Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 10: Nhà thơ nói về... thế kỷ 35!

27/09/2013 00:30 GMT+7

Tuần tới, vào ngày 4.10, chương trình tưởng niệm thi sĩ Bùi Giáng tại quê hương Quảng Nam của ông sẽ bắt đầu lúc 18 giờ ở Trúc Lâm Viên số 8 Trần Quý Cáp - TP.Đà Nẵng do Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam, cùng văn phòng đại diện NXB Văn học ở miền Trung và Tây nguyên tổ chức.

>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 9: Cái nhìn Bùi Giáng về Kim Dung
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 8: Với Thanh Tuệ và NXB An Tiêm
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 7: Bùi Giáng - Phạm Công Thiện với 'ngày tháng ngao du

Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 10: Nhà thơ nói về... thế kỷ 35!
Bùi Giáng - ký họa của Đỗ Trung Quân

Với chủ đề Bùi Giáng - cõi phiêu bồng, chương trình có các nhà văn nhà thơ: Ngân Vịnh, H’ Man, Lê Anh Dũng, Nhã Tiên, Vô Biên, Thúy Liễu, Ái Niệm, Văn Nho, Thư Lan, Thu Thủy, nhà thư pháp Hồ Công Khanh, nhạc sĩ Trần Quế Sơn và ca sĩ Lê Cát Trọng Lý góp mặt.

Đại diện Bùi tộc Vĩnh Trinh tại TP.HCM thông báo như vậy và nhắc đến nhận định của nhà văn Thu Bồn (Hà Đức Trọng 1935 - 2003) lúc sinh thời: “Riêng một mình thơ ông (Bùi Giáng) cũng đã có chỗ đứng trong thơ Việt Nam. Trường phái Bùi Giáng - một trường phái mà không một nhà thơ nào học nổi. Nếu chúng ta không lưu ý nghiên cứu nhà thơ này thì quả là một mất mát đáng tiếc”. Khi biên soạn và sưu tập thơ Quảng Nam thế kỷ 20, Thu Bồn đã viết hồi ức về chuyện gặp Bùi Giáng lần đầu tiên năm 1976 giữa cơn mưa lớn ở TP.HCM. Lúc ấy Bùi Giáng đang đứng giữa trời chỉ trỏ cho xe cộ lưu thông, “người ông ướt mèm, tay chân run cầm cập”. Thu Bồn đưa ông về nhà mình để nhen lửa sưởi ấm cho ông, rồi lấy một bộ quần áo khô ra đưa ông mặc. Bùi Giáng nhìn quanh tìm chỗ kín để thay, Thu Bồn bảo không cần phải tìm chỗ kín làm gì, cứ hãy cởi truồng ra đi, Bùi Giáng nói: “Cái đó đâu phải như thơ mà lúc nào cũng bày ra được!”.

 

“Gương mặt tinh anh và cặp mắt sắc sảo (của Bùi Giáng) làm tôi kính sợ. “Đó, Bồ tát đó” - người bạn nói để giới thiệu người tôi hâm mộ mà trước đó chưa từng gặp (...) cũng như Tế Điên, hình như Bùi Giáng đến cõi đời này để dạo chơi, để đùa giỡn và cũng để giáo hóa cho con người thấy tất cả đều chỉ là trò ảo giác của sắc thân, của chữ nghĩa, của tư tưởng...”.

Nguyễn Tường Bách
(Mùi hương trầm, NXB Trẻ, TP.HCM 2001)

Với ông, “thơ” như dòng nước cuộn trước mắt, mà thi sĩ sẵn sàng quăng thân vào đó: “Nửa đời bỏ lại thân anh/Nửa linh hồn bỏ nước xanh lên bờ/Khổ đau về chẳng hẹn giờ...”. Và vượt ra ngoài ngôn ngữ thường tình, để “nghe” được tiếng động của mầm non mới nở: “Nằm nghe ngọn lúa trổ hoa/Mây trời kết trái tên là hột sương”. Để rồi, trong tương lai - thơ sẽ trở thành ngôn ngữ thường ngày của nhân loại. Khi gặp nhau mọi người sẽ nói bằng thơ... lục bát. Về điều ẩn mật đó, thêm một lần nữa, phải nhờ đến lời giải mã của lão thi sĩ Trần Đới (người gần gũi nhiều năm và hiểu sâu về Bùi Giáng): “Có một hôm giữa chiều đói bụng, ngồi bên góc hè gần Thư quán Vạn Hạnh nhìn sinh viên ra vào mua sách vở, Bùi Giáng với giọng thuốc rê khò khè: “Bước đi của văn hóa thật là kỳ ảo đậm đặc hơn mấy lần cái màu khói thuốc gì mà nhạt thếch này...”. Nói qua lại một lát, Bùi Giáng bảo: “Ngay giờ này tớ thấy mình đã về đến thế kỷ 35, một - ngàn - rưỡi - năm nữa tớ sẽ đầu thai xuống “Sè gòn”, lúc đó người ta gọi là “Sãi gòn” và trong đô thị mà tên gọi được phát âm theo giọng “mới” ấy chỉ còn “nửa giọt Mưa nguồn rớt hột trên ngọn Lá Hoa Cồn”. Bùi thi sĩ tiếp: “Lúc đó Mưa nguồn sẽ chuyển dịch thành kinh điển thi ca” và “tăng ni, các cha cố sẽ ngâm thơ thay cho đọc kinh, tụng chú, lúc đó bước đi của văn hóa đã nhập thân cõi nguồn xưa sau một màu thơ và mộng (...) Sau này lời nói thành thơ, toàn thơ lục bát...”.

Ví dụ thay vì hỏi: “Anh đi đâu đó?” - thì theo Bùi Giáng thế kỷ 35 thiên hạ sẽ hỏi đáp có vần điệu như sau:

Hỏi: “Mi đi mô rứa thằng tê?”

Đáp: “Tao về nhà ngủ nằm kề vợ tao!”

Hoặc thay vì nói: “Nhà tôi ở gần nhà thờ Đức Bà” - họ sẽ diễn bằng thơ: “Nhà tao cạnh góc nhà thờ/Nhà mi ở tận góc chùa Vĩnh Nghiêm”. Một thí dụ nữa do Bùi Giáng đưa ra về việc “lang thang school” bằng “ô tô bước”, để được ngắm phố phường rộn rịp thích hơn: “Đi xe chậm, máy bay nhanh/Thua tao cuốc bộ loanh quanh Sài Gòn”.

Mấy cái đó còn dễ “nói bằng thơ”, chứ vào sòng bạc nói sao? Bùi Giáng đáp - nói thế này: “Tao xin tất cả ăn thua/Đứa nào tiền lẻ thì đưa bố xài”. Nhưng đấy là cách người ta nói với nhau bằng thơ vào thế kỷ... 35! Chứ thế kỷ 20 và 21 này loài người phải đang tiếp tục nói bằng thứ ngôn ngữ “khôn ngoan” một cách “dại khờ”, vì kết quả của thứ tiếng nói “lịch sự, lịch lãm” ấy thường đem lại trăn trở, khổ đau, lường gạt, dối trá nhiều hơn là chân thành và hạnh phúc! Nên Bùi Giáng thường thích sống trong cõi miền “Sơ nguyên lặng lẽ” và chìm vào “im vắng thanh lương”. Tuy vậy, ở nơi đó - từ “tâm không” sâu thẳm của ông - lắm lúc đã thình lình vọt lên những lời thơ thiết tha và lãng mạn: “Anh quỳ xuống giơ hai tay bệ vệ/Chỉ xin nâng một giọt lệ êm đềm”... (Còn nữa).

Giao Hưởng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.