Ngành Nông học: Chỗ dựa của nhà nông

27/09/2013 10:19 GMT+7

Bạn có mơ ước ngày nào đó mình có khả năng trồng các loại rau quả thơm ngon, bổ dưỡng và an toàn cho mọi người? Hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng, đàn gia súc và ao cá đạt năng suất cao? Thích nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tìm ra những nguyên nhân gây bệnh hại cho cây trồng? Khám phá các phương pháp mới để trồng và sản xuất giống cây có giá trị cao?

Ngành Nông học: Chỗ dựa của nhà nông
SV ngành Nông học (Trường đại học Cửu Long) đang làm thí nghiệm

Nếu câu trả lời “có” thì Nông học là ngành có thể phù hợp với sự lựa chọn của bạn.

Kỹ sư Nông học

Học ngành Nông học, sinh viên (SV) được trang bị kiến thức tổng quát và chuyên ngành, bao gồm các lĩnh vực như: trồng trọt (kỹ thuật sản xuất, giống, bảo vệ thực vật...), chăn nuôi và thủy sản (giống, kỹ thuật sản xuất, thú y, vệ sinh môi trường...).

SV tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư Nông học. Người được cấp bằng có kiến thức tổng quát và chuyên sâu về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; có ý chí tự lập, năng động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm với công việc, ý thức tổ chức kỷ luật, phong cách nhanh và khoa học.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỬU LONG

Quốc lộ 1A, xã Phú Quới, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long
ĐT: 0703 821.655 - 831.155
www.mku.edu.vn

Kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo

Trong quá trình học, những kỹ năng thực hành nghề nghiệp là rất cần thiết. SV sẽ tham gia vào các quy trình sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương: thu thập mẫu, đo đạc và tổng hợp, phân tích các số liệu thí nghiệm, thiết kế thí nghiệm và nắm vững phương pháp thí nghiệm.

Ngoài ra SV còn có khả năng tự học, khai thác tài liệu, sử dụng thiết bị trong phục vụ ở cơ quan sản xuất và nghiên cứu; khả năng tư duy sáng tạo, phương pháp tiếp cận khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành học.

Kỹ sư Nông học có cơ hội khám phá về bệnh cây, côn trùng, rau màu nông nghiệp; sinh lý động - thực vật, thuốc bảo vệ thực vật, chọn tạo giống cây trồng; các kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, quản lý môi trường ao nuôi, khuyến nông, IPM trong bảo vệ thực vật... Với những kiến thức này, kỹ sư Nông học là người nắm rõ việc nhận dạng, giải thích, hướng dẫn và quản lý cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản để dùng trong nông nghiệp; có khả năng tự lập trang trại hoặc doanh nghiệp dịch vụ cây trồng và vật nuôi theo phương pháp bền vững với môi trường.

Cơ hội việc làm phong phú

Kỹ sư Nông học khi ra trường có cơ hội nghề nghiệp phong phú nhưng cũng đầy thách thức, do đó đòi hỏi phải có sự năng động, sáng tạo, nắm bắt công việc một cách nhanh chóng, chính xác. Có thể làm việc tại các công ty giống cây trồng; công ty phân bón; trang trại; hợp tác xã nông nghiệp; cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ sở nghiên cứu ngành nông - lâm - ngư nghiệp cấp huyện, cấp xã; công ty hóa chất nông nghiệp hoặc viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, phòng thí nghiệm nông nghiệp và có thể tự lập trang trại, doanh nghiệp dịch vụ cây trồng và vật nuôi.

Nhiều SV có tâm lý cho rằng học Nông học ra trường sẽ xuống ruộng, lội bùn, chăn nuôi gia súc gia cầm, làm các công việc chân lấm tay bùn hoặc chỉ giữ rừng, trang trại là cùng. Thực tế cho thấy, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư Nông học hiện nay rất nhiều trong khi số lượng SV ra trường hằng năm lại ít. Có rất nhiều công ty, xí nghiệp cần tuyển dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, không ít đơn vị còn đến tận trường để tuyển dụng, thậm chí “đặt hàng” SV làm việc cho công ty sau khi tốt nghiệp.

Chí Dũng
Giảng viên Trường ĐH Cửu Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.