Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 18: Xin chào!

06/10/2013 03:00 GMT+7

Tối nay 6.10, chương trình văn nghệ tưởng niệm Bùi Giáng sẽ tổ chức tại chùa Phổ Quang (64/2 Phổ Quang, Q.Tân Bình - TP.HCM) lúc 19 giờ, do thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam - TP. HCM chủ trì…

Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 17: Xin chào!

Thi sĩ Bùi Giáng trước bảng hiệu cà phê Mưa nguồn năm 1995 - Ảnh: Huệ Nhựt

Buổi tưởng niệm có phần giao lưu với hòa thượng Thích Giác Toàn, kỳ nữ Kim Cương, họa sĩ Triều Sơn, đạo diễn Hoàng Thiên, nhà thơ Huệ Hiền và nhiều văn nghệ sĩ khác. Đây không phải là lần đầu tiên tưởng niệm Bùi Giáng ở các ngôi chùa, mà ngay lúc ông mới mất, đã có cầu siêu, lễ tụng, vào lễ chung thất 49 ngày một đặc san kỷ niệm nóng hổi được in ra, liên tục 5 năm sau đó mỗi năm đều có in một cuốn nối theo, được tổ chức biên soạn và góp mặt bởi hòa thượng Thích Quảng Hạnh (Người Chơi Đẹp), Thích Thông Bác (Trần Đới), Thích Nguyên Hiền (Nhất Thanh), Thích Nhuận Châu, Thích Nhuận Quốc, Thích Nhuận Độ, Trương Thìn, Hoài Anh, Nguyễn Thiên Chương, Tây Tạng (Giao Hưởng)… Xuất hiện những năm cuối trong thế giới thơ của ông là ni sư Thích nữ Tâm Mãn, tức bà Thân Thị Ngọc Quế.

Bà Ngọc Quế định cư ở Pháp hơn 40 năm, đến 1988 bà mới trở về Việt Nam, lúc ấy bà đã 70 tuổi (sinh ngày 2.4.1918 tại TP.Huế), sáng tác ào ạt và xuất bản liên tục: Giọt nước cành sen (1988), Thơ gởi muôn trùng (1990), Mây trắng đường về (1990), Trắng cả hoàng hôn (1991), Đường lên đỉnh biếc (1992), Ngọn cỏ mặt trời (1993), Tuyết mùa viễn xứ (1994), Tìm trong cát bụi (1994)… Nhiều nhạc sĩ tài hoa trong nước như Dzoãn Mẫn, Tô Vũ, Hoàng Giác, Phạm Duy, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn… đều có phổ nhạc thơ của bà Ngọc Quế. Một hôm bà mang mấy tập thơ của mình đến gặp thi sĩ Bùi Giáng. Ông mở ra đọc và hốt nhiên rung động như gặp người bạn tri kỷ đã lâu trên thi đàn mà sau này ông gọi những tập thơ của bà là “món quà rạng rỡ của sông Hương núi Ngự đã gởi đến tặng vào những ngày hiu hắt nhất của kiếp thơ này!”. Bà mất năm 2007 tại TP.HCM, linh cữu chở về ngoài Trung và nhập tháp tại khuôn viên chùa Vạn Phước, Huế.

Trong số di cảo Bùi Giáng để lại có một số viết về bà Ngọc Quế bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp như đoạn: “Chị Ngọc Quế, Đã qua miền sỏi đá/Tìm về hướng mặt trời/Ngàn năm giọt nước có buồn không? Passé – la terre des cailloux des pierres arides/Nous recherchons aujourd’hui la contrée du soleil en sa splendeur/Ô goutte (gouttelette) d’eau! As-tu jamais été triste durant des milléraires?”.

Một di cảo khác viết: “Thân Thị Ngọc Quế! Có những tác giả khép lại một chu kỳ/Họ tiến lên theo tiếng hát cuối cùng và cuộc đối đầu tối hậu”. Hình như René Char đã nói câu bất hủ đó. Có lẽ chúng ta cũng có thể nói như  thế về nàng thơ Ngọc Quế Việt Nam. Hoàn toàn như lời nói trên đây. Nàng thơ này đã yêu đời vô cùng tận. Nàng thơ - nữ xử - đã để lại cho chúng ta những gì trong thi phẩm? Xin miễn trả lời! (…) Trước khi trở về từ cõi mộng tôi xin giã từ nàng nơi đây”. Một trang khác ông viết: “Thượng thừa Ngọc Quế, bỗng nhiên tôi cảm thấy rằng chẳng bao giờ nàng hiểu được ngôn ngữ của tôi, một nỗi buồn kinh khủng xâm chiếm lòng tôi. Và tôi trở thành, mãi mãi tôi có thể trở thành một gã điên trên cõi đời này, cõi đời đang tiến đến vực thẳm, trên sườn dốc của một nhân loại chẳng bao giờ hiểu biết những đòi hỏi của con người khi lên tiếng”.

Và ông, ông đã “lên tiếng” trong hành trình trăm năm của mình, để: “ai cũng có thể có một Bùi Giáng, một thơ Bùi Giáng cho riêng mình” (Đỗ Quyên). Và “thay vì nằm xuống với hàng nghìn vòng hoa thương tiếc, đám tang của Bùi Trung Niên thi sĩ lại cũng vui vẻ “thập thành” với đủ mọi giới từ thượng tầng trí thức đến xích lô ba gác ăn mày ăn chơi đủ kiểu đến tiễn đưa (…) thi ca Bùi Giáng sẽ còn là ẩn ngữ triền miên cho các thế hệ sau lý giải - Cái lớn của họ Bùi là ở đó” (Du Trốc Tử).

Còn khá nhiều tài liệu, bản thảo của Bùi Giáng dịch hoặc nhận định về André Gide, Albert Camus, Saint-Exupéry và về thơ Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu, Quang Dũng, hoặc giải mã về bài thơ bí hiểm “như thị”… chưa thông tin được đến bạn đọc, đành hẹn một duyên sau. Cuối loạt bài này, xin nhắc mấy “lời chào” của thi sĩ: “Xin chào nhau giữa lúc này/Có ngàn năm đứng ngó cây cối và/Có trời mây xuống lân la/Bên bờ nước có bóng ta bên người/Xin chào nhau giữa bàn tay/Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con (…) Xin chào nhau giữa làn môi/Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam (…) Xin chào nhau giữa bụi đầy/Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu (…) Hỏi rằng đất trích chiêm bao/Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau?/Thưa rằng ly biệt mai sau/Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân”… 

Giao Hưởng 

>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 16: Một bài thơ bí hiểm
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 17: Một ngày ngao du

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.