Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 3: Cuốn sổ nợ 'đoạn trường'

20/09/2013 11:16 GMT+7

Lúc 9 giờ sáng nay 20.9, lễ tưởng niệm 15 năm ngày mất Bùi Giáng (1998 - 2013) sẽ cử hành tại ngôi mộ của ông ở nghĩa trang Gò Dưa, Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Lúc 9 giờ sáng nay 20.9, lễ tưởng niệm 15 năm ngày mất Bùi Giáng (1998 - 2013) sẽ cử hành tại ngôi mộ của ông ở nghĩa trang Gò Dưa, Q.Thủ Đức, TP.HCM.

 
Thủ bút của Bùi Giáng trong sổ nợ đoạn trường - Ảnh: tư liệu

>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 2: Thiên tài không thể định nghĩa
>> Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 1: Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên ?
>> Bùi Giáng và bài thơ 'phù thủy

Ngày Bùi Giáng mất theo âm lịch là 17.8 Mậu Dần, nên hằng năm lễ giỗ thường được tổ chức ngày 16.8 âm lịch (năm nay rơi vào 20.9.2013 dương lịch). Vì thế, trưa nay gia đình sẽ cúng ngọ với mâm chay đặt trước mộ và mâm mặn dành cho các văn nghệ sĩ khắp nơi yêu thơ ông đến viếng để uống chén rượu nhớ ngày ông ra đi giữa “ngàn thu rớt hột”. Nhà thơ Trần Đới - người gắn bó với Bùi Giáng suốt 15 năm trên “chiếc đu bay” sẽ có mặt. Và dự kiến Đắc Phúc sẽ hát tại chỗ một số bài nhạc do anh phổ thơ Bùi Giáng, bên cạnh tay đàn tây ban cầm cổ điển Lê Quốc Phong và nghệ sĩ nhạc rock Linh Xù (Phan Ngọc Linh), Lư Châu (Phan Văn Châu). Dịp này, chúng tôi đến ngôi nhà cũ Bùi Giáng ở nhiều năm trước lúc qua đời và được gia đình cho xem các cuốn sổ nợ do chính ông ghi từ 1993 đến 1998.

Trong đó, ông thường ghi nợ ở một quán mở gần nhà (nằm trong con hẻm đường Lê Quang Định), chủ quán là ông Tốt rất “từ bi”, hễ Bùi Giáng uống rượu chịu bao nhiêu vẫn cứ để ghi sổ dài dài, nên cuối năm 1997, giáp Tết Mậu Dần 1998 (năm Bùi Giáng mất), đã viết mấy câu vào sổ nợ: “Bài thơ thân tặng Đại ca/Kính thưa ông Tốt là cha thằng Bùi khùng”.

Nghe nói ông Tốt đã xin Bùi Giáng đừng gọi ông ta bằng “cha” mà ông ta sẽ bị tổn thọ. Song Bùi Giáng bác bỏ, nói biết đâu kiếp trước, kiếp xưa, kiếp xa “ngài” đã mấy triệu lần làm cha “Bùi” này rồi. Chiều 30 tết, gia đình ra trả nợ để lấy cuốn sổ ấy về, thay vào cuốn sổ mới, Bùi Giáng lập tức ghi mở hàng: “Trả xong món nợ láng giềng/Lòng vui phơi phới tháng giêng Mậu Dần”.

Nhưng chỉ vài giờ sau giao thừa, Bùi Giáng lại xuất hiện trước cửa ông Tốt “đạp đất” để khai bút đầu năm vào sổ, thiếu “một ngàn rưỡi ngày nguyên đán”. Mồng hai, mồng ba cũng vậy, đến: “hôm nay mồng bốn tháng giêng/hai ngàn nợ này - say rượu suốt hoài trăm năm” và kéo dài gần hết tháng giêng: “sau tết 20 ngày nợ hai ngàn rưỡi” và “sau tết 22 ngày/nợ nơi này hai ngàn rưỡi”… Điều khác người, là tiền nợ ông ghi bằng chữ chứ không ghi bằng số.

Cũng có chỗ nợ chỉ năm ngàn nhưng ông ghi: “nợ nần năm triệu” với chú thích rõ bên dưới: “tức là năm ngàn Việt Nam”. Có lần ông Tốt méc với gia đình là bác Giáng ngồi uống rượu ngoài quán la hét rằng làm vua, làm tổng thống, làm chủ tịch nước không sướng bằng ông Tốt sinh ra để suốt đời bán rượu cho thằng khùng, đúng như ông đã viết trong sổ nợ: “Muôn thu thiên thượng lâu đài/không bằng bán rượu lai rai cho thằng khùng - năm ngàn hôm nay - giờ này số dzách - 1998 January”. Có những câu khá buồn: “Tháng năm sắp đổi sắp dời/Một mình ngồi uống biết mời mọc ai/Chỉ còn cô độc đeo đai...” . Những câu ấy nhắc chúng tôi nhớ lại tham luận của GS-TS Huỳnh Như Phương mới đây tại Tọa đàm khoa học về Bùi Giáng có đoạn đại ý nói rằng tọa đàm mở ra ngoài các mục đích nghiên cứu khoa học, còn được xem là lời xin lỗi với vong linh Bùi Giáng về nhiều năm đã “bỏ quên” ông…

Trong “sổ đoạn trường” ấy Bùi Giáng cũng nói trước về ngày ra đi của mình: “Nợ nần ông trả từ nay/Về sau ắt sẽ còn đâu nợ nần”. Thật ra, chính chúng ta nợ ông rất nhiều. Món nợ lớn nhất (chưa nói đến giá trị văn chương và tư tưởng độc đáo của ông), là nguồn vui lạ lùng mà cuộc sống lang thang của ông đã lan tỏa ra ngoài, không hề tính toán và đòi hỏi gì, như Huy Tưởng đã viết và đọc cách đây đúng 15 năm trong giờ vĩnh biệt: “anh Bùi Giáng đã dấn mình một cách hiên ngang và khốc liệt vào cõi Thơ ca, TẬN HIẾN hết cả đời mình cho duy-nhất-thơ-ca (…) tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp đối đãi nào của nhân thế, trút gởi hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vay tạm một hình cốt mong manh bi thiết và mộng mị. Hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của thiên tài thơ Bùi Giáng (…) Xin vĩnh biệt anh Bùi Giáng yêu kính. Cầu cho hồn anh được siêu sinh tịnh độ, nương theo mây trắng mà về lại với quê nhà, tiếp tục rong ruổi vui chơi trên cõi trời Đâu suất…”.

Thật vậy, ông đã mang “những hạt nắng bảy màu” đến với nhân sinh cùng tiếng cười vui bất ngờ đâu đó: “Cái vui ấy ông đã ban tặng cho đời mãi đến ngàn sau, không những bằng ngôn từ mà cả bằng thân xác” (Thích Nhuận Châu) - và nay ông đã về “cố quận” (như chữ ông thường dùng) để lại mấy câu da diết: “Đất hoa khóc vĩnh biệt người/Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu”.

Lời cố quận là tên một tập khảo luận nổi tiếng của Bùi Giáng - cùng với tập Lễ hội tháng ba trở thành hai cuốn sách mà bạn đọc có thể tìm hiểu về tư tưởng được xem là “ẩn mật” của ông - như Bùi Văn Nam Sơn nhận định. Sáng nay, ông có thể sẽ trở về trong hương khói, với “niềm vui ẩn mật” mà Nguyễn Quang Thanh từng khẳng định là luôn luôn được “phơi bày ở trong chính mình và ở quanh mỗi chúng ta”. Phơi bày trong im lặng và im lặng như thơ Bùi Giáng viết: “Một lời chẳng nghĩa là bao/Dẫu lời không tiếng lẽ nào không nghe?”. (Còn nữa)

Bùi Giáng đã tạo ra được một cuộc hôn phối kỳ lạ giữa Trời và Đất, Đông và Tây, giữa Heidegger đìu hiu gió tuyết và Nguyễn Du tịch mịch sương chiều. Bùi Giáng không bao giờ là một nhà “giải minh” tư tưởng triết học hiểu theo nghĩa hàn lâm của thuật ngữ này (...) ông không bao giờ sử dụng các “phương pháp phân tích” và diễn giảng của nhà trường để đi sâu vào một tác phẩm hay một tác giả. Với ông, chỉ có sự đồng cảm hay thấu cảm với một tâm hồn đồng điệu nào đó hoặc với suối nguồn uyên nguyên của tư tưởng mới là điều đáng kể, còn ngoài ra tất cả đều là phù phiếm, dù cho sự phù phiếm này có được nâng lên thành một hệ thống quan niệm có tính chất phương pháp luận. 

Trần Trung Phượng

Giao Hưởng

>> Ấn tượng Bùi Giáng
>> Bùi Giáng và bài thơ 'phù thủy
>> Tọa đàm khoa học đầu tiên về Bùi Giáng
>> Người vợ của Bùi Giáng  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.