Cô bé dũng cảm từ Pakistan ra thế giới

28/09/2013 14:30 GMT+7

(TNTS) Năm 2013 là năm vinh danh Malala Yousafzai. Nhiều giải thưởng lớn đã về tay Malala, đặc biệt là đề cử Giải Nobel Hòa bình sẽ công bố tháng tới. Malala được đặt cho nhiều danh hiệu cao lớn như “Đại sứ lương tâm”, “Nhà hoạt động giáo dục” nhưng trên hết Malala vẫn là một cô bé cực kỳ mê học.

(TNTS) Năm 2013 là năm vinh danh Malala Yousafzai. Nhiều giải thưởng lớn đã về tay Malala, đặc biệt là đề cử Giải Nobel Hòa bình sẽ công bố tháng tới.

Malala được đặt cho nhiều danh hiệu cao lớn như “Đại sứ lương tâm”, “Nhà hoạt động giáo dục” nhưng trên hết Malala vẫn là một cô bé cực kỳ mê học.

Tuổi thơ dữ dội

 

Thị trấn Mingora ở tây bắc Pakistan là quê nhà của Malala, nơi chứng kiến những trận chiến giằng xé quyền lực giữa lực lượng Taliban và quân đội Pakistan và chứng kiến sự quyết tâm đến trường của cô bé 16 tuổi này. Khi thị trấn vùng núi này rơi vào tay Taliban, sự dũng cảm đã biến Malala thành một biểu tượng mạnh mẽ, thành tiếng nói cho phụ nữ và trẻ em.

Malala may mắn lớn lên trong một gia đình Hồi giáo dòng Sunni được xem là “đặc biệt”. Ông Ziauddin Yousafzai dành cho cô con gái của mình sự ưu ái hơn nhiều so với 2 cậu con trai mà ông hay gọi “những thằng nhóc nghịch ngợm”. Buổi tối, ông luôn bắt các con trai đi ngủ sớm còn riêng Malala được phép thức khuya và “bàn chuyện” chính trị với ông. Ngay cả khi ông gặp gỡ Jirga - hội đồng trưởng lão của người Pakistan sắc tộc Pashtun, Malala cũng được đặc cách ngồi cạnh cha, lắng nghe và theo dõi những tranh luận giữa các giữa các bậc có chức sắc.

“Ngay từ nhỏ, Malala đã được cha khuyến khích nói lên ý kiến riêng của mình và học hỏi thế giới xung quanh”, cô giáo của Malala kể lại. Malala có thể viết những bài luận dài với văn phong chững chạc. Khi lên lớp 5 Malala luôn dẫn đầu các cuộc thi hùng biện được tổ chức ở trường. Không phải cô được ưu tiên vì học ở trường của cha mình - hệ thống trường Khushal được đặt tên theo nhà thơ Pashtun nổi tiếng - Khushal Khan Khattak, mà cô bé được truyền ngọn lửa ham học và sức mạnh từ người cha của mình - một nhà thơ và một nhà hoạt động giáo dục.

Ông đặt tên con gái mình theo Malalai - người được mệnh danh là Nữ anh hùng Joan of Arc của Afghanistan trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của quân Anh thế kỷ 19. Và Malala bất chấp lệnh cấm trẻ em gái đi học của Taliban ban ra khắp thung lũng Swat, vẫn đến lớp và bất chấp sự nguy hiểm nếu bị Taliban phát hiện, đã đồng ý viết blog cho BBC Urdu kể về cuộc sống hằng ngày của mình từ đầu năm 2009. Dưới bút danh Gul Makai (nghĩa là hoa bắp ngô trong tiếng Urdu), Malala khiến độc giả xúc động khi viết “đêm qua mình có một giấc mơ khủng khiếp về những chiếc trực thăng của phiến quân và Taliban. Những giấc mơ như thế đến từ lúc Swat chìm trong chiến dịch quân sự. Mẹ mình vẫn chuẩn bị đồ ăn sáng và mình vẫn đến trường. Chỉ có 11 bạn đến lớp dù sĩ số là 27. Lớp học cứ vắng dần vì sắc lệnh của Taliban”.

Trong các blog entry của mình, Malala bày tỏ sự ngạc nhiên không hiểu được vì sao Taliban lại phá hủy các ngôi trường nữ sinh mặc dù trường đã phải chịu đóng cửa vì lệnh cấm. Rồi cô bé vẫn ôn bài đều đặn để chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm dù lúc đó chuyện này là hoàn toàn bất khả thi. Độc giả blog của Malala cũng vui lây theo cô bé khi đến cuối tháng 2.2009 Malala thông báo cô và các bạn “lại được vui đùa trong lớp như trước kia”.

Viên đạn may mắn

Sau khi sứ mệnh viết blog kết thúc tháng 3.2009, Malala trở nên “nổi tiếng” qua phim tài liệu của New York Times và sự xuất hiện trên báo giấy rồi truyền hình để trả lời phỏng vấn. “Ở một thung lũng nơi mà mọi người chẳng bao giờ nghe thấy giọng nói của con gái thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện một cô gái dám nói chuyện với các nhà ngoại giao trên ti vi về quyền được đi học của bé gái ở quê mình” - dẫn lời phát biểu của một cựu biên tập viên tờ Frontier Post để thấy được sự liều lĩnh của cha con Yousafzai. “Ziauddin cho phép con gái mình đứng lên trong một xã hội mà cô bé tận mắt nhìn thấy xác chết ngoài đường hằng ngày. Cô bé không nghe thấy nỗi sợ. Cô bé sống với nỗi sợ ấy. Trong một xã hội bảo thủ mà cô bé ấy lại dám nói thẳng ra mọi suy nghĩ của mình”, biên tập viên này chia sẻ.

Và kết cục hiển nhiên có thể nhìn thấy được là Malala rơi vào tầm ngắm của Taliban. Malala vượt ra khỏi biên giới Pakistan, được cả thế giới biết đến dù cô bé phải trả một cái giá rất đắt: Malala bị một tay súng Taliban bắn vào đầu ngày 9.10.2012 khi đang trên xe buýt về nhà sau khi vừa hoàn tất một bài thi ở trường. Cô bé dũng cảm nhận mình là người mà tay súng này đang tìm khi các bạn bị đe dọa đến tính mạng. Malala được đưa đến một bệnh viện quân đội ở Peshawar, nơi các bác sĩ đã thực hiện một cuộc phẫu thuật kéo dài 3 tiếng để lấy ra viên đạn đi xuyên qua đầu, qua cổ của Malala và kết thúc ở vai, sát ngay cột sống. Nhưng cô bé vẫn trong tình trạng hôn mê nên vài ngày sau, khi sức khỏe khá lên chút xíu, cô được đưa đến Bệnh viện Queen Elizabeth (Birmingham, Anh) để chữa trị.

Và Malala lại đứng dậy một cách thần kỳ. Đến giữa tháng 11 năm đó, Malala có thể đi lại mà không cần trợ giúp. Khuôn mặt Malala vẫn còn bị biến dạng nhưng thính lực và thị lực không bị ảnh hưởng. Cô bé đã viết tiếp một câu chuyện xúc động khác. Cô cho biết nếu có cầm súng trong tay và gặp lại tay súng Taliban đó, cô vẫn không trả thù. “Đó là những gì mà tâm hồn tôi đang mách bảo: hãy sống hòa bình và yêu thương mọi người. Đó là những gì tôi học được từ Gandhi, từ Bacha Khan và Mẹ Teresa”, Malala tâm sự.

Malala trở thành một người hùng thực sự, theo cách gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và là “người bạn dũng cảm nhất” trong mắt bạn bè cùng trang lứa. Sự xuất hiện trở lại của Malala trước công chúng sau vụ bị ám sát hụt được xem là mở ra một chương mới trong cuốn sách Malala - ngày 12.7 vừa rồi. Đó là ngày sinh nhật của cô và là được Liên Hiệp Quốc đặt tên “Ngày Malala” để làm nổi bật vai trò của những người trẻ trong hành trình mang giáo dục đến với trẻ em khắp thế giới.

Viên đạn “may mắn” ấy đã không giết chết Malala mà chỉ “sự hèn yếu, nỗi sợ và sự vô vọng chết đi” theo lời của Malala trong bài phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York khiến toàn hội trường cảm động. “Sức mạnh, năng lượng và lòng dũng cảm được sinh ra. Tôi vẫn là Malala. Khát khao của tôi vẫn như xưa. Hy vọng của tôi vẫn như xưa. Giấc mơ của tôi vẫn như xưa”, Malala phát biểu.  “Một đứa trẻ, một cô giáo, một cây bút và một cuốn sách có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục trước hết” - Malala kết thúc bài nói chuyện của mình như vậy. Và cô bé tiếp tục hành trình trở thành một nhà hoạt động giáo dục như cha mình. 

Chân dung Malala Yousafzai

- Một trong 100 Nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí TIME bầu chọn 2013

- Giải thưởng Vì hòa bình của trẻ em thế giới 2013

- Giải thưởng Đại sứ lương tâm của Tổ chức n xá quốc tế 2013

- Chung tay thành lập Quỹ Malala để đẩy mạnh giáo dục cho bé gái

- Cùng với 3 triệu người khác ký tên vào Kiến nghị Malala nhằm thúc giục LHQ đẩy mạnh Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học khắp thế giới.

Nguyệt Hàn 
 (theo Vanity Fair, The International, Times of India)

>> EU đau đầu vì Nobel Hòa bình
>> Cả ba lãnh đạo EU sẽ nhận giải Nobel Hòa bình
>> Nobel Hòa bình 2012 thuộc về EU
>> Nobel Hòa bình 2012 về tay Liên minh châu u
>> Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2011 rút khỏi chính phủ Liberia
>> Giải Nobel Hòa bình cắt giảm tiền thưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.