Khu đô thị “3 không” ở TP.Thanh Hóa

13/09/2013 09:19 GMT+7

Khu đô thị Bắc đại lộ Lê Lợi, còn gọi là khu đô thị Bình Minh, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa được người dân gọi là khu đô thị 3 không vì ở đây không có tổ chức Đảng; không có chính quyền; không có các đoàn thể.

Khu đô thị Bắc đại lộ Lê Lợi, còn gọi là khu đô thị Bình Minh, TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được người dân gọi là khu đô thị "3 không" vì ở đây không có tổ chức Đảng; không có chính quyền; không có các đoàn thể.


Một góc khu đô thị 3 không ở TP.Thanh Hóa - Ảnh: Vũ Anh 

Khu đô thị này do Công ty Bình Minh đầu tư xây dựng từ năm 2006, diện tích 47 ha, trên đất của xã Đông Hương và là trung tâm TP.Thanh Hóa trong tương lai gần. Đây cũng là khu đô thị đầu tiên được hứa hẹn cách vận hành và quản lý theo mô hình đô thị hiện đại. Có điều, kể từ khi có được 47 ha đất “nạc”, họ đã “thái” ra bán và hình thành khu dân cư với nhiều biệt thự. Những gia đình sống ở đây đều khá giả và có mức sống cao hơn bình quân của người dân địa phương với nhiều quan chức, công chức, thậm chí có cả một số cán bộ là cựu lãnh đạo Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh... Nhưng đây cũng là khu đô thị “vô chính phủ” vì không hề có bất cứ tổ chức nào: không chi bộ Đảng; không chính quyền; không tổ chức đoàn thể quần chúng.

Ông Bùi Đình Phúc, nguyên là một trưởng phòng của Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Tôi về hưu, muốn chuyển sinh hoạt Đảng về nơi ở, nhưng ở khu đô thị này không có chi bộ, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của đảng viên, chắc tôi phải chuyển sinh hoạt Đảng về quê”.

Ở khu dân cư này, nhiều người muốn ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp các cháu sinh hoạt hè, sinh hoạt văn hóa với tổ dân phố… nhưng không biết phải liên hệ với ai. Nếu trên địa bàn xảy ra trộm cắp, cờ bạc, mại dâm, ma túy, người dân cũng không biết phản ánh đằng nào. “Kêu lên thành phố thì được yêu cầu hỏi chính quyền xã Đông Hương. Kêu xã Đông Hương thì được trả lời khu đô thị không thuộc sự quản lý của chính quyền xã”, ông Phúc bức xúc nói.

Còn ông Nguyễn Văn Lân, nguyên Chánh thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi chỉ có mỗi việc hàng tháng nộp tiền nước, tiền điện, tiền vệ sinh cho Công ty Bình Minh chứ không phải nộp cho nhà nước. Đường đi cũng chẳng có tên, số nhà thì được đánh theo số lô đất mua, không theo trật tự nào cả. Hầu hết những hộ dân sống ở đây là cán bộ về hưu và công chức nhưng lại bị gọi là dân vô chính phủ”.

Tìm hiểu về khu đô thị này, chúng tôi được biết Công ty Bình Minh chỉ làm một việc là thu các loại tiền. Còn mô hình quản lý cũng như cơ sở hạ tầng thì gần 7 năm nay chưa hoàn chỉnh.

Vũ Anh

>> TP.HCM chuẩn bị nhân sự cho chính quyền đô thị
>> KTS Võ Trọng Nghĩa và nỗ lực “xanh hóa” đô thị
>> Hậu Giang: Định hướng phát triển đô thị đến năm 2020
>> Đến năm 2020, tỉnh Hậu Giang sẽ đô thị hóa đạt 44%
>> Đừng để TP.HCM 'tự bơi' với đề án chính quyền đô thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.