Khắp nơi chuẩn bị đối phó bão số 10

29/09/2013 16:18 GMT+7

(TNO) Bão số 10, tên quốc tế Wutip, đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cấp trong đêm nay và ngày mai 30.9, theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư.

Quảng Nam: Còn 65 tàu thuyền hoạt động trên biển
Nhiều tàu cá Quảng Nam đã vào bờ tránh trú bão - Ảnh: Hoàng Sơn

Để đối phó với cơn bão này, dự kiến sẽ đổ bộ vào miền trung, nhiều địa phương đã được “đặt trong tư thế báo động”, cấp tập triển khai các biện pháp phòng chống.

Quảng Nam còn 65 tàu thuyền hoạt động trên biển

Ngày 29.9, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) Quảng Nam cho biết hiện vẫn còn 65 tàu cá (với 2.237 lao động) của địa phương đang hoạt động trên biển.

Theo đại tá Nguyễn Văn An, Chủ nhiệm Chính trị BCH BĐBP Quảng Nam, tính đến cuối giờ chiều nay, các đồn biên phòng đã kêu gọi trên 700 phương tiện vào bờ trú tránh bão số 10 an toàn. Trong đó, có 89 tàu đánh bắt xa bờ (2.697 lao động) đã vào bờ.

Hiện còn 65 tàu cá đang hoạt động trên biển tại khu vực quần đảo Trường Sa và vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các đồn biên phòng.

BĐBP Quảng Nam cũng đã hướng dẫn cho 7 tàu vận tải ở khu vực Cù Lao Chàm nhanh chóng về neo đậu trên vùng biển Đà Nẵng và cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế).

Ngoài ra, một tàu vận tải (11 thuyền viên) bị hỏng máy đã được tàu của BĐBP Quảng Nam kéo về khu vực Cù Lao Chàm tránh trú.

Các đồn biên phòng (BĐBP Quảng Nam) đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương thông báo, thông tin cho ngư dân trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động phòng tránh.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) Quảng Nam, từ ngày 26.9 đến sáng 29.9, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhỏ, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa như sau: Phước Sơn: 54 mm, Hội An: 38 mm, Câu Lâu: 33 mm; Trà My: 28 mm; Tiên Phước: 26 mm...

Mực nước ở các sông đều dưới báo động 1. Hiện, mực nước các hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 đều đang ở trên mực nước dâng bình thường.

Để chủ động phòng chống mưa lũ do cơn bão số 10 gây ra, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các hồ chứa thủy điện chủ động xả nước về đến mực nước đón lũ theo đúng quy trình.

Theo dự báo, khu vực các huyện phía bắc tỉnh Quảng Nam từ sáng đến chiều ngày 30.9 có gió mạnh, khả năng trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to.

BCH PCLB tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; kiểm đếm tàu, thuyền đánh bắt cá của tỉnh còn đang ở ngoài khơi; kiểm tra rà soát các phương án sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng, ven biển, cửa sông…

Trên 100 tàu cá Lý Sơn đã về đảo an toàn

Lý Sơn - Quảng Ngãi: Chủ động phòng tránh bão số 10
Toàn bộ tàu cá của ngư dân Lý Sơn đã vào nơi neo đậu an toàn - Ảnh: Văn Mịnh

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, chiều 29.9, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió cấp 6-7 giật trên cấp 7, sóng biển cao từ 2-2,5 m.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) huyện Lý Sơn đã khẩn trương triển khai ngay phương án phòng chống bão số 10.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Lý Sơn cho biết: Huyện đã chỉ đạo các địa phương duy trì chế độ trực 24/24 giờ, tuyên truyền vận động người dân chủ động chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu trên đồng, tổ chức kiểm tra và di dời toàn bộ 13 hộ dân đang sinh sống tại xóm Cồn (xã An Vĩnh) và khu vực Mom tàu (xã An Bình) về nơi tránh trú an toàn, đồng thời kiểm tra thị sát một số công trình quan trọng như: Hồ chứa nước Thới Lới, tuyến kè đông nam của đảo, vũng neo trú tàu thuyền.

Lãnh đạo địa phương cũng đã chỉ đạo nghiệp đoàn nghề cá 2 xã phối hợp với Đồn biên phòng Lý Sơn rà soát, thống kê, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện tàu thuyền đang hành nghề trên biển vào nơi trú ẩn an toàn.

Thống kê của BCH PCLB-TKCN huyện cho biết đến 16 giờ ngày 29.9, toàn bộ trên 100 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó có 11 tàu cá, với 176 lao động đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa đã chạy về đảo neo đậu và tránh trú an toàn.

Quảng Trị di dời 20.502 hộ dân, 82.107 nhân khẩu

Quảng Trị: Cấp tập chống bão số 10 4
Lực lượng chức năng đưa cụ Phan Thị Sen (75 tuổi, hộ neo đơn, có công với cách mạng tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, H.Gio Linh) đến nơi an toàn

UBND tỉnh Quảng Trị trong 2 ngày 28 và 29.9 đã có 2 công điện khẩn gửi các địa phương, các ban ngành trong tỉnh cho biết tình hình, sớm đôn đốc người dân không lơ là, chủ quan trước bão số 10.

Công điện yêu cầu trước 22 giờ tối 29.9, các đơn vị liên quan phải hoàn thành công tác chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, sơ tán dân.

Theo kế hoạch, sẽ có tới 20.502 hộ dân/82.107 nhân khẩu thuộc vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng ngập lụt đặc biệt nguy hiểm, vùng lũ quét, vùng sạt lở bờ sông thuộc 141 xã, phường trong toàn tỉnh sẽ được di dời.

Trong đó, đặc biệt chú ý tại địa bàn các xã vùng cao đầu nguồn sông Thạch Hãn như Pa Tầng, Tà Rụt, A Bung, A Ngo, Húc Nghì... nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, lại thường xảy ra lũ quét.

Theo công điện, ngày 30.9, toàn bộ học sinh trên địa bàn được nghỉ học và tùy tình hình diễn biến sẽ cho đi học lại sau.

Quảng Trị: Cấp tập chống bão số 10 1
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính (trái) trực tiếp về đôn đốc bà con tại xã Gio Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) khẩn trương di dời đến nơi an toàn

Quảng Trị: Cấp tập chống bão số 10 2
Người dân thôn Cang Gián (xã Trung Giang, H.Gio Linh) chằng chống nhà cửa

Quảng Trị: Cấp tập chống bão số 10 3
Tại thôn này, lực lượng bộ đội biên phòng đang khẩn trương giúp dân

Quảng Trị: Cấp tập chống bão số 10 5
Hầu hết hàng quán dọc bờ biển Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) đều đóng cửa

Quảng Trị: Cấp tập chống bão số 10 6
Các hộ kinh doanh hàng quán dọc bờ biển Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) cố chằng chống lại nhà cửa trước khi rút vào nhà tránh bão - Ảnh: Nguyễn Phúc

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh, hiện có 2.508 chiếc thuyền với 6.405 thuyền viên của địa phương đã vào bờ trú ẩn an toàn. Toàn bộ lúa hè thu cũng đã thu hoạch xong.

Do thời gian không còn nhiều, nên ngay trong chiều 29.9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường cùng 4 Phó chủ tịch đã dẫn đầu 5 đoàn công tác khẩn cấp hướng về các địa phương trọng yếu, những vùng có nguy cơ thiệt hại do bão lũ trong những năm qua để trực tiếp đôn đốc chỉ đạo mọi công tác chuẩn bị trước khi bão vào.

 

Tại thị trấn Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh), theo quan sát của Thanh Niên Online, người dân ở đây đã rất chủ động và thực hiện việc phòng chống bão số 10 khá tốt. Hầu hết các tàu cá lớn đã vào sâu trong nội địa neo đậu, tàu cá nhỏ thì được đưa hẳn lên bờ, buộc lại với nhau. Dọc bờ biển, các hàng quán đã đóng cửa...

Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị biểu dương điều này nhưng cũng căn dặn thêm hoàn lưu sau bão thường gây ngập lụt nên chính quyền, người dân toàn tỉnh còn phải chuẩn bị lương thực, thuốc men ngay từ bây giờ.

PV Thanh Niên Online đã đi theo đoàn do Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính dẫn đầu, hướng về các xã ven biển thuộc H.Vĩnh Linh và Gio Linh. Tại âu neo đậu thuyền thuộc xã Gio Việt, ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND H.Gio Linh báo cáo nhanh rằng ngay trong buổi sáng huyện đã cho 2 xe truyền thông lưu động chạy khắp địa bàn để thông báo một thông tin ngắn gọn: “Bão có khả năng đổ bộ vào Quảng Trị, sức gió lớn hơn trận bão lịch sử năm 1985” để bà con biết.

Cũng theo ông Lân, dự kiến huyện sẽ di dời 2.500 hộ/8.500 khẩu với 2 phương án, hoặc là đưa dân ở nhà xây dựng thô sơ sang nhà kiên cố; hai là đưa lên tập trung tại các trụ sở chính quyền, nhà cộng đồng kiên cố.

Tại xã Trung Giang (H.Gio Linh), là vùng bãi ngang đặc biệt nguy hiểm trong bão lũ, ngoài người dân địa phương còn có sự xuất hiện của lực lượng bộ đội biên phòng giúp các hộ neo đơn, các cụ già đơn thân.

Ông Nguyễn Văn Bài, Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị khẩn thiết yêu cầu: “Ngay lúc này, khi mưa chưa trút xuống, đề nghị mọi người huy động toàn lực làm tất cả những gì có thể, mục tiêu tối cao là không để thiệt hại về người, giảm thiểu thiệt hại tài sản. Đây là cơn bão dự báo hết sức khủng khiếp...”.

Hoàng Sơn - Văn Mịnh - Nguyễn Phúc

>> Bão số 10 giật cấp 14 sẽ đổ bộ vào Trung bộ
>> Thừa Thiên-Huế bàn kế hoạch ứng phó bão số 10
>> Bão số 10: 6 tàu cá VN trú ẩn ở Hải Nam, Trung Quốc
>> Bão số 10 mạnh cấp 11 hướng vào miền Trung
>> Bão số 10: 42 tàu, 379 ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm
>> Bão số 10 giật cấp 14 sẽ đổ bộ vào Trung bộ
>> Thừa Thiên-Huế bàn kế hoạch ứng phó bão số 10
>> Bão số 10: 6 tàu cá VN trú ẩn ở Hải Nam, Trung Quốc
>> Bão số 10 mạnh cấp 11 hướng vào miền Trung
>> Bão số 10: 42 tàu, 379 ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.