Tây Ninh: Chủ vườn đồng ý dẹp tượng 'kinh dị'

03/10/2013 03:00 GMT+7

Sáng 2.10, Phòng Văn hóa và Thông tin H.Hòa Thành (Tây Ninh) đã mời ông Phạm Chứng làm việc và đề nghị ông nhanh chóng dẹp bỏ những bức tượng máu me như đã cam kết. Đề nghị này được ông Chứng đồng ý.

Bầu chọn
Có nên dẹp bỏ “khu vườn tượng kinh dị” ở Tây Ninh?

Tây Ninh: Chủ vườn đồng ý dẹp tượng
Anh Điền giúp ông Chứng mang các bức tượng “kinh dị” vào nhà chiều tối 2.10 - Ảnh: Giang Phương

 

Ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, cũng cho biết thêm: “Trước mắt, chúng tôi tiếp tục vận động ông Chứng tự tháo dỡ những bức tượng mang tính chất kinh dị”.

Ghi nhận của PV, đến chiều 2.10, ông Phạm Chứng (72 tuổi, ngụ TP.HCM), chủ nhân “khu vườn kinh dị” tại ấp Long Hải, xã Trường Tây, H.Hòa Thành (Tây Ninh), đã chủ động dẹp bỏ hàng chục bức tượng kinh dị đúng như đã cam kết. Ông Chứng nói: “Tôi đã cam kết là tôi phải làm thôi; nếu như người ta cho phép thì tôi lại làm lại”. Theo khảo sát của PV chiều 2.10, tại khu vườn có hơn 500 mặt người được ông Chứng tạc bằng cát, đá, xi măng nằm rải rác khắp nơi trong khuôn viên rộng gần 1.000 m2 và bên trong nhà. Trong số đó có khoảng 20 mặt bị đâm chém, máu me nằm lẫn trong cây cỏ. Có những mặt tượng nặng từ 30 - 50 kg. Vì ông Chứng đã 72 tuổi nên anh Hồ Thanh Điền, người dân ở cạnh khu vườn của ông Chứng tình nguyện giúp ông mang hàng chục bức tượng kinh dị cất vào bên trong nhà. Ông Chứng bày tỏ: “Mỗi tháng tôi có 1,5 triệu đồng. Trừ các chi phí ăn uống, xe cộ đi lại còn hơn 500.000 đồng thì tôi làm những bức tượng này. Giờ coi như tôi tạm cất chúng đi vậy”. Đến chiều tối, trời mưa to khiến anh Điền không thể tiếp tục khiêng hết số tượng kinh dị ngoài vườn vào nhà. Tuy nhiên, ông Chứng cho biết sẽ thực hiện vào những ngày tiếp theo đúng như cam kết của mình. 

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL)

Do khu vườn không phải là nơi công cộng, nếu ở trong phạm vi nhà chủ nhân, không tổ chức triển lãm, hay bán vé để người dân vào xem thì cũng là việc bình thường, không sao cả. Tuy nhiên, nếu những bức tượng đó khiến những người dân xung quanh sợ hãi thì cũng nên xem xét lại.

Bà Đoàn Hương, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm

Việc trưng bày các tác phẩm của người tạc tượng này trong nhà, vốn không phải là một trưng bày triển lãm. Tuy nhiên, do không có tường chắn nên việc bày trong nhà cá nhân này lại trở thành một trưng bày không có chủ ý. Và khi đã là trưng bày để công chúng thấy thì buộc phải xin phép, cấp phép. Chính vì thế, ở đây cần nhắc nhở, không cho phép việc trưng bày dù không chủ ý này khi nó ảnh hưởng đến công chúng.

Dịch giả Phạm Long, người dịch tác phẩm Điêu khắc hiện đại ra tiếng Việt

Trong lịch sử mỹ thuật thế giới không phải không có những lần dỡ bỏ tác phẩm điêu khắc bị cộng đồng phản đối. Chẳng hạn, tác phẩm Vòng cung nghiêng của nhà điêu khắc Mỹ nổi tiếng Richard Serra. Năm 1981, ông từng được chính quyền liên bang đặt sáng tạo một kiến trúc ngoài trời. Việc đặt tác phẩm cũng được chính quyền cho phép. Nhưng sau đó có nhiều người phản đối tác phẩm vì nó khiến việc đi lại tại khu vực đặt tác phẩm quá bất tiện. Hàng trăm công nhân đã kiến nghị phản đối vì họ phải đi đường vòng chứ không thể đi thẳng như trước. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng năm 1989, Vòng cung nghiêng đã bị dỡ bỏ.

Trinh Nguyễn - Minh Ngọc

 

Giang Phương

>> Video clip: Cận cảnh khu vườn kinh dị ở Tây Ninh
>> Cận cảnh 'khu vườn kinh dị' ở Tây Ninh
>> Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.