Mất 21 ngày mới xong thủ tục xuất nhập khẩu

04/10/2013 15:20 GMT+7

(TNO) 15 năm qua, tăng trưởng thương mại bình quân 18%/năm, tăng trưởng khối lượng vận chuyển hàng hóa 12%/năm nhưng tăng trưởng đầu tư vào hạ tầng giao thông là 0%/năm.


Xuất nhập khẩu VN mất nhiều thời gian thông quan - Ảnh: D.Đ.M 

Đó là một trong những nội dung được nêu ra trong báo cáo VN: Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lực cạnh tranh do Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (NCIEC) công bố hôm nay 4.10 tại TP.HCM.

Báo cáo cho biết, đầu tư hạ tầng giao thông chỉ chiếm 3,1% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng mức độ phát triển và nguồn vốn hoàn toàn phụ thuộc vào đầu tư công, trong khi hợp tác công tư (PPP) lại không được phát huy. Mất cân đối giữa phát triển hạ tầng giao thông và các lĩnh vực khác chính là lực cản của cạnh tranh thương mại VN.

Theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế của WB tại VN, năng lực cạnh tranh thương mại được xác định dựa trên ba trụ cột chính, gồm: hạ tầng giao thông và dịch vụ hậu cần, thủ tục hải quan và chuỗi cung ứng. Đối với chi phí hậu cần (được đo lường qua hai chỉ số là thời gian và tiền bạc), VN là một trong số những nước tốn kém nhất.

Cụ thể, thời gian để hoàn tất thủ tục xuất khẩu/nhập khẩu (chuẩn bị hồ sơ, thông quan và kiểm tra kỹ thuật, thủ tục cảng, vận chuyển nội địa) ở VN mất trung bình 21 ngày trong khi Thái Lan là 13 ngày, Philippines là 14 ngày, còn Singapore chỉ 4 ngày… Chi phí xuất nhập khẩu của VN cũng rất cao, mất khoảng 580 - 670 USD/container.

Hạ tầng giao thông của VN được đánh giá là yếu kém, dẫn tới hạn chế tiềm năng phát triển. VN nằm trong nhóm những quốc gia có thị trường lớn nhưng tiềm năng bị hạn chế do rào cản quá trình xâm nhập thị trường. Những đối thủ như Thái Lan lại có tiềm năng lớn và ít rào cản, còn Malaysia có quy mô thị trường nhỏ nhưng dễ xâm nhập.

Ngoài ra, các quy định, thủ tục hải quan của VN cũng đang là cản ngại cho thuận lợi thương mại. Báo cáo nói trên chỉ ra rằng, ở VN, thời gian thông quan có tính kiểm tra thực tế mất 3,5 ngày, tương đương với Trung Quốc, nhưng nhiều hơn Malaysia (2 ngày) hoặc Thái Lan chỉ mất 1,5 ngày. Tỷ lệ kiểm tra thực tế tính trên % lô hàng nhập khẩu ở VN là 40% trong khi Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc chưa tới 10%. Thủ tục hải quan nói chung chậm và thiếu nhất quán, chỉ mới có tờ khai hải quan áp dụng điện tử, còn lại là quá trình thủ công.

Đối với trụ cột thứ ba là chuỗi cung ứng, VN cũng tụt hậu phía sau nhiều nước, khi phụ thuộc thụ động vào nguyên liệu nhập khẩu, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đáp ứng linh hoạt trước những thay đổi trên thị trường toàn cầu. Chẳng hạn dệt may, 60% doanh nghiệp làm gia công cho chủ hàng nước ngoài, 38% nhà sản xuất theo hợp đồng gia công và chỉ 2% nhà sản xuất thiết kế gốc.

Bởi thế, các báo cáo về thuận lợi thương mại của Diễn đàn kinh tế thế giới trong 3 năm gần đây cho thấy, một số chỉ số như hiệu quả về quản lý hải quan, về thủ tục xuất nhập khẩu hay tính minh bạch quản lý thương mại biên giới của VN có khuynh hướng xấu đi, vì các chỉ số không được cải thiện. Còn hạ tầng giao thông và thông tin thì ở nhóm cuối bảng xếp hạng.

Tắc nghẽn giao thông làm mất 1,7 tỉ USD/năm

Khoảng thời gian phụ trội thêm liên quan đến các thủ tục thông quan cho hàng hóa quốc tế ở VN khiến chủ sở hữu hàng hóa (BOC) tiêu tốn khoảng 96 triệu USD trong năm 2012 và có thể tăng lên 182 triệu USD vào năm 2020. 

Ngoài ra, ước tính việc tắc nghẽn giao thông khiến cho BOC mất 152 triệu USD trong năm 2012 và 274 triệu USD vào năm 2020.

 

Ảnh hưởng về kinh tế của tắc nghẽn giao thông đối với tất cả người sử dụng hệ thống ước tính là 1,7 tỉ USD mỗi năm.

 

 

N.Trần Tâm

>> Thượng Hải sẽ tự do thương mại đến cỡ nào?
>> Phạt hơn 2,6 tỉ đồng về gian lận thương mại
>> Kim ngạch thương mại VN - Nhật Bản dự kiến đạt 29 tỉ USD
>> Vực dậy thương mại điện tử
>> Chính trị trong thương mại
>> Thương mại và dịch vụ sẽ phục hồi
>> Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.