Giáo dục cần thực chất

01/10/2013 03:00 GMT+7

Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) khai mạc hôm qua là sẽ thảo luận, cho ý kiến về đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Một năm trước đây, tại Hội nghị Trung ương 6, đề án này chưa được thông qua và yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh.

Dự thảo đề án lần này đã được Bộ GD-ĐT công bố rộng rãi gần 2 tuần trước có những đổi mới rõ rệt về quan điểm, định hướng phát triển. Đồng thời cũng phần nào cho thấy ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, giáo viên…

Nhìn toàn diện, có thể cho rằng đây là đề án khá tốt, có nhiều đột phá. Điểm nổi bật là có sự thay đổi quan trọng về mục tiêu giáo dục, chú trọng vào sự phát triển toàn diện. Thoát khỏi khuôn mẫu khô cứng lâu nay, mục tiêu giáo dục con người, theo đề án, trước hết phải biết yêu gia đình rồi mới đến yêu đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân. Thông qua đề án, có lẽ đây cũng là một trong ít lần hiếm hoi Bộ GD-ĐT công nhận tình trạng không thực chất, chạy theo số lượng, thành tích của nền giáo dục hiện hành. Vì thế, đề án lần này nhấn mạnh đến sự thực học - thực nghiệp. Ban soạn thảo đề án cũng khá mạnh dạn khi khẳng định: “Chuyển phát triển giáo dục hiện nay chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang phát triển theo mục tiêu vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục vừa đáp ứng yêu cầu số lượng theo nhu cầu nhân lực của xã hội”.

Chương trình học nặng nề, hàn lâm, thiếu tính sáng tạo và một chế độ thi cử cồng kềnh, không hiệu quả, thiếu thiết thực là những vấn đề mà xã hội quan tâm từ bao lâu nay. Dự thảo lần này lựa chọn đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá là khâu đột phá. Có những thay đổi rất đáng kể xung quanh vấn đề này khiến người dân không khỏi hy vọng sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc dạy và học sau giai đoạn đổi mới.

Tuy nhiên, có lẽ vì phải bằng mọi cách đổi mới, quá say sưa với những điều được xem là tiên tiến, muốn bỏ vào tất cả những ý kiến cho rằng có giá trị nên đề án đổi mới có gì đó như một bức tranh góp nhặt những gam màu sáng từ nơi này, nơi khác. Ở đó có thể thấy những gì là tinh hoa của các nền giáo dục tiên tiến nhưng lại thiếu vắng đi chất riêng của một nền giáo dục mà người VN (chứ không phải nước khác) trong một thế giới toàn cầu, có nhiều biến động và thay đổi phải hướng đến. Ngoài ra, đề án cũng chưa cho thấy đâu là điểm nhấn của việc đổi mới căn bản, toàn diện.

Những thay đổi này, suy cho cùng, cũng chỉ là kỹ thuật. Vấn đề quan trọng hơn chính là bản chất thật sự của những con người tham dự vào sự đổi mới ấy. Nếu cũng với một tư duy cũ kỹ; một tinh thần làm việc không thực chất; thái độ không xem trọng những điều tử tế, đàng hoàng; một cơ chế còn gò bó, ít tự chủ… thì dù có những thay đổi về mặt kỹ thuật đến đâu rồi cũng sẽ không triệt để.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.