Làm lại bóng đá VN

23/08/2013 03:30 GMT+7

Câu chuyện Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xử trừ 4 điểm với CLB Xi măng Xuân Thành Sài Gòn (XTSG) do thi đấu dưới sức, thiếu tôn trọng khán giả, có biểu hiện tiêu cực không chỉ ở trận đấu vòng 19 V-League gặp Kiên Long Bank Kiên Giang mà cả nhiều trận có hệ thống trước đó.

Rồi chuyện đội bóng này bất ngờ tuyên bố bỏ giải một cách thiếu chuyên nghiệp đã làm xáo trộn V-League, gây khó cho BTC giải và tốn khá nhiều giấy mực của báo chí trong những ngày qua. Tất cả những điều đó nói lên một vấn đề là bóng đá VN còn tồn tại quá nhiều bất cập.

Trước hết hãy nói về án kỷ luật của VFF, dư luận phần lớn rất đồng tình, nhưng cũng có người chỉ trích cho rằng “nặng” quá, gây sốc cho XTSG nên đội bóng này tự ái bỏ cuộc chơi. Tuy nhiên, Ban Kỷ luật đã làm đúng trách nhiệm vì họ đã căn cứ vào những văn bản, tư liệu do BTC giải đưa qua và xử đúng luật và quy chế. Nếu có trách thì phải trách BTC giải, những người đã “mũ ni che tai” một thời gian rất dài, không dám đối mặt với các biểu hiện xấu, mà luôn vo tròn các bản báo cáo, luôn đánh giá tốt tất cả các trận sau mỗi vòng đấu và cũng không hề chuyển những hồ sơ nổi cộm sang Ban Kỷ luật.

Ban Tư vấn đạo đức, những người được chính VPF lập ra giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát, phát hiện các vụ việc liên quan đến đạo đức trong thi đấu của các giải do VPF điều hành ngay từ đầu đã chỉ ra những hiện tượng bất thường từ trận siêu cúp cho đến ít nhất 5 - 6 trận đấu có “mùi” khác. Nhưng tất cả đều bị phủ nhận, bưng bít bởi vị trưởng BTC giải nhu nhược, không dám quyết liệt đấu tranh vì sự tiến bộ của bóng đá nước nhà. Chính thái độ thờ ơ đó của BTC giải cộng với vai trò mờ nhạt không có những chỉ đạo kịp thời của VPF khiến cho các “con bệnh” trở nên lờn thuốc. Thế nên với trường hợp XTSG nếu từ trận siêu cúp, BTC đề xuất Ban Kỷ luật có thông báo cảnh cáo thì lần kỷ luật mới đây dù trừ bao nhiêu điểm cũng sẽ không có sự phản kháng đáng tiếc như vậy.

Khi XTSG bỏ giải, điều đó cũng đồng nghĩa VFF, VPF đã tự đánh mất uy tín khi điều hành cuộc chơi. Lẽ ra với những trường hợp như XTSG, những người có trách nhiệm phải xử họ từ lâu qua những hành động kỳ quặc từ khi mới lên hạng để tai tiếng ở trận cuối gặp Bình Định trên sân Thống Nhất. Hay chuyện đổi tên làm reo đòi bỏ không dự AFC Cup, chuyện chọn sân đối thủ Ninh Bình làm sân nhà tạo tiền lệ xấu cho V-League hay vụ nợ tiền cầu thủ Huỳnh Kesley. Nhưng tất cả đều im lặng, nhún nhường, thậm chí còn đồng tình trong vài trường hợp để CLB này từng bước leo thang. Chính vì vậy họ mới xem thường VFF, VPF và không tôn trọng luật chơi. Ngay trường hợp của Kiên Giang dọa bỏ giải cũng vì những văn bản, điều lệ chưa kín kẽ và cách hành xử của VFF, VPF còn thiếu chuyên nghiệp nên ai cũng có thể “bắt nạt” được các tổ chức này.

Hệ lụy của mùa giải 2013 với nhiều rắc rối đã cho thấy bóng đá VN đến lúc phải “dọn dẹp” cho tử tế, phải làm lại, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm của những người có trách nhiệm. Phải làm sao cho V-League thực sự phát triển lành mạnh lên con đường chuyên nghiệp. Thiết nghĩ chỉ khi nào lề lối làm việc của bộ máy VFF, VPF được cải tiến với phương pháp chỉn chu và vai trò của BTC giải thể hiện được thái độ rõ ràng, dứt khoát với những biểu hiện xấu thì bóng đá VN mới không còn những chuyện “thượng bất chính, hạ tất loạn”.

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.