Ngẫm về Tết Trung thu

25/08/2013 03:00 GMT+7

Lại sắp vào mùa trung thu rằm tháng tám âm lịch, đón tết thiếu nhi hằng năm. Ngày nhỏ, khi còn ở bậc tiểu học, mỗi lần đến rằm trung thu bọn học sinh chúng tôi được thầy cô tổ chức một buổi “rước đèn” từ sân trường, đi hết đường làng rồi quay về lớp học.

Mỗi đứa cầm chiếc đèn trung thu tự mình làm bằng khung tre, bọc giấy kiếng nhiều màu sắc, hình đủ loại: gà, thỏ, tôm, cá, ngôi sao…, đứa nào khéo tay thì dùng màu vẽ lên các loại hoa văn trang trí đẹp mắt, thậm chí không có tiền mua màu thì dùng vôi ăn trầu của bà, vôi trắng và vôi đỏ trang trí cho chiếc đèn. Học sinh cả trường, xếp hàng theo từng lớp, mỗi lớp thành một đoàn, đèn thắp nến lung linh, diễu hành trong đêm hội thật vui và thật rộn ràng như quãng đời thơ ấu. Những đoàn học sinh “trong lúc tuổi còn thơ” tay cầm đèn trung thu, vừa đi dưới ánh trăng đêm rằm, vừa hát những bài hát thiếu nhi đã để lại ấn tượng đẹp, nhiều ý nghĩa, đầy rung động cho tới tận bây giờ.

Điều đặc biệt là khi đoàn diễu hành quay về lớp, được vui liên hoan, ăn cỗ trung thu với những chiếc bánh nướng quê mùa rẻ tiền, bày trên mặt bàn học đơn sơ nhưng rất ngon, rất vui… trong khi chờ đợi thầy cô chấm điểm chiếc đèn trung thu của trò nào đẹp nhất. Những chiếc đèn cầu kỳ, đẹp theo kiểu mua ở chợ sẽ bị phát hiện, những chiếc đèn được người lớn làm cho, khéo tay hơn, đẹp hơn cũng bị loại ngay vòng đầu. Chỉ những chiếc do tự tay học sinh làm mới được dự thi, chấm điểm. Mỗi mùa trung thu đến với tuổi thơ tôi là cả sự háo hức mong chờ, dù rằng chưa bao giờ đèn do tôi làm được giải. Đêm hội trung thu, ngày tết thiếu nhi ngày ấy thật sự lung linh, thật sự đẹp, vẫn mãi ấn tượng, không thể phai mờ.

Bây giờ, Tết Trung thu với trẻ con dường như không còn những đêm hội vui thế. Bánh trái ngon hơn, đắt hơn, những chiếc đèn trung thu con cá, con gà, ông sao…đã được thay bằng đèn hình máy bay, xe tăng, đèn kéo quân hiện đại, chạy bằng pin, mẫu mã sang trọng, đẹp rực rỡ được cha mẹ mua cho chứ chẳng đứa trẻ nào bỏ công sức tự làm. Ý nghĩa của đêm hội trung thu cũng mất dần đi, mâm cỗ trung thu đầy ắp bánh trái, thịt thà nhưng gia đình nào cũng rất vội; trẻ con quên trò chơi rước đèn, sự tích “cây đa chú cuội” trở nên mơ hồ khi những trò chơi trực tuyến game online hấp dẫn, thậm chí bạo lực, đâm chém, bắn giết nhau ì xèo, máu me khiếp đảm. Do đó “văn hóa trung thu”, “văn hóa bánh trung thu” cũng khác hẳn, không còn mang tính truyền thống tinh thần nữa mà đậm nét của một xã hội vật chất.

Lâu nay người ta nói nhiều đến những chiếc bánh trung thu không dành cho trẻ con nữa bởi nó là thứ cao lương mỹ vị, hình thức cầu kỳ, giá cực đắt. Tết Trung thu đã vượt ngoài tầm sở hữu của trẻ em mà trở thành ngày của lễ vật, thuộc về người lớn. Bánh trung thu chủ yếu để cho người lớn mua làm lễ vật, biếu tặng với mục đích cầu thân, ngoại giao, đền đáp. Đằng sau những hộp bánh trung thu giá 4 - 5 triệu đồng kèm rượu tây hoặc thậm chí có “dát vàng” tất nhiên không dừng lại ở mức tình cảm mà bộc lộ rõ ý của vật chất để mưu cầu lợi danh, đề bạt, chạy này chạy nọ.

Khi “văn hóa bánh trung thu” đã đổi khác, không còn mang ý nghĩa của ngày tết thiếu nhi nữa thì quả thật trẻ con giờ đây đã mất hẳn một đêm hội trung thu, một đêm rằm trung thu trong sáng, đúng nghĩa tuổi thơ. Và dĩ nhiên người lớn cũng chẳng còn biết giáo dục gì về văn hóa, truyền thống, bản sắc dân tộc cho con em mình qua hình ảnh lệch lạc kiểu ấy.

Từ Kế Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.