Khổ như... nhân chứng - Kỳ 5: Cần có đạo luật riêng bảo vệ nhân chứng

04/10/2013 02:09 GMT+7

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý đưa ra những đóng góp mang tính xây dựng để hoàn thiện hơn hành lang pháp lý hiện hành.

>> Khổ như... nhân chứng - Kỳ 4: Hoang mang khi đụng chuyện
>> Khổ như... nhân chứng - Kỳ 3: Tổ trưởng dân phố cũng sợ
>> Khổ như... nhân chứng - Kỳ 2: Đang ôn thi thì công an dẫn đi...
>> Khổ như... nhân chứng - Kỳ 1

Khổ như... nhân chứng
Minh họa: DAD

 Quyền của người làm chứng

Người làm chứng ngoài nghĩa vụ, bộ luật Tố tụng hình sự 2003 còn quy định có các quyền: “Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền lợi ích hợp pháp khác; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật”.

Tiếp xúc với nhiều nhân chứng, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm, Thông tư 01 của Bộ Công an năm 2006 quy định việc lấy lời khai người làm chứng có thể được thực hiện ở trụ sở cơ quan điều tra hoặc có thể lấy lời khai tại nơi ở, nơi làm việc. “Như vậy, ngoài các quyền được quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự thì người làm chứng cũng có quyền được lấy lời khai tại nơi ở hoặc nơi làm việc. Nếu nhân chứng không có điều kiện đi lại có quyền yêu cầu được lấy lời khai ở nhà hoặc ở nơi làm việc”.

Luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) chỉ thêm các bất cập: “Luật quy định các cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ. Nhưng các luật chuyên ngành không quy định về quyền của người lao động phải bỏ công việc tham gia làm chứng trong một vụ án hình sự được hưởng nguyên lương. Bên cạnh đó, quy định được thanh toán chi phí đi lại và các thanh toán các khoản theo quy định của pháp luật còn thiếu các chi phí ăn uống, tàu xe, khách sạn…”. Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội) dẫn ra một thực tế, người làm chứng được cơ quan triệu tập thanh toán “các chi phí khác theo quy định pháp luật trong quá trình làm chứng”. Tuy nhiên, những chi phí khác là những chi phí gì lại chưa được làm rõ trong các văn bản pháp luật.

Ngoài ra, thẩm phán Nguyễn Chế Linh,  Phó chánh án TAND Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ còn chỉ ra bất hợp lý là nếu nhân chứng không đến tòa cung cấp chứng cứ có thể bị áp dụng biện pháp dẫn giải. Trong khi đó, nguyên hoặc bị đơn không đến theo giấy triệu tập của tòa thì lại không có biện pháp nào chế tài nào!

Bảo vệ nhân chứng

Tuy luật quy định nhân chứng và những người thân thích được quyền được bảo đảm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác. Nhưng tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, phân tích: “Trong nhiều đạo luật, văn bản dưới luật hiện hành đã đưa ra các quy định bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự cho người làm chứng như bộ luật Tố tụng hình sự, pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, luật Công an nhân dân, luật Phòng, chống tham nhũng… nhưng các quy định này mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung mà chưa có những quy định cụ thể như thẩm quyền, điều kiện, thủ tục, trình tự áp dụng. Tôi cho đây là những hạn chế cần phải khắc phục”. Đồng quan điểm, luật sư Hà Hải cũng chỉ rõ hiện chưa có biện pháp, cơ chế đảm bảo an toàn cụ thể. “Ngoài ra, sau khi làm chứng xong không có cơ chế tiếp tục bảo vệ nhân chứng vì luật không quy định. Như vậy, nếu họ bị xâm phạm đến tính mạng sức khỏe ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”, luật sư Hà Hải đặt vấn đề.

Từ kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nghiên cứu về tố tụng, tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng cho rằng, việc xây dựng các quy định về bảo vệ nhân chứng cần lưu ý: bổ sung các quy định không được tiết lộ hoặc tiết lộ hạn chế thông tin liên quan đến nhận dạng hoặc nơi ở của người làm chứng, người tố giác trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự; cho phép nhân chứng có thể cung cấp thông tin thông qua đường truyền video hoặc các phương tiện thích hợp khác để đảm bảo cho họ. Áp dụng các biện pháp di chuyển nhân chứng, thay đổi nơi ở, nơi làm việc, thậm chí cho thay đổi tên tuổi, nhận dạng và yếu tố nhân thân của nhân chứng nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần xác định rõ nguồn ngân sách cấp cho công tác bảo vệ nhân chứng, người tố giác… cũng như quy định thẩm quyền và các tiêu chí cụ thể phân bổ kinh phí dành cho công tác này.

Nhìn nhận những bất cập, PGS-TS Trần Văn Độ, Phó chánh án TAND tối cao, cho biết các cơ quan tố tụng T.Ư đang nghiên cứu để kiến nghị ban hành luật bảo vệ nhân chứng để có những quy định toàn diện, đầy đủ hơn đối với việc bảo vệ nhân chứng, người tố giác tội phạm cũng như những người tham gia tố tụng.

Cơ quan bảo vệ nhân chứng độc lập

Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Yvon Dandurand (Đại học Fraser Valley, Canada) về bảo vệ nhân chứng, xu hướng quốc tế ngày càng được đồng thuận là việc bảo vệ nhân chứng cần được giao cho một cơ quan độc lập với cơ quan điều tra và tố tụng của vụ án liên quan. Nhiều nước trên thế giới còn thiết lập riêng chương trình bảo vệ nhân chứng, cho dù cách vận hành có khác nhau. Ở châu Âu, các chương trình như thế hoàn toàn độc lập nhưng vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật. Trong đó, các biện pháp bảo vệ cho nhân chứng phải hoàn toàn tuyệt mật và các cá nhân bảo vệ nhân chứng hoàn toàn không tham gia vào quá trình điều tra hay tố tụng đối với vụ án liên quan. Tại Canada, Đức, Úc, Ireland, Ý, Jamaica, Kenya, Nam Phi, Anh hay New Zealand, các biện pháp bảo vệ nhân chứng, tùy theo hoàn cảnh cụ thể và mối nguy đối với nhân chứng, bao gồm: bảo đảm an toàn, thay đổi danh tính và chỗ ở (có thể cả di chuyển ra nước ngoài), hỗ trợ tài chính và các dịch vụ khác (tư vấn, khám chữa bệnh). Thậm chí ở Mỹ hay Philippines, trong trường hợp cơ quan chức năng không có điều kiện bảo đảm sự an nguy cho nhân chứng vì một lý do bất khả kháng nào đó, nhân chứng sẽ được hỗ trợ một khoản tiền để có thể tự có những biện pháp bảo vệ cho chính mình (như thuê vệ sĩ).

An Điền

Lê Nga - Thái Sơn - Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.