Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 13: Bùi Giáng với làng báo Sài Gòn

30/09/2013 00:35 GMT+7

Ghé tòa soạn tạp chí Văn những năm trước 1975, Bùi Giáng thường “ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn, thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo”...

>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 12: Giữa cõi đời hư thực
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 11: Bùi Giáng nổi giận trong sân chùa
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 10: Nhà thơ nói về... thế kỷ 35!

Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 13: Bùi Giáng với làng báo Sài Gòn 1 
Bùi Giáng đọc số Báo Thanh Niên có đăng thơ ông - Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhà văn Mai Thảo kể như thế trong hồi ức của mình và nhớ lại thời ấy Bùi Giáng “chỉ còn là da bọc xương trong bộ quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy”, nhiều lúc ông ngủ ngon lành trên bàn viết, rồi “lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống”.

Sau 1975, Bùi Giáng “đi xích lô đến tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM để gửi thơ (…) đi tìm ai, nếu không gặp, ông nhắn lại… bằng thơ! (Lê Minh Quốc)”. Ông cũng “lãng du” đến tòa soạn Báo Tuổi Trẻ năm 1994, đưa bài thơ đăng trên Báo Xuân Tuổi Trẻ 1995 có hai câu cuối: “Nhành đời gió lộng trùng khơi/Nhặt lên thả xuống chiều vời vợi bay”.

Với Báo Thanh Niên, vào một dịp có giải bóng đá thế giới, anh em phóng viên có truyền nhau mấy câu cho là của ông: “Truyền hình trực tiếp đá banh/Sao không trực tiếp truyền thanh Mưa nguồn”… Ông biết được, cười vui vẻ và đã viết mấy dòng “nói cho rõ” như sau: “Câu thơ ấy chắc là của anh em Câu lạc bộ cao hứng nói ra. Nghe vui thật. Hay thật. Ngộ nghĩnh thật. Nhưng quả nhiên là không phải của tôi. Mong quý Báo, quý anh em thông cảm. Ký tên: Bùi Giáng”. Ông cũng gửi đến Báo Thanh Niên bài thơ Nàng tiên ấy với bốn câu mở đầu: “Nàng tiên ấy đã đi đâu/Hay còn luẩn quẩn giữa màu lá cây/Nàng đi nhớ tháng thương ngày/Thương năm tháng rộng thương ngày cong cong…” và bài Ly rượu cuối cùng - cả hai đều đăng trên Thanh Niên số Xuân Bính Tý 1996.

 Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 13: Bùi Giáng với làng báo Sài Gòn 2
Mấy dòng Bùi Giáng gửi Báo Thanh Niên - Ảnh: Tư liệu

Ông cũng thăm nhiều tòa soạn khác. Đọng lại nhất trong chúng tôi là hôm ông “ghé” Báo Khoa học phổ thông năm 1983 - cách đây đã tròn 30 năm. Nguyên hôm ấy, ông lang thang từ chùa Xá Lợi về hội quán Văn nghệ số 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM. Thời đó, quán 81 bán bia hơi có “kèm mồi”, anh em mời ông ngồi uống, ông nốc cạn một ly rồi đi ngay ra cửa. Chúng tôi theo để gọi xích lô cho ông. Đến ngã tư Trần Quốc Thảo - Võ Thị Sáu một đoạn, ông đứng khựng lại chỉ vào tấm bảng có ghi: Tòa soạn Báo Khoa học phổ thông. Ông sừng sộ, hai tay xỉa xói từng chập lên cái bảng hiệu Khoa học phổ thông ấy. Nghe ông la mấy tiếng “đồ khoa học điên đảo!”, “khoa học đáng nguyền rủa!” - người trong tòa soạn ngỡ ông đang kiếm chuyện “gây” báo mình. Nhưng không. Vì thực ra ông không có gì để đụng đến tòa soạn uy tín này. Mà chỉ nhân hai chữ “khoa học” đọc thấy tình cờ trên tấm bảng, đã gợi lên niềm uất giận trong ông. Uất thế nào? Chúng tôi tự đi tìm lời giải đáp qua những dòng ông viết:

“Khoa học giết người, triết học giết người. Khoa học giết người, ta nhìn thấy rõ. Triết học giết người, ta nhìn không thấy rõ. Và ít ai hiểu rằng sở dĩ khoa học giết được nhiều con người đến thế là chính bởi triết học khốn nạn đã dọn đường, chính triết học hư tà đã phạm tội trước tiên. Khoa học thơ ngây được phép không ngờ. Khoa học đã hồn nhiên gieo bóng tối. Nhưng cái ghê tởm nhất là cái bóng tối từ ở giữa lòng triết học tỏa ra. Nietzsche đã chịu một mình mang tủi nhục để gào to. Nietzsche - cái kẻ dịu dàng như hươu non đành chịu bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Nhưng lập tức lời nguyền rủa từ bốn phía vang lên. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoelderlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác đã điên. Để ngày nay… để ngày nay chúng ta tụ hội về đây, xôn xao nêu câu hỏi: cớ sao mà điên? Nêu một cách rất ngây thơ, tròn trĩnh. (…) Suốt hai mươi mấy thế kỷ, các nhà triết gia học giả u Tây đã gây điên đảo cho triết học như thế nào? Và từ một vài thế kỷ nay, tại sao khoa học lại gieo rắc đau thương nhiều đến thế? Phải nêu câu hỏi đó lên, ta mới rõ vì sao Einstein một mực đòi đi bán bánh mì, Heidegger cùng với Nietzsche một mực đòi chôn vùi hay đập vỡ nền triết học từ Aristote về sau. Từ đó mà đi các bạn không còn chỉ trích chúng tôi sao lại cố tâm cố ý đưa những hình ảnh thiên nhiên - và gọi chúng là những tượng số - về ở giữa triết học hoạt tồn, triết học tồn lưu tồn thể… Đã là người Việt Nam, thì chẳng lẽ lại viết triết học bằng chữ. Phải viết bằng lời. Mà lời của biển dâu không thể là lời của văn xuôi. Phải là lời thơ “tái tân thanh” tái tạo. Văn xuôi cũng phải buộc là thơ. Và mở cửa cho thơ rúc vào nằm trong một vòm tròn trịa méo mó ôm nhau…” (Tư tưởng hiện đại, NXB Tân An, Sài Gòn 1974 và NXB Văn hóa Sài Gòn - Quỳnh Na 2008).

Đọc đoạn trên để hiểu phần nào về nguyên do khiến Bùi Giáng có những cơn giận bất ngờ trên đường phố, quay quắt bỏ đi, đi hoài tới trước. Và chắc là những lúc đó thơ ông cứ như thác đổ, ào ào tuôn dội từ những cơn “mưa nguồn” đổ xuống sau lưng! (Còn nữa)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.