Chiêu độc của giới tỉ phú

27/08/2013 11:00 GMT+7

Vụ ly hôn dài hơi của một tài phiệt Nga đã hé lộ cách giới siêu giàu phân tán tài sản khỏi tầm quan sát của cơ quan thuế vụ.

Tỉ phú Nga Dmitry Rybolovlev, 48 tuổi, đang đối mặt với vụ kiện mới của người vợ Elena Rybolovleva sau khi ông mua lại một dinh thự ở Hawaii (Mỹ) với giá 20 triệu USD. Đây không phải là vụ kiện đầu tiên liên quan đến tài sản chung của hai vợ chồng, kể từ khi bà Rybolovleva nộp đơn ly hôn tại Thụy Sĩ vào năm 2008.

Cáo già như chồng tỉ phú

Ông Rybolovlev, đứng thứ 119 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes, luôn có cách qua mặt người đầu ấp tay gối với mình suốt 23 năm trong cuộc đấu trí tại ít nhất 7 quốc gia trong hơn 5 năm qua. Trong đơn kiện đầu tiên, bà Rybolovleva cáo buộc ông chồng đã tạo ra một hệ thống chằng chịt các công ty con và quỹ ủy thác ở nước ngoài để tẩu tán khối tài sản khoảng 9,1 tỉ USD nhằm trốn thuế và khỏi phải “chia của”. Theo bà, người chồng tỉ phú đã chuyển nhiều tài sản sang 2 quỹ ủy thác là Aries và Virgo được ông này thành lập tại đảo Síp vào 2005 chỉ vài tuần sau khi giữa hai người xảy ra lục đục về tài chính. Sau đó, bà tiếp tục đâm đơn kiện chồng tại quần đảo Virgin thuộc Anh, xứ Wales, Mỹ, đảo Síp, Singapore và Thụy Sĩ.

Theo Bloomberg, phần lớn khối tài sản của tỉ phú ngành phân bón đến từ việc bán các công ty OAO Uralkali và OAO Silvinit lần lượt vào năm 2010 và 2011, giúp thu về khoảng 8 tỉ USD. Trước đó, ông Rybolovlev nắm giữ cổ phần quản lý 2 công ty trên thông qua Công ty Madura ở đảo Síp. Một số tác phẩm nghệ thuật trong bộ sưu tập trị giá 500 triệu USD của ông hiện do Xitrans, một công ty tại quần đảo Virgin, quản lý và được cất giữ tại Singapore. Rybolovlev còn nổi tiếng với việc sử dụng quỹ tài chính do con gái đứng tên để mua lại những bất động sản cực “khủng” như căn hộ đắt nhất thế giới mang tên La Belle Epoque trị giá 300 triệu USD ở Monaco, căn hộ 88 triệu USD ở New York, 2 hòn đảo tại Hy Lạp (156 triệu USD)... Theo bà Rybolovleva, đây là những thủ đoạn của ông chồng nhằm không phải phân chia tài sản, hoặc “giảm thiểu thiệt hại” trong vụ ly hôn.

Con bạch tuộc Offshore

Những lùm xùm của nhà Rybolovlev một lần nữa khiến các chuyên gia lên tiếng báo động về các công ty offshore (công ty bình phong mở ở những nơi có thuế suất ưu đãi, còn gọi là “thiên đường thuế”, thường bị cho là nhằm trốn thuế hoặc rửa tiền). Về lý thuyết, phần lớn việc kinh doanh của các công ty offshore đều hợp pháp, đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc mạng lưới tài chính quy mô lớn và được phối hợp chặt chẽ giữa các nước cùng có thuế suất hấp dẫn với nhau. Trong đó gồm những công ty trung gian, công ty kiểm toán, văn phòng luật sư, ngân hàng… Vì thế, đây là phương pháp ưa thích của giới nhà giàu, và cả quan chức, để che chắn tài sản.

Chẳng hạn, theo Bloomberg, 2 tỉ phú giàu nhất châu Á là Lý Gia Thành và Lý Triệu Cơ (cùng hoạt động tại Hồng Kông) đều kiểm soát một phần tài sản thông qua các cấu trúc nước ngoài. Ông Lý Gia Thành sở hữu 43% cổ phần Tập đoàn bất động sản Cheung Kong thông qua các công ty, quỹ ủy thác tại quần đảo Cayman và Virgin. Còn ông Lý Triệu Cơ dùng đến 10 công ty khác nhau tại Anh và Panama để nắm cổ phần của Tập đoàn bất động sản Henderson. Trong khi đó, tỉ phú Argentina gốc Ý Paolo Rocca khiến giới chức thuế vụ của Buenos Aires “điên đầu” khi liên tục dịch chuyển hoạt động giao dịch tài chính của mình giữa rất nhiều công ty con tại Uruguay, Panama, Luxembourg, quần đảo Virgin và Hà Lan…

Quần đảo Virgin được xem là thiên đường offshore do hệ thống pháp lý cung cấp nhiều lựa chọn hấp dẫn. Quần đảo Cayman, cũng thuộc Vương quốc Anh, không kém cạnh khi có tới 9.438 quỹ đầu tư (tính đến đầu năm 2013) trong khi chỉ có dân số 56.000 người.

Tại những nơi này, rất dễ dàng để mở một công ty tài chính hay quỹ đầu tư, có khi chỉ cần đóng phí 1.500 USD là đủ để mở cổng vào “thiên đường thuế”. Phần lớn do các giám đốc hữu danh vô thực đứng tên nên khi các nước muốn điều tra việc trốn thuế hoặc rửa tiền sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hồi tháng 4, kết quả điều tra độc lập của 86 nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới cho thấy một nhóm 28 giám đốc dỏm đứng tên cùng lúc 21.000 công ty. Kỷ lục, có người trong nhóm này “điều hành” đến 4.000 hãng. Rất nhiều người cho thuê tên không hề liên quan đến kinh tế, tài chính, thậm chí có trường hợp là người vô gia cư.

Những thiên đường thuế

Thiên đường thuế là một quốc gia hay lãnh thổ có mức thuế cực thấp, thậm chí bằng 0.

Tại những thiên đường thuế này, các cá nhân hay công ty có thể thoải mái lập những công ty vỏ bọc hoặc tham gia hoạt động trong những lĩnh vực được hưởng thuế suất rất thấp. Trong số đó có những thiên đường thuế nổi tiếng như Thụy Sĩ, Luxembourg, Liechtensten, Virgin Islands, quần đảo Cayman, quần đảo Cooks...

Trong số này, Thụy Sĩ và Luxembourg nổi tiếng với thế mạnh hoạt động ngân hàng cùng nghiệp vụ bảo mật. Trong khi đó, Virgin Islands và Cayman nổi tiếng với những khoản ưu đãi thuế trọn gói, từ thuế thu nhập cá nhân, thuế vốn, đến thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế lương, cũng như thủ tục thành lập công ty hết sức dễ dàng.

Trùng Quang

Khối tài sản 32.000 tỉ USD

Tờ Le Monde dẫn số liệu từ Tổ chức Tax Justice Network, có trụ sở ở Anh, cho biết tính tới cuối năm 2010, các cá nhân giàu có trên thế giới gửi gắm dưới nhiều hình thức khoảng 32.000 tỉ USD ở những thiên đường thuế. Còn theo của Bloomberg, hơn 30% trong số 200 tỉ phú giàu nhất thế giới kiểm soát một phần gia sản thông qua một công ty đăng ký nước ngoài, hoặc nắm gián tiếp thông qua một thực thể trong nước.

Thụy Miên

>> Không tìm thấy phóng xạ tại nhà tỉ phú Nga lưu vong
>> Tỉ phú Nga lưu vong chết bí ẩn
>> Tỉ phú Nga thắng kiện Christie bán tranh giả
>> Chơi ngông như tỉ phú Nga
>> Tỉ phú Nga tuyên bố tranh cử tổng thống
>> Tỉ phú Nga thôn tính báo Anh
>> Con tỉ phú Nga bớt giàu
>> Số tỉ phú Nga giảm mạnh
>> Những đứa trẻ tỉ phú Nga
>> Amy Winehouse biểu diễn theo lời mời của bạn gái tỉ phú Nga
>> Tỉ phú Nga bị bắt vì gái mại dâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.