Hoang mang vì thú dữ trong khu dân cư

18/09/2013 03:15 GMT+7

Ngày 17.9, Hạt Kiểm lâm H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đến khu B, thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp (H.Đức Trọng) để lấy mẫu dấu chân thú gửi đi giám định.

 Dấu chân thú lạ - d
Dấu chân thú lạ - Ảnh: Lâm Viên

Những ngày gần đây, khu B (thôn Nghĩa Hiệp) liên tiếp xảy ra tình trạng không rõ loại thú gì bắt ngỗng, gà trong khu dân cư. Khoảng 21 giờ ngày 16.9, anh Lê Xuân Tình (khu B) đi chơi về bỗng thấy một con thú có khoang đốm chỉ cách sân nhà anh vài chục mét.

 

Hạt Kiểm lâm H.Đức Trọng đã thông báo đến các UBND xã Liên Hiệp, N’Thôn Hạ và thị trấn Liên Nghĩa để người dân có biện pháp đề phòng thú dữ, không nên ra đường khi ít người, nhất là ban đêm và không được săn bắn.

Trước đó, rạng sáng 11.9, khi đang yên giấc, vợ chồng ông Lý Cỏng Gìn nghe tiếng ngỗng, vịt kêu loạn xạ, ông mở cửa rọi đèn thì thấy một con vật lớn gần bằng con bê lao tới đớp gọn con ngỗng nặng gần 4 kg. Khi trời sáng, ông Gìn phát hiện trên mặt sân đất dày đặc vết chân thú có vuốt và một dấu tròn ở giữa. Chỉ trong 2 đêm, gia đình ông Gìn bị bắt 6 con ngỗng, 1 con gà.

Đêm 16.9, khu chăn nuôi ngỗng, gà của bà Nguyễn Thị Hoa 2 lần bị thú đột nhập, nhưng do mới gia cố chuồng trại nên chỉ bị mất 1 con gà trống.

Ban đầu người dân nghĩ gà, ngỗng bị chó bắt. Chỉ đến tối 16.9, khi anh Tình thấy bóng dáng con thú tựa báo đốm và quan sát trên vườn rau thấy nhiều dấu chân thú khá lớn thì người dân xác định “thủ phạm” không phải chó nhà.

Sáng 17.9, ông Lương Xuân Phóng dẫn chúng tôi xem dấu vết con thú trong khu vườn nhà ông. Dấu chân thú lớn có móng vuốt đường kính lớn nhất khoảng 9 cm, song song đó có dấu chân thú nhỏ hơn đường kính khoảng 5 cm. Các khu vườn lân cận gần bờ rào sân bay Liên Khương chi chít dấu chân thú kiểu này.

Cùng ngày, ông Nguyễn Danh Tuyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng (Chi cục Kiểm lâm), cho biết đã cử cán bộ bảo tồn của chi cục phối hợp với Hạt Kiểm lâm H.Đức Trọng tiếp cận hiện trường nghiên cứu, điều tra. Với những thông tin ban đầu về kích cỡ, hình dáng dấu chân được miêu tả, Phòng Bảo tồn thuộc Chi cục Kiểm lâm nhận định có thể hai con thú này thuộc nhóm báo lửa hoặc nhóm báo hoa mai. Tuy nhiên, để có kết quả chắc chắn, phải chờ kết quả kiểm định mẫu dấu chân từ Vườn quốc gia Cúc Phương gửi về.

Lâm Viên

>> Gặp phải thứ dữ
>> Thú lạ' gây hoang mang trong khu dân cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.