Tiêu cực khiến dân ý kiến nhiều

18/09/2013 03:00 GMT+7

“Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên sa sút về đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý của mình không nghiêm, đây là những vấn đề cần phải làm rõ”. Đề nghị này của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan được nhiều đại biểu tán đồng tại phiên họp TVQH diễn ra hôm qua, 17.9.

Tiêu cực khiến dân ý kiến nhiều

Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ làm chết 9 người đến nay vẫn chưa thấy khởi tố - Ảnh: Nguyễn Long

Đánh giá các báo cáo thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện KSND, TAND và thi hành án 2013, Ủy ban Tư pháp nhận định có chuyển biến tích cực so với 2012. Tuy nhiên, kết quả phát hiện, xử lý các vụ vi phạm, tội phạm chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm tài chính ngân hàng chậm phát hiện, tội phạm tín dụng đen, hoạt động kiểu xã hội đen chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

“Đặc biệt tỷ lệ điều tra án nghiêm trọng chỉ đạt 85%, không đạt chỉ tiêu QH giao”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.

Tiến độ khởi tố điều tra có vấn đề

 

Qua giám sát cho thấy Viện KSND địa phương rất lười ra kháng nghị. Ví dụ Viện KSND truy tố đề nghị cho bị cáo mức án cao nhưng tòa xử nhẹ hơn. Trước việc như vậy nhưng Viện KSND chỉ ngồi im không ý kiến gì

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Đi vào những vấn đề cụ thể, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm chưa hài lòng với kết quả nêu trong báo cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, tình hình an ninh trật tự ở nhiều vùng, nhất là trung tâm thành phố lớn diễn biến phức tạp, hoạt động của các băng nhóm tội phạm lộng hành, ngang nhiên. “Dư luận xã hội cũng rất bức xúc vì những vụ việc xảy ra gần đây. TP.HCM phát sinh nhiều băng cướp hoạt động ngang nhiên, Bộ Công an phải điều cảnh sát cơ động vào tăng cường. Các vụ đánh bạc phát giác ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình có quy mô lớn, đáng ngại”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bức xúc: “Quá trình điều tra án tham nhũng, án kinh tế thời hạn kéo dài đã nêu từ nhiều năm nhưng chưa có chuyển biến. Qua giám sát cho thấy Viện KSND địa phương rất lười ra kháng nghị. Ví dụ Viện KSND truy tố đề nghị cho bị cáo mức án cao nhưng tòa xử nhẹ hơn. Trước việc như vậy nhưng Viện KSND chỉ ngồi im không ý kiến gì”.

Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ: “Tiến độ khởi tố điều tra còn có vấn đề, ví dụ vụ chìm ca nô ở Cần Giờ (TP.HCM) chưa thấy khởi tố, chìm tàu Dìn Ký (Bình Dương) đã 28 tháng. Tiêu cực trong hoạt động tư pháp khiến nhân dân đơn từ nhiều, ý kiến nhiều”.

“Khá phổ biến”, “đáng báo động”...

Ông Nguyễn Văn Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng các báo cáo hoạt động tư pháp “còn khá mờ nhạt về trách nhiệm, chưa chỉ ra được các địa chỉ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương đến đâu”. Ông Luật lấy ví dụ, trong nhiều vụ án kéo dài nguyên nhân là do thiếu kinh phí giám định nhưng tổng kết chi phí hoạt động này không thấy nêu trong báo cáo. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, đối với các hoạt động tư pháp, gồm cả giám định nếu khó khăn về kinh phí, cơ chế thì các cơ quan chức năng phải đề xuất kiến nghị nhưng đến nay chưa thấy cơ quan nào kiến nghị.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ băn khoăn vì trong nhiều lĩnh vực như vi phạm giao thông, tội phạm hình sự... còn có những cụm từ chung chung như “khá phổ biến”, “đáng báo động”, “phức tạp” và đã nhắc đi nhắc lại qua nhiều năm. Theo Phó chủ tịch nước, có một số vấn đề lớn Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần phải làm rõ như “đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động ở nhiều lĩnh vực như y đức, giáo dục, tư pháp, hành pháp...”, “niềm tin của người dân vào cán bộ, đảng viên bị giảm sút”, “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên sa sút đạo đức”...

“Đây không phải là chỉ mình tôi nói mà trong nhiều báo cáo chính thức chúng ta đã đề cập đến. Đây là những vấn đề quan trọng chúng ta phải làm cho thật rõ nguyên nhân, trách nhiệm để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, bà Doan nói.

Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu để có đánh giá sát tình hình hơn, đặc biệt là phải chỉ rõ được nguyên nhân, biện pháp và các “địa chỉ trách nhiệm”.

Nhìn nhận sâu vào trách nhiệm

Tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng vi phạm pháp luật nhưng cơ quan chức năng địa phương không phòng ngừa, quan tâm dẫn đến nhiều trường hợp người dân tự phát xử lý, gây hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ có chức có quyền, biểu hiện bảo kê khiến băng nhóm hoạt động lộng hành như khai thác khoáng sản, tài nguyên...

Ông Đỗ Văn Đương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhìn nhận trong hoạt động tố tụng, các vụ án tham nhũng được phát hiện rất ít, chủ yếu là tham nhũng vặt. Chỉ ra hàng loạt vụ việc gây lo ngại trong thời gian gần đây như người dân tự thiêu trước tòa, cầm súng vào cơ quan nhà nước bắn cán bộ, ông Đương nói: "Phải chăng chính quyền đã không thực thi được nên để xã hội đen xử? Cần phải nhìn nhận sâu vào trách nhiệm các bộ ngành”.

Thái Sơn - Anh Vũ

>> Tiêu cực xuất phát từ quy định vô lý
>> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Đút lót, tiêu cực có bắt có xử được mấy đâu...
>> Tiêu cực ở đâu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.