Lễ Vu Lan ở Cầu Kè

03/09/2013 08:47 GMT+7

Lễ Vu Lan được các chùa theo Phật giáo Bắc Tông tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch hằng năm với ý nghĩa là ngày xá tội vong nhân và mùa báo hiếu. Riêng Vu Lan thắng hội ở thị trấn Cầu Kè (H.Cầu Kè, Trà Vinh) lại diễn ra từ ngày 25 - 28.7 (âm lịch).

Lễ Vu Lan ở Cầu Kè

Cổng Vạn Niên phong cung dịp Vu Lan thắng hội 2012 - Ảnh: Phương Kiều

Lễ Vu Lan ở Cầu Kè 1

 Nhiều sản vật địa phương được bày bán trong dịp lễ Vu Lan - Ảnh: Phương Kiều

Nét đẹp văn hóa

Vu Lan thắng hội được tổ chức tại Vạn Niên phong cung, tục gọi là chùa Ông Bổn, do người Hoa xây dựng từ mấy trăm năm trước. Đây là lễ hội lớn của địa phương, mỗi năm thu hút hàng chục ngàn người đến tham dự.

Dân địa phương có câu “Hăm lăm vào đám, hăm tám ra giàn” để nói về thời gian diễn ra lễ hội. Trước kia, khi bắt đầu “vào đám” (ngày 25.7), thường có màn “đánh động”, với hoạt cảnh thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh. Đường tăng Trần Huyền Trang do một nhà sư ở Vạn Hòa cổ tự hóa thân, cưỡi con ngựa bạch phất giấy bồi cùng các đệ tử Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng (do người thường hóa trang) lên đường sang Thiên Trúc thỉnh kinh. Trên đường đi, 3 đệ tử của Đường Tăng liên tiếp chiến đấu với yêu quái ngụ trong những cái động làm bằng tre phủ lá đủng đỉnh đặt ở các ngã ba, ngã tư thị trấn. Các loại phép thuật do 3 đệ tử của Trần Huyền Trang và yêu quái thi thố được thực hiện bằng cách phun dầu lửa vào ngọn đuốc đang cháy. Đám lửa bùng lên đỏ rực bay về phía trước, tỏa sáng trong đêm tối đưa người xem vào không gian huyễn hoặc. Kết thúc màn “đánh động”, thầy trò Đường Tăng thỉnh được kinh Phật, đem về dâng vào Vạn Niên phong cung.

Tại Vạn Niên phong cung liên tục diễn ra các buổi trai đàn với sự tham gia của chư tăng ở Vạn Hòa cổ tự và sư sãi ở chùa Khmer trong thị trấn. Lễ này cúng chay nên gọi “làm chay”. Phần hội kéo dài nhiều ngày, nhưng phần lễ chính thức chỉ diễn ra trong một ngày rưỡi, suốt ngày 27 đến trưa ngày 28 âm lịch thì chấm dứt. Sáng ngày 27, tại chánh điện, 4 ông Bổn mặc quần áo, bịt khăn lụa đỏ, tay cầm gươm bén, trái chông tua tủa hoặc những mũi thép dài, sắc nhọn… biểu diễn võ nghệ trong âm thanh dồn dập, rộn ràng của dàn “tùa lầu cấu” (dàn nhạc gồm trống lớn, phèng la, chập chã, chiêng và kèn lá). Sáng ngày 28 tiến hành lễ “ra giàn”, cúng tất, cúng mặn bằng con heo trắng. Bàn thờ ông Thiên trước sân chùa được bày nhiều hàng kệ sắp liền kề nhau, trên để những giỏ phẩm vật do bổn phố dâng cúng, phần lớn là gạo, muối, khoai lang... Lễ kết thúc vào gần trưa bằng việc “thí giàn”. Người đứng trên giàn cao thẩy những miếng thẻ tre ra ba hướng, đám đông đứng phía dưới chen nhau giành giật. Ai được bao nhiêu thẻ thì vào chùa lãnh bấy nhiêu giỏ thức cúng. Ngày nay, tục thí giàn đã được bãi bỏ, thay vào đó, các giỏ thức cúng được phân phát cho những người nghèo.

Tạo việc làm thời vụ

Từ rạng sáng ngày 27, xe du lịch, nhiều nhất là xe đò 50 - 60 chỗ ngồi từ các nơi, đông nhất là quận 5, 6 (TP.HCM) lũ lượt đổ về, xếp thành hàng dài nối đuôi nhau trên quốc lộ 54 và những bãi đất trống trong nội ô thị trấn. Các nhà có điều kiện đều chuyển sang bán đồ ăn, nước giải khát, còn không thì dọn dẹp gọn ghẽ cho khách phương xa tạm trú. Nếu tiết kiệm, khách có thể vào các chùa trong thị trấn để nghỉ miễn phí. Vậy mà không ít người phải chịu cảnh vạ vật qua đêm ở hàng ba nhà người dân. Dân lân cận có xe gắn máy chuyển qua làm xe ôm tạm thời, ì xèo đưa rước khách. Con đường trong nội ô trở thành nơi buôn bán các loại trái cây, đặc biệt là chuối tá quạ và dừa sáp, 2 đặc sản của Cầu Kè.

Vu Lan thắng hội là dịp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa định cư lâu đời tại Trà Vinh, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dạy con người yêu thương nhau, hiếu kính ông bà cha mẹ, thương xót những vong hồn uổng tử đói cơm rách áo không người thờ phượng... Vu Lan thắng hội ở thị trấn Cầu Kè được công nhận là lễ hội văn hóa dân gian tâm linh cấp tỉnh vào năm 2008.

Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.