Bãi chôn rác lớn ngay khu dân cư

17/08/2013 03:10 GMT+7

Nhiều năm qua, người dân sống xung quanh bãi rác Phước Hiệp (H.Củ Chi, TP.HCM) đã phải gồng mình chịu ô nhiễm.

Tại bãi chôn rác của Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (một phần của bãi rác Phước Hiệp, đồng thời thuộc Công ty môi trường đô thị TP.HCM), lúc nào cũng có hàng chục xe rác nối đuôi nhau vào đổ rác. Quan sát tại bãi chôn lấp rác, dễ dàng nhận thấy quy mô rất lớn của bãi rác này, cứ xe này đổ rác xong là xe khác lại lên. Điều đáng nói, tại khu hố chôn, rác được đem đổ trực tiếp xuống hố nên mùi hôi thối lan tỏa khắp nơi. Sau những hôm trời mưa, nếu đứng ngoài QL22, cách bãi rác khoảng 3 km cũng có thể ngửi thấy mùi hôi.

Bãi chôn rác lớn ngay khu dân cư 
Rác được chở đến, đổ thẳng xuống các hố chôn gây ô nhiễm - Ảnh: Hải Nam

Khu bãi rác Phước Hiệp có đến 5 đơn vị xử lý rác. Ngoài Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, còn có các đơn vị như Việt Star, Tâm Sinh Nghĩa, Tasco, Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Củ Chi, nằm trên diện tích hàng chục héc ta kéo dài từ xã Phước Hiệp qua xã Thái Mỹ.

Bà Lê Thị Hằng, tổ trưởng tổ 14, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, H.Củ Chi, cho biết riêng tổ 14 vẫn còn khoảng 30 hộ dân chưa được di dời. Do khu vực này ngược hướng gió nên hằng ngày, người dân phải ngửi mùi hôi thối từ bãi rác rất khó chịu. Nguồn nước nơi đây cũng bị ô nhiễm trầm trọng, các dòng kênh nước đã chuyển sang màu đen. “Trước đây người dân còn nuôi cá, bò... nhưng bây giờ không ai nuôi cả, do nguồn nước ô nhiễm. Nước giếng khoan bơm lên rất hôi, dù đã qua lắng lọc cũng không thể dùng được”, bà Hằng bức xúc.

Về vấn đề này, vào giữa tháng 7 vừa qua, thường trực HĐND TP.HCM đã có buổi khảo sát tại khu vực bãi rác. Tại buổi khảo sát, ông Trần Kiều Phát, Giám đốc Ban Quản lý khu liên hiệp xử lý chất thải, cho rằng do khu xử lý đang trong giai đoạn hình thành, hệ thống cây xanh cách ly vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên hiệu quả chưa cao.

Ông Lê Đình Cựng, Phó chủ tịch HĐND xã Phước Hiệp, cho biết địa phương có nhận được ý kiến than phiền của người dân về tình trạng nước ô nhiễm và mùi hôi từ bãi rác là có, nhưng ông cho rằng đã đỡ hơn nhiều so với những năm trước. Ông Cựng cũng nhận định việc ô nhiễm nguồn nước tại đây còn có liên quan đến việc xả thải từ Khu công nghiệp Trảng Bàng (Tây Ninh) chứ không hẳn là từ khu xử lý rác này.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2001 của Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường và Bộ Xây dựng thì với công suất xử lý trung bình 2.500 - 3.000 tấn rác/ngày (tức khoảng 1.000.000 tấn rác/năm), đây là bãi chôn lấp lớn. Theo Tiêu chuẩn xây dựng 320-2004 của Bộ Xây dựng, những bãi chôn lấp lớn phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu đến các khu dân cư là 15 km. Trong khi đó, khoảng cách giữa bãi rác Phước Hiệp đến các khu dân cư chỉ vài cây số là không phù hợp.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Công ty môi trường đô thị TP.HCM, thậm chí đã gửi cả công văn đề nghị tiếp xúc để làm rõ vấn đề này nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Hải Nam

>> Xác trẻ sơ sinh bị vứt ở bãi rác ven đường
>> Dân tập trung ngăn cản thi công bãi rác
>> Người dân 'dựng lều' ngăn không cho thi công bãi rác
>> Bé sơ sinh được chó tha về từ bãi rác
>> Biến mé sông thành bãi rác
>> Bó tay với bãi rác tự phát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.