Đầu vào lớp 10 ngày càng tệ - Kỳ 2: Đừng để học sinh 'ngồi nhầm chỗ'

28/08/2013 11:05 GMT+7

Phân luồng học sinh theo khả năng để có hướng vào đời phù hợp, tránh lãng phí là một trong những giải pháp vừa đảm bảo chỗ học cho học sinh vừa tránh giảm sút chất lượng phổ thông.

Phân luồng học sinh theo khả năng để có hướng vào đời phù hợp, tránh lãng phí là một trong những giải pháp vừa đảm bảo chỗ học cho học sinh vừa tránh giảm sút chất lượng phổ thông.

Hệ quả của đầu vào thấp

 

Theo học một chương trình không phù hợp không những gây tâm lý nặng nề cho HS, lãng phí thời gian, công sức mà còn gây hậu quả nghiêm trọng khi HS bước vào đời

Đa số giáo viên lớp 10 ở TP.HCM đều khẳng định đã có sự buông lỏng ở bậc học dưới do xét tuyển vào lớp 10. Một thời gian dài học sinh (HS) có tâm lý ỷ lại “kiểu gì cũng đậu” nên ý thức học tập rất kém, dẫn đến hổng kiến thức.

Bà Trần Liên Hoa, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, minh chứng: “Cho HS đọc bài thơ diễn cảm cũng khó khăn. Yêu cầu các em viết một đoạn văn nói về câu nói của người nổi tiếng, tôi đã không ngạc nhiên khi hầu như các em không thể hiện được sự hiểu biết cũng như không biết cách sử dụng kỹ năng trong làm văn”. Giáo viên tiếng Anh của một trường THPT xét tuyển chia sẻ: “Hai năm trở lại đây, có khi cả lớp HS không đạt yêu cầu tối thiểu của chuẩn kiến thức kỹ năng”.

Ông Bùi Trí Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, thống kê: “Mỗi năm trường tuyển 24 lớp 10 thì 1/3 số lớp HS có kết quả học tập trung bình”. Vì thế, nhiều năm nay, ở trường này cứ hết học kỳ 1 nhiều phụ huynh xin ban giám hiệu nhà trường cho con em chuyển sang học ở trung tâm giáo dục thường xuyên vì không thể theo nổi.

Theo học một chương trình không phù hợp không những gây tâm lý nặng nề cho HS, lãng phí thời gian, công sức mà còn gây hậu quả nghiêm trọng khi HS bước vào đời. Với thực trạng dạy - học và thi cử như hiện nay, các HS này không mấy khó khăn vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi không trúng tuyển ĐH-CĐ, cũng không theo đuổi hướng nghề nghiệp ngay từ đầu, những thanh niên này sẽ mất định hướng, loay hoay tìm đường lập nghiệp.

Thống kê kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ liên tục những năm gần đây của Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT cho thấy mỗi năm đều có hàng trăm ngàn thí sinh đi thi nhưng không đạt nổi... 1 điểm/môn. Trong một lần trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “Kết quả đó phản ánh một thực tế là hằng năm có hàng trăm ngàn HS đã “ngồi nhầm chỗ” ở bậc THPT. Đáng lẽ những HS đó cần phải đi theo một con đường khác ngay sau khi tốt nghiệp THCS”.

Đầu vào lớp 10 ngày càng tệ
Học sinh đang theo học tại một trường trung cấp nghề ở TP.HCM. Những trường này đều tuyển HS học hết lớp 9 - Ảnh: Mỹ Quyên

Phân luồng ngay khi kết thúc THCS

Để HS không “ngồi nhầm chỗ”, tìm hướng đi thích hợp với năng lực bản thân, theo nhiều chuyên gia, điều cần thiết là phải đẩy mạnh và làm tốt công tác phân luồng ngay khi kết thúc bậc THCS.

Ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, TP.HCM, nhấn mạnh: “Phân luồng không chỉ dành cho HS yếu mà đây là công tác giúp HS lựa chọn mô hình học tập phù hợp với khả năng và điều kiện, hoàn cảnh gia đình”. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, công tác phân luồng HS, nhất là bậc THCS tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là từ phụ huynh và HS khi đa phần đều cố vào trường công lập cho bằng được. Mặt khác, công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông hiện nay chưa thật sự sâu sắc, chưa thu hút được sự quan tâm của các em.

Để công tác phân luồng đạt hiệu quả, theo ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và đại học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp phụ huynh, HS thay đổi suy nghĩ, tư duy về vấn đề học nghề. Còn ông Tạ Tân cho biết mỗi tháng các trường THCS nên chủ động xây dựng tiết học hướng nghiệp qua việc giới thiệu các mô hình học tập, cơ hội nghề nghiệp…

Đề cập đến vấn đề này, ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc, đề nghị cần có sự tái cấu trúc mô hình giáo dục. Ông Thảo phân tích: “Chẳng hạn cùng là bậc học THPT nhưng có 2 hướng đi: Hướng thứ nhất là HS sẽ thi ĐH, hướng thứ hai là trung học nghề đào tạo HS thiên về thực hành. Bên cạnh đó nhà nước cần bỏ mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc để các trung tâm này hoạt động theo đúng chức năng của nó - bổ túc văn hóa cho học viên không có điều kiện về thời gian, có thể vừa đi học vừa đi làm và học viên quá tuổi so với quy định của HS phổ thông”. Đồng tình với quan điểm này, bà Hoàng Thị Hồng Hải, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, TP.HCM, cho rằng thời gian gần đây do mô hình giáo dục thường xuyên hoạt động sai chức năng, dành cho HS phổ thông, nên đây cũng là nguyên nhân khiến xã hội chưa mặn mà với việc phân luồng.

Các mô hình phân luồng

Trong một lần trao đổi với Báo Thanh Niên, GS Hoàng Tụy đưa ra giải pháp: “Hằng năm chỉ nên có một tỷ lệ nhỏ (1/5) HS vào THPT như hiện nay, còn lại vào trung học nghề. Cả 2 loại hình này đều học trong thời gian 3 năm. Mỗi loại hình, HS đều được học một trình độ học vấn cao hơn THCS, đủ để có thể làm nghề hay học tiếp ĐH, CĐ”.

Cũng đồng quan điểm này, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề xuất: “Nên thiết kế sao cho sau khi tốt nghiệp THCS, có khoảng 30% HS chuyển sang học nghề. Sau khi tốt nghiệp THPT có khoảng 30-40% HS vào các trường CĐ dạy nghề. Có những quy định một cách hợp lý để những ai có đủ điều kiện mới được dự thi vào ĐH”.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin: “Sở đang xây dựng đề án và xin thí điểm mô hình 9+5 trong trường CĐ. Đây là một mô hình đã được triển khai và mang lại hiệu quả phân luồng rất lớn ở Nhật Bản. Sự thành công của mô hình 9+5 không chỉ thỏa mãn tâm lý được học lên cao của phụ huynh và HS mà còn có tính tiếp nối, định hướng nghề nghiệp tốt”. Theo mô hình này, HS lớp 9 sau khi theo học 2 năm nếu không thể học lên tiếp sẽ có một chứng chỉ nghề; sau 3 năm rưỡi có thể lấy bằng TCCN, TC nghề; sau 5 năm có bằng CĐ. Trong quá trình học, nếu HS có nguyện vọng học tiếp vẫn sẽ được học thêm văn hóa, song song với việc học nghề để thi tốt nghiệp THPT.

T.Nguyễn - B.Thanh

15-30% HS sẽ vào giáo dục nghề nghiệp

Trong giai đoạn 2013 - 2015, TP.HCM dự kiến mỗi năm có 75.000 HS lớp 9, trong đó 85% HS vào THPT và giáo dục thường xuyên, 15% vào giáo dục nghề nghiệp (trong đó TCCN chiếm 10%). Giai đoạn 2016 - 2020 mỗi năm có khoảng 80.000 HS, tỷ lệ vào THPT và giáo dục thường xuyên là 70%, giáo dục nghề nghiệp 30% (trong đó TCCN là 20%).

Minh Luân

Bích Thanh - Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.