Phó giáo sư Từ Diệp Công Thành: Đi để mang về

10/09/2013 03:30 GMT+7

Cái tên Từ Diệp Công Thành bắt đầu được nhiều người biết đến từ khi anh trở thành một phó giáo sư trẻ tuổi nhất năm 2010, lúc mới 32 tuổi. Không dừng lại ở đó, tên vị phó giáo sư này càng trở nên thân thuộc, gần gũi với sinh viên nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới.

Phó giáo sư Từ Diệp Công Thành: Đi để mang về

Tiến sĩ Từ Diệp Công Thành (bìa trái) tham dự chương trình giao lưu KOSEN tại Nhật Bản - Ảnh: nhân vật cung cấp

Người của “hiện tượng lạ”

 

Tôi có được nhiều nhất sau mỗi chuyến đi là những điều học hỏi được từ các trường ĐH về kiến thức chuyên môn trong nghiên cứu và giảng dạy. Những kiến thức và kinh nghiệm này tôi mang về nước để truyền lại cho sinh viên của tôi

“Hiện tượng lạ” là cụm từ khái quát có thể dùng để miêu tả về vị tiến sĩ này trong suốt chặng đường học hành và sự nghiệp. Từ bậc phổ thông, Từ Diệp Công Thành được biết đến là một học trò xuất sắc luôn giữ vị trí nhất nhì trong lớp. Cho đến khi chuyển vào TP.HCM sinh sống cùng gia đình, dù cuộc sống mới với nhiều khó khăn, cậu học trò gốc Bình Định này vẫn luôn khẳng định vượt trội bằng sự nỗ lực hết mình của bản thân. Bằng chứng là anh đã cùng lúc trúng tuyển vào 4 trường đại học (ĐH) lớn tại TP.HCM với số điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 1996.

Nhưng với niềm đam mê nghiên cứu và chế tạo từ nhỏ, anh đã quyết định chọn theo học ngành điện - điện tử tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Trên giảng đường ĐH, Từ Diệp Công Thành đã trở thành một đồng môn được bạn bè ngưỡng mộ bởi tốc độ học vượt với thành tích cao. Ở giai đoạn đại cương, anh chỉ mất hai học kỳ để hoàn tất và trở thành sinh viên khóa 95 trong khi bạn bè cùng khóa 96 còn vất vả với học kỳ thứ ba. Tiếp tục vượt một học kỳ ở giai đoạn chuyên ngành, anh tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại giỏi chỉ trong ba năm rưỡi, trước một năm so với quy định. Anh trở thành một trong số rất ít ỏi sinh viên vinh dự được giữ lại trường làm giảng viên.

Không lãng phí thời gian, anh bắt tay ngay vào học cao học và nhanh chóng hoàn thành xuất sắc chương trình thạc sĩ trong nước. Bằng suất học bổng toàn phần tự “săn” được, anh tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh ngành cơ điện tử tại Trường ĐH Ulsan (Hàn Quốc). Tại đây, anh một lần nữa trở thành “hiện tượng lạ” trước bạn bè quốc tế về tốc độ học vượt của mình. Thay vì bốn năm rưỡi, anh hoàn thành 12 môn học với 36 tín chỉ, kèm theo 6 công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận và được đăng trên các tạp chí khoa học thế giới, trở thành tiến sĩ ở tuổi 27 chỉ sau hai năm. Năm 2010, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Từ Diệp Công Thành lại được vinh danh trong hàng ngũ phó giáo sư Việt Nam trẻ nhất ở tuổi 32.

Thời gian không chờ đợi

 

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

Bên cạnh vai trò một giảng viên trẻ tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, các chuyến tu nghiệp ngắn hạn nước ngoài là một trong những điều đáng chú ý trong sự nghiệp giảng dạy của Từ Diệp Công Thành.

Lý giải về những chuyến đi này, anh chia sẻ: “Thời gian không chờ đợi một ai, tôi muốn dành một vài năm còn lại của tuổi thanh xuân để tham gia các chương trình GS thỉnh giảng của Ủy ban châu u trước khi trở về bám trụ và xây dựng các định hướng nghiên cứu lâu dài trên quê hương mình”. Với định hướng đó, anh đã đến và dành khá nhiều thời gian cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH danh tiếng tại châu u.

Khởi đầu là Trường ĐH Bách khoa Torino (Ý). Đến với trường ĐH này, anh được mời tham gia với vai trò GS thỉnh giảng, đồng thời là nghiên cứu viên tại các phòng thí nghiệm về robot và thiết bị hỗ trợ người di động. Cũng tại đất nước này, năm 2013 anh có dịp đến với Trường ĐH Genova cũng với tư cách GS thỉnh giảng. Tại đây, anh dành trọn cả tháng tham gia nghiên cứu và hội thảo trong chương trình cao học danh tiếng Erasmus Mundus cho ngành kỹ thuật robot tiên tiến. Đến với Trường ĐH Khoa học ứng dụng Karshure (Đức), bên cạnh tham gia giảng dạy một khóa học về kỹ thuật điều khiển thông minh cho học viên cao học, anh còn dành thời gian nghiên cứu trong lĩnh vực cơ điện tử.

Năm 2012, anh cùng một nhóm sinh viên Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM được lựa chọn tham dự chương trình trao đổi sinh viên tới Toyama thuộc chương trình KOSEN Nhật Bản. Và trong buổi gặp gỡ trò chuyện này với chúng tôi, anh lại đang tất tả chuẩn bị lên đường đi Nhật Bản lần nữa theo chương trình KOSEN, nhưng là đến với Hokkaido.

Nói về những chuyến đi, anh hào hứng: “Mỗi chuyến đi đem đến những trải nghiệm và sự thú vị khác nhau. Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất là được giảng dạy trong một môi trường quốc tế với những sinh viên đến từ nhiều nước khác nhau. Chẳng hạn, một lớp cao học tôi tham gia giảng dạy tại Đức có 10 thành viên nhưng lại đến từ 9 quốc gia khác nhau. Lớp học như một Liên Hiệp Quốc, nói đủ thứ ngôn ngữ nhưng tràn đầy tình cảm”. Bằng giọng nói điềm đạm với cái nhìn nghiêm túc, vị phó giáo sư này khẳng định: “Tôi có được nhiều nhất sau mỗi chuyến đi là những điều học hỏi được từ các trường ĐH về kiến thức chuyên môn trong nghiên cứu và giảng dạy. Những kiến thức và kinh nghiệm này tôi mang về nước để truyền lại cho sinh viên của tôi qua từng bài giảng trên lớp. Đó mới chính là mục tiêu những chuyến đi của tôi”.

Anh từng nói: “Nghề giáo với tôi thực sự là niềm đam mê lớn lao. Tôi nghĩ công việc này chỉ tiền là không nhiều bằng các nghề khác, còn tình cảm thì hơn hẳn. Đây còn là môi trường để tôi cập nhật kiến thức không ngừng, nơi tôi có thể thỏa mãn sở thích nghiên cứu của bản thân. Và chỉ con đường này, tôi mới có thể liên tục truyền lại cho thế hệ sau những kiến thức mà mình đã học”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.