Làm rõ việc thuyền viên nhảy tàu

20/08/2013 03:50 GMT+7

Sự việc 4 thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Hsieh Ta (Đài Loan) còn chưa lắng xuống, ngày 19.8, thêm 4 thuyền viên trên một tàu cá khác của Đài Loan mang tên Thiên Tường số 7 nhảy xuống kênh đào Panama bỏ trốn, đã về đến sân bay Nội Bài.

Làm rõ việc thuyền viên nhảy tàu

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Panama (trái) cùng cán bộ Cục XNC Panama làm thủ tục xuất cảnh cho 4 thuyền viên (giữa) - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Panama cung cấp

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cả 4 thuyền viên về đến Hà Nội hôm qua đều ở xã Quỳnh  Long, Quỳnh Lưu (Nghệ An) gồm: Lê Đức Chính (22 tuổi), Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (21 tuổi) và Hồ Thanh Tùng (30 tuổi). Trong đó, 2 thuyền viên Trần Văn Dương và Đào Ngọc Trung do Công ty Servico Hà Nội phái cử; 2 thuyền viên còn lại do Công ty dịch vụ và thương mại TSC phái cử.

Làm việc 18 tiếng/ngày

 

Tất cả thuyền viên đều nói điều kiện làm việc không đảm bảo, họ bị đánh đập đối xử tồi tệ

Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó giám đốc Công ty Servico Hà Nội cho rằng, các thuyền viên xuống tàu Thiên Tường số 7 từ ngày 17.6.2012. Đến nay, họ đã làm việc được hơn 14 tháng trên tàu. Các khoản lương bổng hằng tháng đều thanh toán đầy đủ cho gia đình.

Về lý do thuyền viên nhảy tàu, ông Hoàn nói: “Phía chủ tàu thông báo 4 thuyền viên nhảy xuống biển bỏ trốn khi tàu cập cảng Panama ngày 14.8. Do thể lực kém nên các thuyền viên phải dùng phao và bị cảnh sát phát hiện bắt giữ. Chủ tàu cũng thông báo lao động nhảy xuống biển bỏ trốn là vi phạm hợp đồng và có cả khoản phạt của nước sở tại. Chủ tàu đề nghị phía công ty giữ lại lương của các thuyền viên này”.

Ông Hoàn cho rằng, đặc thù của thuyền viên làm việc trên tàu cá xa bờ khác với trên bờ làm 8 tiếng/ngày. Khi vào luồng cá, ít nhất phải làm 13-14 tiếng/ngày. Thậm chí có thể phải lên tới 18 tiếng/ngày. “Những điều này, chúng tôi đã nói rõ với lao động trước khi đi. Việc đánh đập tôi cho là không có. Có thể, lao động chỉ làm việc quá cường độ mà thôi. Trước đây cũng có một vài trường hợp nhưng từ năm 2002 đến nay không còn xảy ra”, ông Hoàn nói.

Tất cả thuyền viên đều nói bị đánh đập

Hiện tại Công ty Servico Hà Nội phái cử 600 thuyền viên đi làm việc cho các chủ tàu Đài Loan. Phần lớn trong số đó là các lao động đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

“Trước khi đi, công ty đã dành ít nhất 4 ngày để giáo dục định hướng. Chúng tôi đã phân tích nhảy tàu, bỏ trốn thiệt thòi thế nào? Nguy hiểm ra sao? Thậm chí có thể bỏ mạng. Hiệp hội Thuyền viên VN và Hiệp hội Thuyền viên Cao Hùng (Đài Loan) đưa ra những giải pháp chống lại lao động bỏ trốn, chống lại việc lao động nhảy tàu nên đã giảm đáng kể. Nhưng đáng buồn thay, tỷ lệ bỏ trốn chiếm khoảng 7-8%, thời gian gần đây, thuyền viên bỏ trốn có xu hướng tăng lên”, ông Hoàn nói và cho biết thêm, đã có một vài trường hợp bỏ trốn thành công, lên bờ làm việc. Bên Panama cũng có người VN làm nên có thể lao động nhảy tàu ở lại làm phục vụ. Nếu lao động bỏ trốn thành công, công ty sẽ bị phía chủ sử dụng lao động phạt ít nhất 2.000 USD tiền vé máy bay, chưa kể tiền ăn uống của lao động trong thời gian làm việc.

Theo ông Hoàn, với trách nhiệm là đơn vị phái cử, công ty cử đại diện ra đón các thuyền viên tại sân bay Nội Bài đồng thời hỗ trợ chi phí tàu xe cho các thuyền viên về quê và đưa đi khám sức khỏe. Sau đó, công ty và người lao động sẽ “ngồi lại” tìm hiểu nguyên nhân bỏ trốn. Nếu trong trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng sẽ thực hiện theo các điều khoản đã ký. Còn nếu bị đánh đập, công ty sẽ phải nhờ cơ quan chức năng phía bạn xác nhận làm rõ đúng sai.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, tất cả thuyền viên đều nói điều kiện làm việc không đảm bảo, họ bị đánh đập đối xử tồi tệ. Để làm sáng tỏ vụ việc và tránh những tiền lệ xấu tiếp tục xảy ra, ngoài yêu cầu công ty báo cáo, Cục đã có ý kiến gửi Ban Quản lý lao động tại Đài Loan làm việc với cơ quan chức năng phía bạn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thuyền viên.

Thu Hằng

>> Vụ thuyền viên VN nhảy tàu Đài Loan: Thuyền viên bị thuyền trưởng, cai tàu đánh đập dã man

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.