Chính quyền đô thị: Phân chia ngân sách ra sao?

27/09/2013 18:27 GMT+7

(TNO) Trước khi đề án chính quyền đô thị TP.HCM được kỳ họp thứ 11 HĐND TP.HCM khóa 8 thông qua (sáng 27.9), vấn đề tự chủ, phân chia ngân sách đã được nhiều đại biểu bàn thảo.

(TNO) Trước khi đề án chính quyền đô thị TP.HCM được kỳ họp thứ 11 HĐND TP.HCM khóa 8 thông qua (sáng 27.9), vấn đề tự chủ, phân chia ngân sách đã được nhiều đại biểu bàn thảo.

 
Các đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua đề án chính quyền đô thị - Ảnh: Đình Phú

 

Đề cập khả năng phá sản khi tự chủ ngân sách

Tinh thần chủ đạo, xuyên suốt nội dung đề án thí điểm chính quyền đô thị đó là tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi thực hiện; trong đó có vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm về ngân sách.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết bà “đặc biệt quan tâm đến tài chính ngân sách trong đề án chính quyền đô thị”.

Trong việc phân cấp mạnh cho chính quyền đô thị, đại biểu Châu đề nghị là khi nêu vấn đề để thuyết phục Trung ương, phải cho thấy rõ phân cấp mạnh cho thành phố trong chính quyền đô thị ở chuyện thu chi ngân sách.

“Theo quy định của Trung ương, mình (thành phố - PV) thu các khoản thu được 100 đồng thì mình được để lại 23 đồng (tỷ lệ 23% tổng thu ngân sách của thành phố - PV). Nhưng nếu như được phân cấp mạnh hơn, mình sẽ chứng minh được với Trung ương là mình thu được 200 đồng, thì phần nộp cho cho cả nước nhiều hơn và phần để lại cho thành phố cũng nhiều hơn”, đại biểu Châu nói.

Đại biểu Từ Minh Thiện cũng ủng hộ phương án phân chia tách bạch giữa nguồn thu của Trung ương và của thành phố vì phương án này nâng cao trách nhiệm và tự chủ của địa phương.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thiện, phương án này có khả năng dẫn đến việc ngân sách sẽ phải tự chủ hoàn toàn và khả năng phá sản hoặc là thành phố không đủ ngân sách để chi tiêu cho các hoạt động và bộ máy là hoàn toàn có thể xảy ra.

Khi đại biểu Thiện tiếp tục đi sâu phân tích vào cơ chế phân chia ngân sách, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu vị đại biểu này không nên phân tích sâu, bởi theo bà “vì những vấn đề chi tiết đó là cả một quá trình chúng ta còn triển khai, chúng ta không thể phân tích ở đây khi mà chúng ta cũng chưa biết Quốc hội sẽ phân cấp cho chúng ta như thế nào”.

Mong Chính phủ, Quốc hội thông qua

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho biết bà đã tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, lắng nghe các chuyên gia đóng góp ý kiến về chính quyền đô thị nên “bản thân tôi rất đồng tình, nhất trí với các nội dung trong đề án”.

“Tôi cũng mong Chính phủ, Quốc hội sớm thông qua để cho TP.HCM triển khai thực hiện”, đại biểu Nhung bày tỏ.

Tuy nhiên, đại biểu Nhung đề nghị cần làm rõ sự phân cấp cho chuyên ngành đặc thù, bởi trong đề án có nói về các lĩnh vực nhưng không nói đến quản lý chuyên ngành đặc thù về lực lượng vũ trang.

“Tôi nhận thức rằng, việc giữ gìn an ninh quốc phòng trong xây dựng đô thị mới là hết sức cần thiết, vì vậy thành phố cũng cần xin cơ chế Trung ương để đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực ở lĩnh vực này. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho an ninh quốc phòng phải chuyên nghiệp, hiện đại, tinh nhuệ. Đây là chuyên ngành đặc thù. Hiện nay dân số, mật độ dân số ở TP.HCM lớn, vì vậy đề án cũng cần bổ sung vấn đề này”, đại biểu Nhung bày tỏ thêm.

Đại biểu Trịnh Xuân Thiều cũng đồng tình với việc xây dựng đề án, bởi đề án thể hiện tầm nhìn trong việc quản lý đô thị trong tương lai.

“Nếu được Quốc hội cho thí điểm, phát triển mọi mặt sẽ tốt hơn”, đại biểu Thiều nhìn nhận.

Tổ chức chính quyền 2 cấp và lập 4 thành phố mới

Kỳ họp thứ 11 HĐND TP.HCM khóa 8 thông qua Nghị quyết về đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM.

Nghị quyết cũng nên nội dung đề án cần làm rõ là xây dựng chính quyền địa phương TP HCM có 2 cấp (bao gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở); thể hiện rõ bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, chính quyền cơ sở phải gần dân, sát dân và có cơ chế để phát huy tính tự quản trong cộng đồng dân cư. Bộ máy chính quyền đô thị phải thật sự tinh gọn; hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt đồng thời mỗi cấp chính quyền hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp...

Căn cứ vào nội dung đề án đã được thông qua, TP.HCM sẽ thành lập 4 thành phố mới, đó là thành phố Đông gồm các quận 2, 9, Thủ Đức (diện tích trên 211 km2, dân số trên 890.000 người).

Thành phố Tây gồm Q.Bình Tân, điều chỉnh một phần diện tích P.7, P.16, quận 8 (phần phía tây sông Cần Giuộc và đường An Dương Vương) và diện tích của 4 xã: An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh dựa trên ranh giới tự nhiên đang có. Diện tích trên 109 km2, dân số trên 810.000 người.

Thành phố Nam gồm Q.7, H.Nhà Bè và điều chỉnh một phần diện tích P.7, Q.8 (phần phía nam rạch Bà Tàng) và diện tích 2 xã Bình Hưng, Phong Phú, H.Bình Chánh. Diện tích trên 169 km2, dân số trên 470.000 người.

Thành phố Bắc, gồm Q.12 và H.Hóc Môn, diện tích trên 162 km2, dân số trên 860.000 người.

Tỷ lệ điều tiết ngân sách ngày càng giảm

Theo số liệu từ UBND TP.HCM, tỷ lệ điều tiết từ tổng số thu ngân sách trên địa bàn để lại cho thành phố ngày càng giảm: từ 33% năm 2003 (năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010) đã giảm còn 29% trong thời kỳ ổn định ngân sách 2004-2006 (thực hiện theo luật Ngân sách Nhà nước), 26% trong thời kỳ ổn định 2007 - 2010 và hiện nay thành phố chỉ còn được hưởng 23% trong thời kỳ ổn định ngân sách 2011 - 2015.

Đối với nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (chiếm tỷ trọng hơn 40% tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố) phải thực hiện điều tiết toàn bộ 100% về ngân sách Trung ương theo quy định của luật Ngân sách Nhà nước.

Tính chung, mặc dù bình quân trong giai đoạn 2011 - 2013, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chiếm tỷ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết chỉ chiếm tỷ trọng 4,23% tổng chi.

Do vậy, hằng năm, sau khi ưu tiên bố trí chi thường xuyên, ngân sách thành phố chỉ có thể đảm bảo cân đối khoảng từ 10.000 tỉ đồng đến 12.000 tỉ đồng cho chi đầu tư phát triển, chưa đến 20% so với nhu cầu thực tiễn. 

Để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ổn định, thành phố cần một lượng vốn đầu tư rất lớn.

Chỉ tính riêng hệ thống giao thông, thực hiện quy hoạch hệ thống cấp nước sạch, tiêu thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn thành phố… thì trong vòng 10 năm 2010-2020, nhu cầu vốn đầu tư lên đến khoảng từ 30 - 35 tỉ USD, bình quân mỗi năm cần 3 - 3,5 tỉ USD; tương đương 60.000 - 70.000 tỉ đồng.

Đình Phú

>> Động lực phát triển từ chính quyền đô thị
>> Đề án chính quyền đô thị “đụng” hơn 100 văn bản luật
>> Nhân sự nào cho chính quyền đô thị ?
>> Chính quyền đô thị cần con người tốt
>> Đề án chính quyền đô thị TP.HCM: Dịch vụ công chưa rõ ràng
>> Xây dựng chính quyền đô thị: Tên thành phố vệ tinh chỉ là tạm thời
>> Dân được lợi gì từ chính quyền đô thị ?
>> TP.HCM lên đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị
>> Đề xuất chọn TP.HCM làm thí điểm chính quyền đô thị
>> Chủ động phối hợp thí điểm mô hình chính quyền đô thị
>> Các bộ, ngành T.Ư ủng hộ chính quyền đô thị TP.HCM
>> Các bộ, ngành T.Ư ủng hộ chính quyền đô thị TP.HCM
>> TP.HCM: Chính quyền đô thị phải gắn với chiến lược phòng thủ
>> Bộ Nội vụ đề xuất 3 phương án về chính quyền đô thị
>> TP.HCM chuẩn bị nhân sự cho chính quyền đô thị
>> Đừng để TP.HCM 'tự bơi' với đề án chính quyền đô thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.