Giảm nghèo

26/09/2013 03:10 GMT+7

Một nhà hảo tâm từng kể cho tôi nghe về nỗi hoang mang, khi ông vượt hơn 100 km đến tận nhà một 'người nghèo', sau khi xem một phóng sự trên truyền hình, và tận mắt thấy người này đang ung dung đánh bạc. Kể từ đó, thay vì giúp đỡ tiền, vật chất cho những người gặp khó khăn như vẫn làm, ông chỉ tài trợ hoặc vận động tài trợ làm các công trình trường học, trạm y tế...

Ông nói, khi đồng tiền có được nhờ “cho không” sẽ khiến người nghèo có tâm lý ỷ lại, kém động não để tự mình thay đổi.

Điều này rất trùng hợp với thông tin được đưa ra tại phiên điều trần thực hiện chính sách giảm nghèo tại Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH hôm 24.9. Lẽ thường chả ai muốn nghèo, chả ai muốn mình là đối tượng cứu trợ của cả xã hội, thế nhưng thực tế lại có rất nhiều hộ nghèo không muốn ra khỏi danh sách nghèo.

Mục tiêu tối thượng của các chính sách xóa đói giảm nghèo là giảm dần và đi đến không còn hộ sống dưới mức nghèo khổ chứ nhất quyết không phải là sự cấp không từ tiền bạc, trâu bò đến con giống, cây giống. Việc cấp phát kiểu xin - cho chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Nếu phương tiện này giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu thì tốt, bằng không, rõ ràng chúng ta phải tính toán kỹ để tìm ra một giải pháp sáng tạo và hiệu quả hơn.

Thực ra, chúng ta hiểu rằng, không có cái gì là cho không, là miễn phí ở trên đời, vấn đề chỉ là ai trả tiền cho các dịch vụ, chi phí mà người nghèo được hưởng trong các chính sách ưu tiên dành cho người nghèo hiện tại mà thôi. 

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, hiện có 16 chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến các vùng nghèo, vùng khó khăn. Tổng các nguồn vốn xã hội dành cho các chương trình này trong giai đoạn 2005 - 2012 lên đến hơn 542.000 tỉ đồng. Trong điều kiện kinh tế chung còn khó khăn, con số này thực sự là một nỗ lực rất lớn của xã hội. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo tại phiên điều trần, thì tỷ lệ chi hành chính, sự nghiệp lên đến hơn 63%, chi đầu tư phát triển chỉ hơn 36%. Cái này gọi là “một tiền gà, ba tiền thóc”.

Chi phí hành chính lớn như vậy, xuất phát từ việc, các chính sách hỗ trợ người nghèo được thiết kế ở dạng trực tiếp là chủ yếu, từ y tế, giáo dục, đất đai, đến chính sách ưu đãi cho vay vốn, đào tạo việc làm... Điều đó tạo ra hệ quả nữa là, nhiều hộ không muốn ra khỏi danh sách nghèo. 

Với khoản ngân sách khá lớn như thế, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nhanh hơn nếu như mọi nguồn lực được tập trung, tập trung đầu mối, tập trung đầu tư cho “cần câu” hơn là rải mành mành cho “con cá”.

Tuy nhiên, để làm được điều này vẫn cần phải có một công trình điều tra, nghiên cứu công  phu để biết được một cách tương đối chính xác bao nhiêu người cần bao cấp và bao cấp bằng cách nào tốt nhất. Những quyết sách chung chung sẽ rất khó phát huy tác dụng trong cuộc sống.  

An Nguyên

>> Giúp người nghèo
>> IMF đẩy mạnh khoản vay cho các nước nghèo
>> Khát vọng thoát nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.