Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 17: Một ngày ngao du

04/10/2013 04:00 GMT+7

Chắc hẳn nhiều bạn đọc - cũng như chúng tôi - đều muốn biết thi sĩ Bùi Giáng đã sống ra sao hằng ngày, đi đâu, về đâu và làm chi từ sáng đến chiều...

>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 16: Một bài thơ bí hiểm
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 15: 'Ông trời tròn' trò chuyện với… Kiều!

Bùi Giáng với bé Quỳnh (con gái Thanh Hoài) trong ngày sinh nhật 27.8:  “Bài thơ sinh nhật Bé Quỳnh/Cầm cây bút viết thình lình tay run (...) Lời chúc tụng Nàng Thơ về ẻo lả/Tự đầu tiên Quỳnh Bé đã vô ngần - d
Bùi Giáng với bé Quỳnh (con gái Thanh Hoài) trong ngày sinh nhật 27.8:
  “Bài thơ sinh nhật Bé Quỳnh/Cầm cây bút viết thình lình tay run (...)
Lời chúc tụng Nàng Thơ về ẻo lả/Tự đầu tiên Quỳnh Bé đã vô ngần - Ảnh: Gia đình cung cấp
 

Câu hỏi chuyển đến anh Nguyễn Thanh Hoài - người sống kề cận hơn 15 năm cuối đời với Bùi Giáng và được nghe kể:

- Bác Giáng dậy sớm lắm, thường khoảng 3 rưỡi đến 4 giờ sáng để ngồi thiền. Xả thiền xong ông lên tiếng đọc thơ khá lớn giọng, đánh thức cả nhà dậy. Nếu có ai ra mở cửa thì thôi, bằng không ông tự leo rào ra ngoài để bắt đầu một ngày ngao du.

Nơi ông đặt chân đến đầu tiên trong ngày thường là bất cứ một quán cóc nào đó trên vỉa hè đường Lê Quang Định, cạnh chùa Dược Sư, hoặc chùa Già Lam, gọi một ly cà phê đen cho có lệ, cốt để ngồi đảo mắt nhìn thiên hạ qua lại trong cảnh mờ mờ tối tối.

Đợi lát sau lúc trời vừa rạng sáng, thấy rõ mặt người, là ông đã vào gõ cửa quán rượu ông Tốt gần nhà để ghi chịu vài ly rượu trắng “mở hàng”. Uống xong ông bắt đầu đi là đà lãng đãng chỗ này chỗ nọ tùy thích cho đến trưa mới về ăn vài hột, có bữa không về, mãi đến trời sập tối mới thấy ông ngất ngưởng ngoài cửa. Lúc tỉnh táo thì không nói. Lúc say ngã tới ngã lui, người nhà phải bồng ông vào, năn nỉ ngủ. “Lịch sinh hoạt” ấy của ông ngày này qua ngày khác “rớt hột phiêu bồng” như thế...

- Chẳng có gì khác hơn sao?

- Có. Một điều gần như lặp đi lặp lại theo chu kỳ trong hơn 15 năm cuối đời của ông, là hễ ông “ngao du” một tháng theo cách trên, thì tháng kế tiếp ông ở nhà, không hề bước chân ra ngõ. Mà ở nhà, ông không nói một lời với bất cứ ai. Chỉ khi nào có việc hợp ý thì ông gật đầu. Không hợp ý thì ông lắc đầu. “Khoảng lặng” đó của ông kéo dài như những đám mây âm thầm tụ lại, rồi bỗng nhiên trổ một trận mưa bất chợt. Ở đây là “trận mưa thơ” không lường trước được.

Trong đó có những bài tặng các “nàng công chúa” bán ve chai, mà ông biểu lộ tấm lòng thương cảm từ bi, bằng cách trong lúc rong chơi đây đó ông vẫn để ý lượm những bao ni lông, giấy vụn và đồ tế nhuyễn về chất đầy một góc, đợi những người bán ve chai đi ngang qua, ông gọi vào rồi lỉnh kỉnh gom hết đem ra tặng cho họ, không lấy tiền. Tôi nhớ một bài ông đọc giữa trời: “Dzeee chai bééén! Dzeee chai beéén/Dzeee chai bán!/Bán dzeee chai!/Tiếng rao mộng ảo dẻo dai dị thường/Tiếng rao huyền diệu phố phường.../Tôi đi khắp chốn tình trường nhớ nhung/Tiếng rao lanh lảnh nghìn trùng/Nghìn nhung nhớ một tao phùng nết na/Người đi tôi ở lại nhà/Chiêm bao mộng tưởng vẫn là... dzeee chaiii!”.

- Bùi Giáng thường nhắc đến ai trong những triết gia phương Tây?

- Heidegger!

Vừa nói, anh Thanh Hoài vừa lật những trang Bùi Giáng viết: “Dasein - danh từ trụ cốt trong tư tưởng Heidegger - Dasein có thể dịch như thế nào? Gabriel Marcel sau vài tuần hội đàm với Heidegger, đành than thở: Dasein không cách gì dịch ra Pháp ngữ. Xưa kia, Henry Corbin đã dịch là “réalité-humaine”. Sau này các triết gia Pháp sẽ còn dịch là “l’être-le-là”.

Trong một số đặc san kỷ niệm Bùi Giáng, thấy có viết: “Martin Heidegger (1889 - 1976) là triết gia vĩ đại nước Đức, người đã gây ảnh hưởng sâu rộng nhất trên tư tưởng nhân loại trong suốt thế kỷ 20 và là người đã “kiên nhẫn dùng nhiều phương tiện thiện xảo, để gỡ bỏ bao gai góc trên mảnh đất siêu hình học phương Tây, giúp bạn đọc tìm về cõi uyên nguyên của tư tưởng bằng tất cả tâm nguyện “tín giải thọ trì” của một bậc bồ tát phương Tây”. Còn Bùi Giáng: “Heidegger khoát nhẹ một nửa bàn tay đủ lật nhào hai ngàn năm rưỡi tư tưởng triết học Tây phương và dựng lên một cõi gì chưa có danh hiệu chỉ định. Nhưng mà ông cứ giả vờ lất lay, lần mò lóng cóng đún đẩy rất mực ngược ngược xuôi xuôi”.

Trần Trung Phượng nhận định: “Bùi Giáng không chết. Và Heidegger cũng thế (tuy chúng ta biết rằng ông ra đi vĩnh viễn vào ngày 26.5.1976 tại Messkirch, quê hương của ông). Trong thế giới của những nhà suy tư lặng lẽ và ồn ào, bên cạnh Pythagore, Socrate, Trang Tử, Lão Tử, Shakespeare, Nietzsche, Kierkegaard... cả hai vẫn đang tiếp tục đùa giỡn, không phải là đùa giỡn với ngôn ngữ và tư tưởng hoặc với “hữu thể và thời gian” (Sein und Zeit) mà là đùa giỡn với hư vô, một sự đùa giỡn khốc liệt và bi tráng nhất trong lịch sử con người, một kiểu đùa giỡn đã từng làm một thiền sư - thi sĩ Việt Nam, khi một mình bước lên đỉnh núi cô đơn, phải hét to lên, làm lạnh cả bầu trời bát ngát xanh lơ - Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. (Còn nữa)

Hai lần thế giới binh đao (Thế chiến 1 và 2) vẫn chưa cho ta một nửa bài học. Ta vẫn hồn nhiên bước chân vào trường học để mài miệt học triết học, khoa học, trộn với chút ít thi ca. Nhận rõ cái hiểm họa ấy, Schweitzer đã đưa hai tay nắm lấy khoa học, Heidegger đã chín móng bấu lấy triết học, để gột rửa chúng khỏi những bùa ngải điêu linh. 

Bùi Giáng

Giao Hưởng

>> Tọa đàm thơ Bùi Giáng
>> Người vợ của Bùi Giáng
>> Tọa đàm khoa học đầu tiên về Bùi Giáng
>> Bùi Giáng và bài thơ 'phù thủy
>> Ra mắt di cảo thơ của Bùi Giáng
>> Ấn tượng Bùi Giáng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.