Di chỉ khảo cổ đang bị tàn phá

28/09/2013 11:00 GMT+7

Những thông tin tại Hội nghị thông báo khảo cổ học 2013 cho thấy nếu không có quy hoạch khảo cổ , nhà khảo cổ mãi bị động. Khi họ nghe tin rồi giật mình chạy đến thì di chỉ sắp hoặc đã bị xóa sổ rồi.


Trong khi chưa có quy hoạch khảo cổ học cho Mỹ Sơn thì dòng suối cổ ở đây đã bị xâm hại - Ảnh: Nguyễn Lê
 

Hội nghị thông báo khảo cổ học 2013 năm nay có khoảng 500 báo cáo. Các nhà khảo cổ chia sẻ nhiều biến cố với các di sản khảo cổ đang không có quy hoạch để giữ gìn. “Trong khi quy hoạch khảo cổ là con số 0, thì hằng ngày hằng giờ di chỉ khảo cổ đang bị phá hoại khủng khiếp. Có tới 90% các di tích khảo cổ học thời đại kim khí nghiên cứu hiện nay bị xóa sổ hoàn toàn”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nói. Không chỉ các di chỉ thời kim khí bị phá, mà nhiều di chỉ khảo cổ học dưới nước, khảo cổ học Chăm pa - Óc Eo, khảo cổ học lịch sử cũng chung số phận.

Còn nhớ, trong cuộc họp của các nhà khoa học với UBND TP.Hà Nội về số phận đàn Xã Tắc, các nhà khảo cổ đã đến rất đông. PGS-TS Tống Trung Tín cùng những đồng nghiệp lâu năm, trong đó có Viện phó Viện Khảo cổ TS Bùi Văn Liêm, người từng phụ trách khai quật đàn Xã Tắc, TS Nguyễn Hồng Kiên cũng có mặt. Họ cùng đến, mang theo tài liệu khai quật ở đó nhiều năm trước, để chứng minh rằng, dự án xây dựng cầu ở đó sẽ ảnh hưởng tới di chỉ ra sao. Cuối cùng, UBND TP.Hà Nội cũng đồng thuận để việc nghiên cứu khảo cổ tiếp tục được tiến hành, cũng như phương án làm cầu có điều chỉnh. Ví dụ này cho thấy việc không có quy hoạch khảo cổ dẫn đến xung đột, và thậm chí còn khiến việc phát triển chậm lại, rắc rối hơn.

Trách nhiệm chính của địa phương

Nhìn lại năm qua, bên cạnh các phát hiện khảo cổ mới, rất nhiều di chỉ, di tích khảo cổ học lâm nguy. Cầu vượt qua khu vực đàn Xã Tắc hâm nóng công luận cho tới khi các nhà khảo cổ được phép vào cuộc khai quật. Di sản thế giới Mỹ Sơn bị xúc tầng văn hóa để đổ bỏ khi dòng suối thiêng Khe Thẻ bị bê tông hóa trái phép. Di chỉ Vườn Chuối, Đông Anh đành nhường cho khu đô thị mọc lên, trong khi nếu có quy hoạch hoàn toàn có thể không xây nhà cao tầng mà làm sân chơi ở đó. Khi ấy, tầng văn hóa ở dưới sẽ giữ gìn được.

 

Trong khi quy hoạch khảo cổ là con số 0, thì hằng ngày hằng giờ di chỉ khảo cổ đang bị phá hoại khủng khiếp. Có tới 90% các di tích khảo cổ học thời đại kim khí nghiên cứu hiện nay bị xóa sổ hoàn toàn

PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ

Trên cạn là vậy. Dưới nước thì lâu lâu lại có một phát hiện tàu cổ đắm. Người dân tranh nhau khai thác, rồi còn bất đồng cả với chính quyền. Cuộc tranh giành vớt cổ vật trên những con tàu đắm ở Quảng Ngãi mãi mãi là nỗi đau khi từng chồng hiện vật bị dùng xà beng bẩy vỡ hoặc đập tan. Nhà nước cứ chậm chân hơn các ngư dân trong việc tiếp xúc, khai thác các tàu đắm. Trong khi theo PGS-TS Tín, vào năm 2012, chỉ thăm dò 20 km thương cảng Vân Đồn, Quảng Ninh đã phát hiện được hàng chục vị trí nghi có tàu đắm. Có nghĩa là nếu có quy hoạch khảo cổ, thì di sản cả trên bờ, dưới nước, trong hang đá đều sẽ được bảo vệ tốt hơn. Tất nhiên, việc có quy hoạch khảo cổ học dưới nước cũng cần kết hợp thêm với phát triển khảo cổ học dưới nước vốn ba không: không tiền - không người - không phương tiện như hiện nay.

“Kế hoạch bảo vệ ra sao thì các địa phương phải làm chứ các nhà khảo cổ làm sao mà chạy theo bảo vệ được”, PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học, nói. “Tôi nói chẳng hạn Vĩnh Phúc đã làm quy hoạch ở Đồng Đậu. Quây làm một vườn rào, họ bỏ ra 3 tỉ để xây quây lại thì còn ai dám phá nữa. Còn di chỉ Đông Sơn không còn tí nào, Đa Bút không còn tí nào nữa. Tôi xuống khai quật mấy lần rồi không còn nữa”.

Tuy nhiên, tín hiệu ban đầu sau những xung đột bảo tồn - phát triển tương tự vụ việc ở đàn Xã Tắc là một số địa phương đã bắt đầu chú ý đến quy hoạch khảo cổ. “TP.HCM đang đề nghị chúng tôi làm một dự án quy hoạch khảo cổ học. Chúng tôi đã gửi đề án cho Sở VH-TT-DL để họ tổ chức thảo luận. Bình Dương, Bình Phước cũng muốn làm, tuy chưa cụ thể hóa công việc để triển khai song hai tỉnh này đã đặt vấn đề rồi”, PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khảo cổ, Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, cho biết.

“Địa phương phải xây dựng quy hoạch khảo cổ là điều đã được quy định trong luật Di sản. Trong cuộc họp chiều nay (27.9), tôi cũng sẽ kiến nghị nội dung này trong cuộc họp của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Kiến nghị để giám sát việc xây dựng quy hoạch khảo cổ nhằm tránh xung đột giữa bảo tồn và xây dựng phát triển”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói.

Trinh Nguyễn

>> Bảo tồn di sản văn hóa không đồng nghĩa “giữ nguyên hiện trạng”
>> Công bố 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
>> Thanh niên tuyên truyền bảo vệ di sản văn hóa
>> Tăng cường sưu tầm, kiểm kê di sản văn hóa Tây nguyên
>> Di tích của Triều Tiên được công nhận di sản văn hóa thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.