GS Vũ Hà Văn: Làm toán để hạnh phúc

06/09/2013 06:00 GMT+7

Là chuyên gia hàng đầu thế giới về toán rời rạc nhưng GS Vũ Hà Văn không phải là một người khô khan, thích tự giam hãm mình trong một ngôi nhà toàn con số. Anh dí dỏm, mơ mộng và biết thưởng thức cuộc sống ngay cả khi làm toán.

Con trai nhà thơ đi làm toán

Trước khi được biết đến như một nhà toán học xuất sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay, Vũ Hà Văn được biết đến với tư cách là con trai nhà thơ Vũ Quần Phương. Bản thân Vũ Hà Văn cũng rất hâm mộ bố mình, thuộc nhiều thơ của bố, dù anh cho biết mình không thích đọc thơ bằng đọc văn xuôi!

“Tuy nhiên, nhờ có một người bố là nhà thơ mà trong nhà tôi đầy sách văn học, những người đến chơi nhà anh cũng toàn là bạn văn chương với bố. Sống trong một môi trường như thế, tôi cảm thấy trí tưởng tượng của mình được phát triển và điều này rất tốt cho tư duy toán học sau này của tôi”, Vũ Hà Văn nhận xét.

 GS Vũ Hà Văn: Làm toán để hạnh phúc
GS Vũ Hà Văn - Ảnh: Lê Đăng Ngọc

Vũ Hà Văn được học chuyên toán từ nhỏ. Lên THPT, thoạt tiên anh học chuyên toán Chu Văn An (Hà Nội). Sau đó, Hà Nội mở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Vũ Hà Văn được chuyển về đấy. Anh yêu toán, nhưng rồi chỉ đoạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nên cũng không dám đặt nhiều ước vọng vào toán. Khi thi ĐH, Vũ Hà Văn chọn ngành kỹ thuật với mong muốn trở thành người… sửa TV. Nhưng số phận kéo Vũ Hà Văn quay lại với toán khi anh được nhà nước cử sang Hungari học ĐH.

 

Vũ Hà Văn, sinh năm 1970, là Giáo sư ĐH Yale, Mỹ. Anh còn tham gia Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) - nơi mà GS Ngô Bảo Châu là Giám đốc khoa học. Hè năm nay, anh về Việt Nam để cùng hai giáo sư khác tổ chức một trường hè dành cho sinh viên tại VIASM.

Ngoài ra, anh còn cùng GS Ngô Bảo Châu tổ chức trang mạng Học thế nào (http://hocthenao.vn) - một diễn đàn chuyên bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở Việt Nam.  

Vũ Hà Văn kể, khi mới sang Hungari học ở Khoa Điện ĐH Bách khoa Budapes, anh được học với một bà giáo dạy toán hay ra các đề tài nghiên cứu nho nhỏ cho sinh viên. Lúc đó anh vẫn mê toán lắm nên rất hào hứng với các đề tài nhiên cứu ấy. Thậm chí, biết trường ĐH Tổng hợp Eotvos Lorand (Budapest)tổ chức một cuộc thi toán cho sinh viên, anh đã tham gia. Giải thưởng Vũ Hà Văn đạt được tuy không cao nhưng cũng là một kết quả đáng khích lệ với sinh viên không phải ngành toán. Thấy Vũ Hà Văn mê toán, bà giáo dạy toán của anh giới thiệu anh với chồng bà - một nhà toán học và là một viện sĩ rất có tiếng tăm ở Hungari. Ông ấy gặp Vũ Hà Văn một vài lần rồi khuyên anh chuyển sang học toán lý thuyết.

Sau một thời gian suy nghĩ, Vũ Hà Văn quyết định chuyển sang học Khoa Toán ĐH Tổng hợp Eotvos Lorand. “Hồi đó du học sinh Việt Nam ở Đông u có hai con đường: hoặc đi buôn, hoặc học hành chỉn chu. Nhu cầu về vật chất của tôi đơn giản lắm, học bổng nhà nước cấp đối với tôi là đủ, vì thế tôi không quan tâm chuyện đi buôn. Mối bận tâm của tôi lúc đó là được làm việc mình thích”, Vũ Hà Văn cho biết. 

“Lấy người mình yêu và… không bỏ được”

Theo Vũ Hà Văn, muốn học khoa học cơ bản, người ta cần một chút mơ mộng. “Bản thân khoa học cơ bản rất khô khan, vì thế người học phải đam mê, có thế nó mới quyện vào mình và thành vật thể sống”, Vũ Hà Văn nói. Quả là tâm hồn Vũ Hà Văn phải lãng mạn thì mới dấn thân vào ngành toán khi mà thời điểm đó anh chưa nhìn thấy triển vọng sáng sủa nào cho tương lai cuộc đời mình. Nhưng rồi Vũ Hà Văn dần dần có được sự tự tin khi mà liên tục lọt vào nhóm đầu lớp, giữa những sinh viên Hungari vốn nổi tiếng là giỏi toán và thông minh. Cú hích quan trọng trong sự nghiệp làm toán của anh là chuyến đi dự hội thảo ở trường ĐH Cornell - Mỹ khi anh đang là sinh viên năm 4. Lần đầu tiên được dự một hội thảo khoa học quốc tế khiến Vũ Hà Văn phấn chấn. Anh bắt đầu cảm nhận được hơi thở của đời sống giới nghiên cứu và muốn thưởng thức đời sống đó.

Tốt nghiệp ĐH Eotvos, Vũ Hà Văn sang Mỹ làm tiến sĩ tại ĐH Yale rồi ở lại làm việc trong các viện nghiên cứu, các trường ĐH lớn của Mỹ. Cộng đồng toán học thế giới đã ghi nhận anh bằng nhiều giải thưởng, hoặc vị trí quan trọng. Năm 2002 anh được giải thưởng Sloan. Năm 2003 đoạt giải thưởng NSF Career Award dành cho các nhà toán học trẻ tuổi tại Mỹ. Năm 2007 làm chủ nhiệm chương trình “Số học tổ hợp” của Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton. Năm 2008 đoạt giải thưởng Polya cuả Hội Toán học ứng dụng Mỹ, trao 2 năm một lần. Năm 2012 anh đoạt giải thưởng Fulkerson - giải thưởng dành cho các công trình xuất sắc trong lĩnh vực toán học rời rạc, do Hội Toán tối ưu thế giới và Hội Toán học Mỹ trao tặng 3 năm một lần, bắt đầu từ năm 1979. Giới toán học Việt Nam, ngoài GS Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields danh giá bậc nhất, được cộng đồng toán quốc tế ghi nhận ở tầm cỡ như giải thưởng Polya hay Fulkerson đến giờ cũng mới chỉ có Vũ Hà Văn.

Tiếp xúc với Vũ Hà Văn, cảm nhận chung là anh rất dí dỏm, luôn vui vẻ dù rất kiệm lời như đa số nhà toán học. “Đi Tây” từ năm 17 tuổi rồi ở miết bên đó nhưng anh vẫn có phong thái của một công dân Hà Nội “xịn”. Anh vẫn đi lại trong thành phố bằng xe máy, thỉnh thoảng mới gọi taxi nếu trời nắng quá. Có lẽ vì thế mà anh có điều kiện quan sát, nắm bắt được nhiều thực tế sôi động của thành phố nhộn nhạo bậc nhất thế giới này qua những lần về nước ngắn ngủi. Những thực tế đó đã được phả vào blog của anh, qua giọng văn hài hước, dù anh viết blog chủ yếu để giới thiệu kiến thức toán.

Có lần Vũ Hà Văn giới thiệu với bạn đọc một công trình nghiên cứu được giải Nobel kinh tế 2012 mà trong đó sử dụng toán ứng dụng. Tên bài toán “Stable Marriage”, nghĩa là “Hôn nhân bền vững” nhưng được Vũ Hà Văn “dịch” thành “Lấy người mình yêu và… không bỏ được”.

Ở một bài khác, để giới thiệu định lý Birkhoff, Vũ Hà Văn dẫn nhập: “Khi bé, bạn đi nhà trẻ. Lớn lên, bạn phải lấy vợ. Kiểu gì cũng không tránh được, trừ các vĩ nhân”. Rồi anh so sánh chuyện hôn nhân xưa với nay và đặt ra một thách thức “thời đại”: Phải lấy người mình yêu, chà! “Trớ trêu, người bạn yêu (như Angelina Jolie) thì vô số bạn yêu. Thế mới cáu!”. Dù chẳng biết gì về toán, bạn đọc cũng có thể hiểu rằng để không phải đấu kiếm với ai đó nhằm giành giật mỹ nhân duy nhất thì không nên tuyệt đối hóa vấn đề mà cần (điều kiện đủ) mở rộng danh sách người mình muốn lấy. Với cách này, rốt cục ai cũng sẽ lấy được người mình yêu (ai cũng thấy hài lòng) và toán học đã chứng minh được điều đó. Nhiều bạn đọc blog của Vũ Hà Văn thốt lên: Toán khô khan vậy mà sao anh viết duyên thế, vui thế!

GS Vũ Hà Văn: Làm toán để hạnh phúc 

Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

Lê Đăng Ngọc

>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
>> Trương Gia Bình: Khát vọng công nghệ
>> Nguyễn Trinh Thi: Độc lập để sáng tạo
>> TS Nguyễn Ngọc Vũ: Khơi dậy tiềm năng tự học và sáng tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.