Phạt 'ngoại tình' có khả thi ?

28/09/2013 11:00 GMT+7

Nghị định Chính phủ vừa ban hành quy định xử phạt hành chính người “ngoại tình” từ 1-3 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng sẽ rất khó thực thi quy định này trong thực tế.


Minh họa: Dad 

Nghị định 110/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp và lĩnh vực hôn nhân và gia đình, có hiệu lực từ 1.11.2013, nêu: Phạt từ 1 đến 3 triệu đồng đối với người đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người khác, hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mình biết rõ đang có quan hệ hôn nhân với người khác, người đang có vợ hoặc có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống với người mà mình biết rõ là đang có vợ hoặc đang có chồng…

Thế nào là “sống như vợ chồng”?

Luật sư Huỳnh Minh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận xét theo nghị định căn cứ để xử phạt là phải có hành vi “chung sống như vợ chồng”. Vậy thế nào là chung sống như vợ chồng? Tại Thông tư liên tịch 01/2001 có quy định việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, có tài sản chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng… “Như vậy, dù có bắt được quả tang tại trận cũng không thể xử lý được nếu họ không có con chung hoặc không có tài sản chung, trường hợp này người ta chỉ gọi là “có quan hệ bất chính”, mà quan hệ kiểu này chưa có quy định nào để xử”, luật sư Vũ nói.

 

Để xử lý được hành vi ngoại tình thì phải rình bắt quả tang, truy tìm chứng cứ và ai sẽ là người đi rình, không lẽ giao việc này cho lực lượng dân quân? Nếu không cẩn thận thì rất dễ phạm luật xâm phạm quyền tự do riêng tư và nơi ở của công dân

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội

Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng việc xử lý hành vi ngoại tình không đơn giản bởi “sống chung như vợ chồng” là khái niệm rất rộng, bao gồm việc góp gạo thổi cơm chung, ăn ở với nhau, có con chung… “Để xác định được những việc này thì phải có bằng chứng, có người xác nhận nhưng hoạt động này diễn ra trong một ngôi nhà thì ai biết để xác nhận?”, ông Hậu nêu vấn đề.

Luật sư Nguyễn Hoàng Phúc, Trưởng văn phòng luật sư Sài Gòn - Viễn Đông, đồng quan điểm cho rằng thực tế rất khó có thể chứng minh được việc sống chung như vợ chồng và “kể cả khi bắt được quả tang, người ta cũng có thể chối được”. “Ví dụ, có một người đàn ông thường xuyên bỏ nhà để đến sống chung với một cô gái khác, dù người vợ biết rất rõ, hàng xóm ở khu vực ai cũng biết. Nhiều lần người vợ đã tìm đến bắt quả tang nhưng cả người chồng và cô gái kia đều chối. Người chồng nói rằng chỉ đến nhà cô gái để bàn chuyện làm ăn. Xử lý không được, cuối cùng người vợ đành phải nộp đơn ra tòa đòi ly hôn”, luật sư Phúc kể.  

Ai đi bắt ngoại tình ?

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng việc nghị định giao việc xử lý cho UBND phường, xã sẽ rất khó thực thi, bởi lẽ xã, phường hiện nay biên chế có hạn và mỗi người đều có nhiệm vụ cụ thể, không thể tăng biên chế để xử lý người ngoại tình. “Để xử lý được hành vi ngoại tình thì phải rình bắt quả tang, truy tìm chứng cứ và ai sẽ là người đi rình, không lẽ giao việc này cho lực lượng dân quân? Nếu không cẩn thận thì rất dễ xâm phạm quyền tự do riêng tư và nơi ở của công dân”, ông Tú nói và “đúc kết”: “Quy định đã được ban hành thì phải rõ ràng, nếu chỉ quy định chung chung thì rất khó áp dụng và sẽ không thể đi vào thực tiễn được”.

Hải Nam - Thái Sơn

>> Ngoại tình có thể bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng
>> Đánh chết chồng ngoại tình bằng... tách cà phê
>> Giết hàng xóm vì nghi ngoại tình với vợ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.