Lò hạt nhân trong lòng biển: Nóng bỏng cuộc đua Ấn - Trung

23/08/2013 10:50 GMT+7

Cuộc chạy đua tàu ngầm hạt nhân chiến lược trong khu vực trở nên sôi nổi khi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có những đột phá mới.

Cuộc chạy đua tàu ngầm hạt nhân chiến lược trong khu vực trở nên sôi nổi khi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có những đột phá mới.  

Lâu nay, Ấn Độ thường bị xem là “chiếu dưới” trong 6 quốc gia trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân do chưa thể tự đóng mà phải thuê của Nga. Giờ thì nước này đã có thể ngẩng cao đầu với tàu INS Arihant. Trong khi đó, cũng như các loại vũ khí khác, thông tin về chương trình tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc rất ít ỏi nhưng theo một số nguồn cấp cao từ Mỹ thì Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ sớm triển khai tàu lớp Tấn.  

Bước đột phá của Ấn Độ

Thảm họa nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak làm 18 người thiệt mạng hồi tuần trước đã phần nào che mờ thành tựu đột phá với INS Arihant, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) chế tạo nội địa đầu tiên của Ấn Độ. Hồi đầu tháng, tờ The Times of India dẫn lời Thủ tướng Manmohan Singh hồ hởi thông báo lò phản ứng trên tàu đã đạt được độ ổn định cần thiết. Đáng lẽ tàu đã sớm được chạy thử nhưng kế hoạch bị hoãn lại sau sự cố của INS Sindhurakshak. Tuy nhiên, giới chức hải quân vẫn đang hy vọng INS Arihant có thể chính thức biên chế vào cuối năm sau như dự kiến.

 Lò hạt nhân trong lòng biển: Nóng bỏng cuộc đua Ấn - Trung
Tên lửa được cho là JL-2 của Trung Quốc - Ảnh: Defence.pk

Theo báo The Hindu, con tàu 6.000 tấn chạy bằng năng lượng được cung cấp bởi một lò phản ứng nước nén có công suất 80 MW sử dụng nhiên liệu uranium. Tàu INS Arihant mang được 12 tên lửa K-15 Sagarika, tầm bắn khoảng 700 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, New Delhi đang chế tạo tên lửa K-4 tầm bắn 3.500 km để trang bị cho INS Arihant và dự kiến bắn thử vào tháng 9.

 

Cựu tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc Daniel Schaeffer từng nhận định với Thanh Niên rằng tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn vừa lớn vừa ồn nên không đủ kín đáo để có thể điều động từ căn cứ ở Hải Nam đến các khu vực tuần tra mà không bị phát hiện. Vì thế, một trong những ý đồ chiến lược của Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông là nhằm ngăn chặn tàu Mỹ hay Nhật đến vùng biển này, từ đó tạo không gian hoạt động và bảo vệ an toàn cho tàu lớp Tấn (hoặc lớp Đường trong tương lai).

Bên cạnh đó, tạp chí The Diplomat dẫn lời chuyên gia Tetsuo Kotani thuộc Học viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản nhận định nếu đạt được mục đích ở biển Đông, Trung Quốc có thể dễ dàng điều động tàu ngầm hạt nhân ra Ấn Độ Dương, uy hiếp lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại đây.

Theo tạp chí The Diplomat, Ấn Độ dự định sẽ chế tạo và triển khai 3 SSBN, trong đó 2 chiếc sẽ hoạt động tuần tra liên tục. Một số chuyên gia nhận định nỗ lực xây dựng lực lượng SSBN của Ấn Độ còn nhằm phá vỡ chiến lược Chuỗi ngọc trai của Trung Quốc, vốn được cho là bao gồm những cảng biển nối từ biển Đông sang Ấn Độ Dương nhằm bao vây Ấn Độ. Chuyên gia Yoghes Joshi thuộc ĐH George Washington (Mỹ) cho rằng những cảng này có thể được biến thành những căn cứ hải quân, vô hiệu hóa ưu thế địa chính trị của New Delhi trong khu vực. Do đó, đội SSBN được kỳ vọng sẽ giúp New Delhi uy hiếp các “hạt trai” của Trung Quốc nếu xảy ra biến cố.

Trước khi có INS Arihant, hải quân Ấn Độ chỉ có một tàu ngầm hạt nhân là INS Chakra thuộc lớp Akula II thuê lại của Nga trong vòng 10 năm từ năm 2012. Tàu này không mang tên lửa đạn đạo và có độ choán nước 12.770 tấn. 

Bí ẩn tàu ngầm Trung Quốc

Theo các báo cáo về hải quân Trung Quốc của Bộ Quốc phòng và Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Bắc Kinh hiện có 2 lớp tàu hạt nhân không mang tên lửa đạn đạo là Hán và Thương cùng 2 lớp SSBN mang tên Hạ và Tấn. Một số chuyên gia trên các chuyên trang quân sự như Militarytoday.com và Globalsecutiry.org cho biết 5 tàu lớp Hán đã khá già cỗi (hoạt động từ năm 1974) và ồn không kém gì tàu phi hạt nhân. Tàu lớp Thương, độ choán nước khoảng 6.000 - 7.000 tấn và được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cùng tên lửa hành trình, có cải tiến hơn một chút nhưng cũng đã bắt đầu cũ kỹ. Do đó, Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch đóng lớp tàu ngầm mới để thay thế lớp Thương.

Giới quân sự Washington đang tập trung vào tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc vì cho rằng đây sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh Mỹ. Trang tin Washington Free Beacon dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết chiếc lớp Tấn đầu tiên của Trung Quốc có thể bắt đầu tuần tra tác chiến ở các vùng biển xa vào năm 2014. Tàu này được cho là sẽ trang bị 12 tên lửa đạn đạo JL-2 và phiên bản JL-2A có tầm bắn vào khoảng 7.200 km và mang đầu đạn hạt nhân. “Với các vũ khí này, Trung Quốc có thể đặt Guam và Alaska vào tầm ngắm ngay từ trong lãnh hải của họ”, một quan chức quân sự Mỹ nhận định. Song song đó, Trung Quốc đang ráo riết chế tạo SSBN lớp Đường nhưng hầu như chưa có thông tin gì về loại tàu này ngoài lời đồn là nó có thể mang 24 tên lửa. 

Tuy nhiên, theo trang Militarytoday.com, tàu lớp Tấn vẫn chưa thoát được “căn bệnh trầm kha” của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc là quá ồn ào và quá lớn, không thích hợp hoạt động tại các vùng biển mà nước này đang chú trọng trong khu vực như biển Đông và Hoa Đông (độ choán nước của tàu lớp Tấn được cho là khoảng 11.000 tấn khi lặn).

Trọng Kha

>> Vật thể bay bí hiểm tại biên giới Ấn - Trung
>> Ấn Độ điều máy bay khủng tới sát Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc: Tàu sân bay Ấn Độ và Nhật Bản là mối đe dọa cho Trung Quốc
>> Ấn Độ điều máy bay vận tải quân sự đến biên giới với Trung Quốc
>> Tàu tốc hành đâm đoàn người hành hương ở Ấn Độ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.