Nhân sự nào cho chính quyền đô thị ?

23/08/2013 03:00 GMT+7

Ngày 22.8, Thường trực HĐND TP.HCM lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, những người nguyên là Ủy viên Thường trực HĐND TP các khóa trước về đề án chính quyền đô thị.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND TP cho rằng thực tế hiện nay T.Ư xem quản lý TP.HCM không khác một tỉnh bất kỳ, kể cả với các tỉnh có dân số rất nhỏ so với TP.HCM, GDP đạt rất thấp, không nộp ngân sách trong khi TP.HCM có đến gần 10 triệu dân, nộp khoảng 30% ngân sách quốc gia. Điều này rất bất hợp lý và gây ra nhiều khó khăn trong điều hành thực tế của TP. Theo ông Trực, quản lý ngân sách theo đề án vẫn chưa thoát được hiện trạng, vẫn nặng chịu trách nhiệm với cấp trên mà nhẹ chịu trách nhiệm với người dân. “Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì không thể quản lý kiểu hạch toán báo sổ, cơ chế xin - cho với T.Ư mà phải được tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trước T.Ư và trước người dân”, ông Trực đề xuất.

Với mong muốn “đề án được thông qua một cách êm dịu”, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, góp ý một cách thẳng thắn những rào cản “mà chúng ta sẽ đối mặt với những sự phản biện từ phía các cơ quan ban ngành, đặc biệt là các bộ”. “Với mô hình này nếu được chấp nhận thì thẩm quyền của TP tăng lên nhưng thẩm quyền của một số bộ ngành sẽ bị thu hẹp. Chúng ta phải nhìn rõ điều đó”, bà Quỳ nói.

Bà Quỳ cũng phân tích: “Mô hình mới nhưng có một phần tiên quyết và quan trọng thì đề án lại nói rất yếu, nếu không muốn nói là mờ nhạt, đó là vấn đề nhân sự”. “Cuối cùng cũng là con người thôi, mô hình này thì ai thực hiện, những con người hiện tại sẽ đi đâu? Nếu chúng ta vẫn né vấn đề nhân sự thì đề án mất hẳn đi tính thuyết phục. Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo suy nghĩ thêm và nhất thiết phải có thêm vấn đề nhân sự trong đề án”, bà Quỳ nói thêm.

Một vấn đề khác rất đáng chú ý được Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười đặt ra, đó là định hướng phát triển. Theo ông Mười, TP.HCM sẽ bị ngập trên diện rộng vào năm 2070 (nước biển sẽ dâng 46 cm) và bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2100 (nước biển sẽ dâng 75 cm). "Do vậy việc phát triển các TP mới cần phải có sự tính toán phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, chứ dồn công sức, tiền bạc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng rồi sau đó bị nhấn chìm trong nước thì không ổn”, ông lưu ý.

Đình Phú

>> Đề án chính quyền đô thị “đụng” hơn 100 văn bản luật
>> Chính quyền đô thị cần con người tốt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.