóc thương Đại tướng...

Video clip: Tình cảm người dân quê nhà Quảng Bình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (VTV)

1. Trận bão lịch sử vừa quét qua Quảng Bình, làng An Xá cũng như những làng quê khác chịu nhiều thiệt hại, người dân chưa kịp gượng dậy thì nhận hung tin: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng thiên tài, người ông, người cha, người chú mẫu mực đã vĩnh viễn ra đi.

Sự mất mát to lớn này khiến cho người Lệ Thủy đã mệt mỏi vì bão lũ nay càng thêm đau lòng...

Liên tục những ngày qua, ở trong tâm bão từ khi cơn bão đổ bộ vào cho đến những chuyến ngược xuôi cứu trợ, tôi chứng kiến nhiều nỗi đau, nhiều tang thương. Là người Lệ Thủy, khi viết những dòng này, mắt tôi cũng đã ngấn nước. Mặc dù Đại tướng không ở quê nhà từ lâu rồi nhưng người Lệ Thủy chúng tôi vẫn gọi vùng quê An Xá là “nhà bác Giáp”, “nhà ông Giáp” hay là “làng bác Giáp” thay cho tên gọi hành chính. Chúng tôi, từ già đến trẻ đều gọi ông như là người ông máu mủ, ruột thịt của chính mình vậy.

Hình ảnh bác, làng quê bác đã thấm vào máu thịt mỗi người dân Lệ Thủy, quê tôi!

 
Chính quyền địa phương, bà con làng xóm đến ngôi nhà lưu niệm quét dọn, chuẩn bị lo tang lễ của vị danh tướng

2. Sáng nay 5.10, tôi chạy về An Xá rất sớm. Sau bão, làng quê xơ xác, hoang vắng đến lạ thường. Gặp một vài người dân ra đồng đi làm cá, họ bảo: "Ông Giáp mất rồi chú ơi! Đau buồn quá, vậy là lần này ông ra đi thật rồi!".

Lúc tuổi già sức yếu, khi Đại tướng về thăm quê, người Lệ Thủy đã tổ chức hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang cho Đại tướng xem và hát Hò khoan cho bác nghe nữa. Đại tướng vui lắm, Đại tướng chỉ cần có vậy.

Giờ Đại tướng đã ra đi, bà con không còn được hò cho bác nghe nữa rồi. Đau thương, nín nhịn để rồi vỡ òa trong nước mắt, trong tiếng nấc nghẹn ngào.

 
Ông Võ Đại Hàm (áo xanh) kể chuyện với PV Thanh Niên Online

 
Bà con làng xóm đến thắp hương lên bàn thờ tổ tiên ở nhà lưu niệm Đại tướng

Con cháu họ hàng của bác giờ cũng đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Ở gần, quanh nhà Đại tướng có bà Võ Thị Lài (75 tuổi, là cháu dâu của Đại tướng), bà Bùi Thị Bòn (73 tuổi, gọi Đại tướng bằng cậu), bà Võ Thị Trang (69 tuổi, gọi Đại tướng bằng cậu).

Sáng nay, vừa thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên trong nhà Đại tướng, ba bà ngồi nhìn nhau buồn xo. Qua vài lời kể lễ, ký ức về Đại tướng ùa về khiến bà Lài không kìm được nước mắt, òa lên khóc nức nở. Bà Lài vừa khóc vừa than trong tiếng được tiếng mất: “Bác đi rồi bác ơi, bác để con cháu ở lại với ai. Đi chiến đấu bác nói phải đánh thắng kẻ thù cho bằng được mà giờ bác đi rồi, bác ơi!”.

 

Theo ông Hàm thì hiện không có ai là bà con hay con cháu cận ruột của Đại tướng ở quê, chỉ có bà con trong họ tộc. Và theo tục lệ địa phương thì sẽ có hơn 40 người bịt khăn trắng để tang Đại tướng.

Ông Võ Đại Hàm (70 tuổi, gọi Đại tướng bằng ông) - là người trông coi nhà lưu niệm của Đại tướng - kể lại: “Khoảng 18 giờ 30, tôi nhận được điện thoại của người nhà từ Hà Nội gọi vào báo tin ông đã mất. Thực sự, lúc đó, tôi không nói được gì cả, người thẫn thờ rồi nước mắt trào ra, rồi tôi ngồi im một lúc. Tin ông mất khiến nhiều người rất buồn, từ 19 giờ đến 1 giờ sáng 5.10, rất nhiều người đã gọi về hỏi tin tức. Có người biết rồi vẫn không muốn tin đó là sự thật”.

Được biết, năm 1978, ông Hàm từ Hà Nội về quê trông coi nhà theo mong muốn của Đại tướng.

Theo ông Hàm thì hiện không có ai là bà con hay con cháu cận ruột của Đại tướng ở quê, chỉ có bà con trong họ tộc. Và theo tục lệ địa phương thì sẽ có hơn 40 người bịt khăn trắng để tang Đại tướng.

Tối hôm qua 4.10 và sáng nay 5.10, thường trực Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy cũng như Đảng ủy, UBND xã Lộc Thủy đã tề tựu về ngôi nhà lưu niệm Đại tướng. Trao đổi với PV Thanh Niên Online, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Quang Năm cho hay vì chưa có báo tang nên hiện chưa lập bàn thờ, tất cả chỉ dừng ở việc họp bàn phương án, kế hoạch để khi có báo tang thì thực hiện.

Theo đó, sẽ lập hai bàn thờ, một ở nhà lưu niệm và một ở Trung tâm văn hóa huyện để bà con nhân dân trong huyện phúng viếng.

Bài, ảnh: Trương Quang Nam

LOẠT BÀI "ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ BẢN LĨNH VÕ NGUYÊN GIÁP"

>> Kỳ 1: Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
>> Kỳ 2: Phương án “đánh nhanh giải quyết nhanh”
>> Kỳ 3: Băn khoăn của tư lệnh chiến dịch
>> Kỳ 4: Quyết định lịch sử của Đại tướng
>> Kỳ 5: “Đánh chắc” và chiến thắng

>> Mạng xã hội phủ kín hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Năm tháng và cuộc đời
>> Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
>> Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Bloomberg: Đại tướng Võ Nguyên Giáp giúp VN thành 'bạn của tất cả các nước
>> Hình ảnh tư liệu đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Báo Mỹ: Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của Việt Nam
>> Truyền thông quốc tế ca ngợi huyền thoại Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên
>> Võ Nguyên Giáp: Vị tướng tài chào đời mùa nước lũ
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.