Những tai nạn rơi bom hạt nhân

24/09/2013 10:50 GMT+7

Sự cố hạt nhân có thể thổi bay một phần lãnh thổ Mỹ vừa được tiết lộ là một trong nhiều tai nạn liên quan đến vũ khí nguyên tử .


Bom hạt nhân được thu hồi sau sự cố hạt nhân tại Palomares, Tây Ban Nha - Ảnh: Atominfo.cz 

Dư luận Mỹ đang xôn xao trước thông tin vừa được giải mật cho thấy: một quả bom nguyên tử với sức công phá lớn gấp 260 lần quả bom hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật trong Thế chiến 2 suýt nổ ở bang Bắc Carolina. Báo The Guardian hôm qua dẫn tài liệu mật được công bố hồi tuần trước cho hay vụ việc xảy ra ngày 23.1.1961 do một máy bay ném bom B-52 gặp sự cố khiến bom rơi xuống khu vực thành phố Goldsboro, Bắc Carolina. Cơ chế kích nổ đã khởi động nhưng may mắn là còn một chốt an toàn không bị bung ra nên nước Mỹ mới thoát khỏi một thảm họa kinh hoàng. Tính toán cho thấy nếu phát nổ bức xạ từ quả bom Mark 39 có thể lan khắp vùng bờ biển miền đông, từ thủ đô Washington D.C đến Baltimore, Philadelphia và New York.

Tuy nhiên, đây không phải lần duy nhất Mỹ và các nước khác “hút chết” vì các sự cố liên quan đến vũ khí hạt nhân. Theo hồ sơ của Cục Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ (NSA), kể từ năm 1950 đến nay, có ít nhất 32 vụ việc, chủ yếu xảy ra trong thập niên 1960.

Những mũi tên gãy

Các chuyên gia và giới quân sự dùng thuật ngữ “mũi tên gãy” để chỉ các sự cố liên quan đến vũ khí hạt nhân, dẫn đến tình trạng bất ngờ phóng, khai hỏa, kích nổ, mất cắp hoặc thất thoát vũ khí nguy hiểm.

Theo tài liệu của NSA, vụ thất lạc vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử xảy ra ngày 13.2.1950 khi chiếc máy bay ném bom chiến lược Convair B-36B của không quân Mỹ gặp nạn khi tham gia diễn tập tấn công trong điều kiện mùa đông. Chiếc máy bay từ căn cứ tại Alaska, chở một bom nguyên tử Mark IV, bị hỏng động cơ do đóng băng và buộc phải thả rơi rồi kích nổ bom trên không. Tuy chứa uranium và thuốc nổ thông thường nhưng do không có lõi plutonium nên quả bom chỉ gây ra một vụ nổ phi hạt nhân lớn gần British Columbia (Canada). Mỹ và Canada sau đó khẳng định không có rò rỉ phóng xạ trong khu vực. Chỉ 9 tháng sau, đến lượt một oanh tạc cơ B-50 do động cơ bị trục trặc đã vứt một quả bom Mark 4 xuống sông St. Lawrence gần Riviere-du-Loup, cách Montreal (Canada) khoảng 482 km về hướng đông bắc. Quả bom nổ tung trong lúc va chạm, và dù không có lõi plutonium, vụ nổ cũng thổi bay gần 45 kg uranium chứa trong bom. Sau đó máy bay hạ cánh an toàn tại căn cứ không quân Mỹ ở Maine.

Đến năm 1956, xảy ra một sự cố còn nghiêm trọng hơn khi một chiếc B-47 đột nhiên mất tích “không sủi tăm” khi chở theo 2 quả bom nguyên tử từ căn cứ không quân MacDill, bang Florida, đến một căn cứ nước ngoài. Liên lạc bị cắt khi máy bay đang trong vùng trời Địa Trung Hải và mọi nỗ lực tìm kiếm trong hàng chục năm qua đều kết thúc trong vô vọng đến tận ngày nay. Cùng năm, lại là máy bay B-47 gặp sự cố với vụ một oanh tạc cơ đâm vào cơ sở chứa vũ khí hạt nhân ở căn cứ không quân Lakenheath tại Suffolk (Anh) trong lúc diễn tập. Lúc đó, cơ sở này chứa đến 3 quả bom Mark 6. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy phép màu đã cứu nước Anh khi một quả bị nứt vỏ, lộ kíp nhưng lại không phát nổ.

Mỹ tiếp tục mất một quả Mark 15 nặng 3.400 kg trong vụ va chạm chiến đấu cơ ngày 5.2.1958. Trong lúc hạ cánh xuống căn cứ không quân Hunter tại bang Georgia, chiếc B-47 đụng phải một chiếc tiêm kích F-86. Tai nạn khiến chiếc B-47 buộc phải thả bom xuống vùng biển gần đảo Tybee. Rất may là không có vụ nổ nào và cũng không có thương vong, theo hãng tin UPI. Sau Anh và Canada, đến lượt Tây Ban Nha suýt “lãnh đủ” vì mũi tên gãy Mỹ và cũng do đụng máy bay. Theo AP, hồi tháng 1.1966, chiếc B-52 chở 4 quả bom nhiệt hạch đụng chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 trên không và rơi gần Palomares, Tây Ban Nha, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Vụ việc khiến 7 phi công trên 2 máy bay thiệt mạng. Hai quả bom không có lõi plutonium phát nổ, thải ra một lượng uranium và giới chức phải di dời hơn 1.400 tấn đất ở Palomares. Mỹ nhanh chóng thu hồi được quả bom thứ ba nhưng phải huy động hơn 20 tàu chiến, máy bay và mất nhiều tháng mới vớt được quả thứ tư.

Có thể nói, vụ mũi tên gãy hy hữu nhất xảy ra vào tháng 12.1965. Theo Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ, máy bay tấn công A-4E Skyhawk mang theo bom hạt nhân B43 lăn xuống biển khi đang đậu trên tàu sân bay USS Ticonderoga tại vùng biển Thái Bình Dương. Hậu quả là phi công, máy bay lẫn vũ khí hủy diệt đều không bao giờ được tìm thấy.

Thụy Miên

>> Mỹ suýt bị hủy diệt bởi bom nguyên tử
>> Nhật kỷ niệm 68 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima
>> Lốc xoáy ở Oklahoma mạnh hơn bom nguyên tử
>> Lốc xoáy Oklahoma mạnh gấp nhiều lần bom nguyên tử Hiroshima
>> Iran rút lại tham vọng bom nguyên tử?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.