Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 6: Chiến dịch Mậu Thân

08/09/2013 11:15 GMT+7

Cuối năm 1967, thiếu tá Tư Cang, 40 tuổi, người đứng đầu mạng lưới tình báo H.63, tới Sài Gòn. Vài tháng trước đó, Bộ Chính trị tại Hà Nội đã ra nghị quyết về việc tổ chức thực hiện một cuộc tổng tấn công và nổi dậy nhằm vào 'đầu não của chính quyền bù nhìn miền Nam'. Mục tiêu chính là Sài Gòn! Ngày D được ấn định là ngày Tết Mậu Thân, ngày đầu năm mới âm lịch, nhằm ngày 31.1.1968.

>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 5: Chiến thắng Ấp Bắc
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 4: Đơn độc trong vùng nguy hiểm
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 3: Bắt đầu cuộc sống kép
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 2: Tìm đường đến Mỹ
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 1: Sứ mệnh bắt đầu

 Một góc Sài Gòn trong sự kiện Mậu Thân 1968
Một góc Sài Gòn trong sự kiện Mậu Thân 1968 - Ảnh: T.L

Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1963, chịu trách nhiệm cả về chiến thuật lẫn chiến lược cho cuộc tổng tấn công. Ông Trà tin chắc rằng một khi kế hoạch này thành công, chính quyền do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu sẽ sụp đổ.

Nhiệm vụ của Tư Cang là thăm dò thực lực của Sư đoàn 1 Quân lực Việt Nam Cộng hòa, báo cáo về tình hình an ninh xung quanh quân cảng Sài Gòn, xác định tuyến tiến công thuận lợi nhất vào thành phố và những tòa nhà cùng các cơ sở dễ bị tấn công nhất. Tư Cang biết rằng ông cần tiếp xúc với điệp viên hàng đầu của mình, Phạm Xuân Ẩn, càng nhiều càng tốt.

Ẩn tạo dựng một câu chuyện làm vỏ bọc cho Tư Cang. Ông ta là một thầy giáo coi sóc đồn điền ở Dầu Tiếng, là một người chơi chim và đam mê chó. Bằng cách này họ có thể cùng nhau xuất hiện tại tiệm Givral và bất cứ nơi nào ở Sài Gòn mà không gây nghi ngờ. Là một nhà báo đầy uy tín đang làm việc cho Time, Ẩn dễ dàng đi lại khắp Sài Gòn và trong đầu lúc này đang ngập tràn ý tưởng về những địa điểm có thể tấn công cũng như những phương cách vượt qua hệ thống an ninh.

Tới năm 1968, Ẩn được nhiều người coi là anh cả của các phóng viên người Việt ở Sài Gòn. Khi David Lamb của tờ Los Angeles Times tới Sài Gòn, anh được hướng dẫn, “Tới gặp ông Ẩn ở tờ Time”. Henry Kamm của New York Times biết Ẩn là “người Việt duy nhất làm trong các cơ quan báo chí Mỹ mà được tổ chức của mình, tạp chí Time, cho hưởng quy chế phóng viên chính thức, chứ không đơn thuần là trợ lý địa phương cho các đồng nghiệp Mỹ đến từ New York để đưa tin về cuộc chiến”.

Ẩn đã nói với bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, người Việt Nam viết hồi ký cho ông, rằng: “Cuộc sống người ta một nghề, mình hai nghề, một nghề đi theo cách mạng, một nghề bám ở đây, để tự túc lâu dài, nghề báo không bao giờ rảnh. Hai nghề này rất mâu thuẫn nhau, nhưng lại giống nhau. Một đằng lấy được tin tức gì phân tích ra sao giấu đi như mèo giấu cứt là tình báo. Đằng khác thì lấy được tin gì, phân tích ra sao thì đăng toạc móng heo lên báo, phát thanh lên đài! Đó là làm nghề báo chí”.

Tất cả những kỹ năng và tài năng này đã tự hiển lộ trong cuộc đời gần như là phân thân của Ẩn trong giai đoạn xảy ra cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. “Chúng tôi dùng xuồng máy chạy lên chạy xuống dọc sông Sài Gòn để tìm vị trí các kho xăng dầu và trạm an ninh”, Tư Cang kể. Sau này, Ẩn đã mô tả rằng hành động đó “khá nguy hiểm, nguy hiểm không cần thiết”. Họ còn lái chiếc Renault màu xanh của Ẩn chạy loanh quanh Sài Gòn để định vị các mục tiêu dễ tấn công nhất, và Ẩn hướng dẫn cách né các hệ thống bảo vệ an ninh. Trong thời gian ở cùng nhau, Tư Cang thông báo cho Ẩn biết ông đã được trao huân chương vì có công lao trong trận Ấp Bắc. “Tôi không bao giờ có thể đeo tấm huân chương đó cho đến khi vở kịch kết thúc”, Ẩn đáp. “Tôi chỉ hạnh phúc khi đeo nó vào ngày giải phóng”.

Cuối cùng, tướng Trần Văn Trà chọn năm mục tiêu chính - Dinh Tổng thống, Phi trường Tân Sơn Nhứt, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Sở Chỉ huy Lực lượng đặc biệt Đô thành và Văn phòng Bộ Tổng tham mưu ở Sài Gòn. Nhóm mục tiêu thứ hai bao gồm Đài phát thanh Sài Gòn, các bưu điện, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Chỉ huy hải quân ở Sài Gòn, cũng như bến cảng, nhà xưởng, nhà máy điện và các cơ sở hậu cần cùng cơ quan chính quyền khác. Tư Cang, sau đó sẽ tham gia mũi tấn công vào Dinh Tổng thống, tán thành với hầu hết các mục tiêu này...

Rạng sáng 31.1, khoảng gần tám mươi ngàn lính chính quy và du kích quân Bắc Việt tấn công vào hơn một trăm thành phố khắp miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Tết Mậu Thân bao gồm các đợt tiến công vào ba mươi lăm trên tổng số bốn mươi tư tỉnh lỵ, ba mươi sáu huyện lỵ và nhiều làng ấp.

Tư Cang là một xạ thủ cừ khôi. “Ông ấy có thể bắn K-54 bằng cả hai tay, mỗi giây một phát và không bao giờ trượt mục tiêu”, Ẩn cho biết... Khi cuộc tấn công vào Dinh Tổng thống bị đẩy lùi, Tư Cang chợt thấy mình bị kẹt lại trong một ngôi nhà đối diện với dinh qua một con đường: "Tôi tự nhủ chỉ có cách làm gì đó để cản phá kẻ địch triển khai quân thì các chiến sĩ đặc công của tôi mới thoát được. Nhưng tôi cũng biết rằng nổ súng là hành động mà một tình báo viên phải cân nhắc cực kỳ kỹ càng, bởi nếu một điệp viên bị lộ thì cả mạng lưới tình báo mà chúng ta đã mất nhiều năm để xây dựng bỗng nhiên trở nên vô hiệu. Sau khi cẩn thận phân tích tình hình, tôi rút súng ra, nhằm thẳng vào hai sĩ quan Mỹ, bắn hai phát thật nhanh và lập tức thụp vào chỗ ẩn nấp”. Tư Cang được xác nhận là đã bắn chết hai viên sĩ quan người Mỹ kia...

Nhận được chỉ đạo chung là “Tiến lên phía trước để giành thắng lợi cuối cùng”, nhưng quân Cộng sản đã chịu thương vong lớn trong dịp Tết Mậu Thân, mà ông Trần Văn Trà đã phải nhận trách nhiệm... Việt Cộng mất hơn một nửa lực lượng tham chiến, tương đương với một phần tư quân thường trực; phải mất nhiều năm mới khôi phục được. Don Oberdorfer giải thích, “Việt Cộng mất một thế hệ quân kháng chiến, và sau Tết Mậu Thân, người ta phải gửi thêm rất nhiều người từ Bắc Việt vào để trám chỗ trống. Cuộc chiến đã chuyển dần sang chiến tranh chính quy và bớt dần chất du kích”.

Dù thế, Tết Mậu Thân đã trở thành một trận chiến quyết định của cuộc chiến tranh nhờ vào tác động của nó lên chính trường và thái độ của công chúng Mỹ về cuộc chiến tranh. Tướng Westmoreland lúc bấy giờ đang đề nghị tăng thêm 206.000 quân để đáp ứng đòi hỏi mới, nâng cam kết về quân số tham chiến của Mỹ lên gần 750.000, nhưng Sài Gòn vẫn chưa an toàn. Nhịp độ cuộc chiến và khả năng kiểm soát cuộc chiến không được quyết định bởi sự vượt trội về kỹ thuật của Mỹ, mà bởi chính kẻ thù của họ... Tối 27.2, người dẫn chương trình Walter Cronkite của Đài CBS nói với toàn thể nước Mỹ rằng cuộc chiến sẽ kết thúc trong bế tắc...

Larry Berman
Người dịch: Đỗ Hùng
Bản quyền và Thực hiện: First News - Trí Việt

LOẠT KÝ SỰ NHIỀU KỲ "GIẢI MÃ" PHẠM XUÂN ẨN 
CỦA NHÀ BÁO HOÀNG HẢI VÂN

>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 16
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 15
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 14
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 13
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 12
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 11
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 10
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 9
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 8
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 7
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 6
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 5
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 4
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 3
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 2
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 1
>> Khởi đăng ký sự nhiều kỳ: "Giải mã" Phạm Xuân Ẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.