Dẹp loạn giá sữa

01/10/2013 09:00 GMT+7

Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo việc “đổi tên” không đúng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ thành “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng” không chỉ đơn thuần làm loạn giá mà còn đe dọa sức khỏe trẻ em.

Dẹp loạn giá sữa
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đang khẩn trương xây dựng dự thảo thông tư ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo dự thảo, các sản phẩm bao gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 - 36 tháng tuổi; Sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không có bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi. Danh mục này là cơ sở để Bộ Tài chính thực hiện quản lý giá theo quy định.

Trước đó, ngày 6.9, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính cho biết ý kiến về phân loại sản phẩm thuộc danh mục phải thực hiện bình ổn giá. Trong đó khẳng định sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa thuộc nhóm thực phẩm bổ sung hoặc nhóm thực phẩm sử dụng với mục đích đặc biệt dùng cho trẻ dưới 6 tuổi phải thực hiện bình ổn giá.

Việc Trung Quốc xử phạt hàng loạt các đại gia sữa ngoại vì thao túng thị trường sữa nước này, là bài học cho các cơ quan quản lý VN trong vấn đề lành mạnh hóa thị trường sữa

Đe dọa sức khỏe trẻ em

Ngày 27.9, Tổ chức Y tế thế giới  (WHO), Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại VN cũng đã có thông tin gửi đến các cơ quan báo chí bày tỏ “rất quan ngại đến việc ghi nhãn và tiếp thị các sản phẩm sữa công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang được bán ở VN”. Ý kiến nêu rõ: “Vấn đề không chỉ đơn thuần là các sản phẩm này được bán với giá quá cao, mà sức khỏe của trẻ em VN còn có khả năng bị đe dọa. Việc đổi tên không đúng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ thành “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng”, khiến những sản phẩm này nằm ngoài sự kiểm soát của Bộ Tài chính về giá. Đồng thời, việc ghi nhãn không đúng ảnh hưởng đến việc thực thi luật Quảng cáo, trong đó quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, có hiệu lực từ tháng 1.2013”.

Theo phân tích của WHO và UNICEF: “Sử dụng thuật ngữ “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng” để gọi sữa công thức gây hiểu lầm cho khách hàng và bỏ qua những khuyến cáo rõ ràng về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được đưa ra dựa trên các bằng chứng toàn cầu”. Các tổ chức này khuyến nghị  mạnh mẽ: “Để đảm bảo an toàn cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ em VN, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần xếp sữa công thức đúng vào hạng mục sữa. Điều này không chỉ đảm bảo giá các sản phẩm được quản lý chặt chẽ mà còn tuân thủ các quy định về quảng cáo trong luật quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ”.

Trách nhiệm liên quan giữa các bộ

Không chỉ tới đầu năm 2013, khi các hãng sữa áp dụng chiêu thay tên đổi họ đẩy giá sữa tăng vọt, nhiều năm qua tình trạng giá sữa tăng liên tục vẫn diễn ra mà cơ quan quản lý chưa kiểm soát được. Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, các hãng sữa nước ngoài thường vin vào yếu tố thay đổi mẫu mã, bao bì, tỷ giá để tăng giá. Tuy nhiên, “xác định cơ cấu giá sữa đang gặp khó khăn, trong đó có phần trách nhiệm liên quan giữa các bộ cũng chưa nhịp nhàng. Quan trọng là xác định cơ cấu giá có hợp lý hay không, không hợp lý thì bóc tách, phải tăng cường kiểm tra kiểm soát để xử phạt trong trường hợp đăng ký giá không hợp lý, không đúng quy định của pháp luật”, ông Chiến nói. Việc cơ quan quản lý kêu “khó” khi xác định cơ cấu giá sữa không còn là chuyện mới mẻ, bởi theo ông Chiến, doanh nghiệp có “nhiều thủ đoạn để lách luật”. Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý đều nắm được các chiêu trò này, nhưng lại chậm chạp trong việc đưa ra các giải pháp hạn chế, ngăn chặn.

Thừa nhận các quy định về kiểm soát thị trường sữa còn thiếu chặt chẽ, nhưng theo ông Chiến, việc sửa quy định không thể ngày một ngày hai. Thủ tướng yêu cầu tới 5.10 phải có danh mục sản phẩm sữa, thuộc diện phải bình ổn giá, phải kê khai đăng ký giá, đưa vào diện quản lý giá thì chắc chắn việc kê khai giá không đúng sẽ được hạn chế. Căn cứ vào đây, Bộ Công thương sẽ phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra việc tăng giá sữa của các doanh nghiệp kinh doanh sữa xem cơ cấu giá có phù hợp hay không, nếu không phù hợp phải điều chỉnh. Lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra các công ty kinh doanh, nếu không đúng sẽ xử phạt.

Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc xử phạt hàng loạt các đại gia sữa ngoại vì thao túng thị trường sữa nước này, là bài học cho các cơ quan quản lý VN trong vấn đề lành mạnh hóa thị trường sữa.

Lại rục rịch tăng giá

Như Thanh Niên đã từng phản ánh, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, các hãng sữa ngoại tăng giá lần thứ 5 liên tiếp, và là lần thứ 30 giá sữa được điều chỉnh trong vòng 3 năm qua. Nhưng theo thông tin mới nhất từ các đại lý, hiện có ít nhất 2 hãng sữa đang rục rịch tăng giá, trong đó một hãng có thể tăng giá ngay đầu tháng 10 và một hãng thì “sắp tăng giá”, mức tăng khoảng 10%. Lý do được các hãng sữa đưa ra vẫn là điệp khúc: Giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng, giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều chi phí tăng lên... Trong khi theo số liệu từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng. Trong những tháng đầu năm 2013, sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đồng loạt giảm mạnh nhưng gần như không có doanh nghiệp sữa nào giảm giá.

Số liệu của WHO cũng cho thấy, giá bán lẻ sữa trung bình tại VN là 1,4 USD/lít, Trung Quốc 1,1 USD/lít, Ấn Độ 0,5 USD/lít, các nước Âu - Mỹ 0,5 - 0,9 USD/lít.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.