Đừng để TP.HCM 'tự bơi' với đề án chính quyền đô thị

26/08/2013 15:20 GMT+7

(TNO) Nhiều đại biểu HĐND TP.HCM tại buổi góp ý đề án chính quyền đô thị do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức sáng 26.8 đã đồng tình: Đừng để TP.HCM 'tự bơi'.

(TNO) Nhiều đại biểu (ĐB) HĐND TP.HCM tại buổi góp ý đề án chính quyền đô thị do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức sáng 26.8 đã đồng tình: Đừng để TP.HCM 'tự bơi'.

>> Đề xuất chọn TP.HCM làm thí điểm chính quyền đô thị
>> TP.HCM lên đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị
>> Cần hiến định mô hình chính quyền đô thị
>> 3 phương án chính quyền đô thị: Dân có thể bầu trực tiếp thị trưởng
>> Chính quyền đô thị
>> Đề xuất cho TP.HCM thí điểm chính quyền đô thị
>> Chính quyền đô thị" sẽ như thế nào?

Cần có sự chung tay của các bộ ngành

Cho rằng kết quả TP.HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị là cơ sở để T.Ư và các bộ ngành cân nhắc việc thể chế hóa, áp dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước, ĐB Nguyễn Văn Tùng đề nghị cần phải có sự chung tay của các bộ ngành ngay trong quá trình xây dựng đề án.

Theo ĐB Tùng, đừng để thành phố “tự bơi” với việc xây dựng đề án chính quyền đô thị vì “cơ chế xin - cho cảm thấy tủi thân quá”.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Trọng Dũng đề nghị cần có Ban chỉ đạo T.Ư về xây dựng chính quyền đô thị, ít nhất phải có một Ủy viên Bộ Chính trị làm trưởng ban; thành viên Ban chỉ đạo ngoài lãnh đạo TP.HCM phải có lãnh đạo tất cả các bộ, ngành liên quan.

Trao đổi riêng với PV Thanh Niên Online, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng đây là vấn đề mới nên cũng rất cần sự giúp đỡ của T.Ư và các bộ ngành.

“Sắp tới thành phố sẽ có báo cáo, xin ý kiến các bộ ngành T.Ư để hoàn chỉnh đề án”, ông Lê Hoàng Quân cho biết.

 
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân: “TP.HCM vẫn là một bộ phận của đất nước”

“Thành phố đề xuất mô hình chính quyền đô thị xuất phát từ thực tiễn đặc thù, từ nhu cầu phát triển của thành phố. Nếu có mô hình, cơ chế phù hợp để phát triển mạnh hơn nữa thì thành phố cũng sẽ đóng góp cho ngân sách cả nước nhiều hơn nữa, cùng cả nước đi lên”, ông Quân khẳng định.

Những tác động từ việc thực hiện chính quyền đô thị

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm (thay mặt Ban soạn thảo đề án) giải trình thêm về mức độ tác động khi thực hiện chính quyền đô thị mà một số ĐB còn băn khoăn.

Về ngắn hạn, ông Lắm cho biết thực hiện chính quyền đô thị sẽ có các tác động. Chẳng hạn, sẽ xảy ra sự xáo trộn do phải tổ chức lại bộ máy quản lý, sắp xếp nhân sự, điều chỉnh địa giới hành chính. Việc tinh gọn bộ máy cũng sẽ dẫn đến tác động theo hai hướng:

Hướng tích cực: bộ máy thu gọn sẽ quy rõ đầu mối trách nhiệm, trở nên năng động, có điều kiện tiếp nhận người mới để trẻ hóa đội ngũ cán bộ.

Hướng tiêu cực: giảm cán bộ công chức sẽ tác động đến tâm lý, một bộ phận có thể không ủng hộ những cải cách lớn; các hiện tượng tiêu cực xuất hiện do việc đón đầu các ảnh hưởng.

Ngoài ra, còn cần kể đến sự bất tiện ban đầu của người dân do phải thích nghi với các thiết kế mới về bộ máy tổ chức quản lý, về địa giới hành chính và những quy định về chính sách…; các chi phí phát sinh từ điều chỉnh bộ máy tổ chức chính quyền, tổ chức lại địa giới…

Về tác động xã hội, ông Lắm khẳng định mô hình chính quyền đô thị lấy người dân làm trung tâm để đưa ra những thiết kế mới nhằm mục đích phục vụ dân tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Lắm cũng cho biết, nếu một số đề xuất về các khoản thu và điều tiết đặc thù đối với đô thị lớn như TP.HCM được chấp nhận, có khả năng người dân sinh sống trên địa bàn TP sẽ phải tăng các khoản đóng góp hợp lý (phí, lệ phí, một số sắc thuế liên quan đến bất động sản), nhưng ngược lại người dân sẽ được hưởng dịch vụ công ích của đô thị tốt hơn.

“Tác động của việc thực hiện chính quyền đô thị cần được xem xét trong dài hạn. Các trở ngại trong ngắn hạn và các đối tượng chịu ảnh hưởng cũng cần được nhận diện nhằm hướng đến các chiến lược chuẩn bị phù hợp”, ông Lắm nói thêm.

Đứng đầu thành phố trực thuộc không còn được gọi là "thị trưởng"

Sau nhiều hội nghị góp ý, Ban soạn thảo đề án đã có tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung có liên quan; trong đó có cách gọi người đứng đầu thành phố sao cho phù hợp.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm cho biết đề án đã bỏ cách gọi "thị trưởng" đối với người đứng đầu 4 thành phố (nội dung đề án tạm đặt tên là các thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc) trực thuộc chính quyền TP.HCM.
 
“Nếu cấp chính quyền nào có tổ chức Hội đồng nhân dân thì người đứng đầu chính quyền được gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân; cấp chính quyền không có tổ chức Hội đồng nhân dân thì người đứng đầu được gọi là Chủ tịch Ủy ban hành chính”, ông Lắm cho biết thêm.

Bài, ảnh: Đình Phú

>> Động lực phát triển từ chính quyền đô thị
>> Cần sửa cơ chế để thực hiện chính quyền đô thị
>> Nhân sự nào cho chính quyền đô thị ?
>> Đề án chính quyền đô thị “đụng” hơn 100 văn bản luật
>> Chính quyền đô thị cần con người tốt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.