Khuyến khích người tố cáo

12/08/2013 03:20 GMT+7

Chuyện giả mạo kết quả xét nghiệm bị phát hiện ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội cho thấy những tiêu cực mang tính hệ thống của một lĩnh vực mà tất thảy mọi sự tốt xấu của nó đều liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.

Chuyện giả mạo kết quả xét nghiệm bị phát hiện ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội cho thấy những tiêu cực mang tính hệ thống của một lĩnh vực mà tất thảy mọi sự tốt xấu của nó đều liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.

>> Người tố cáo gian lận xét nghiệm

60 triệu đồng trục lợi bảo hiểm y tế (con số bước đầu cơ quan công an công bố) có thể là quá nhỏ so với nhiều vụ án tiêu cực, tham nhũng khác từng được phát hiện; nhưng nó cho thấy những góc khuất lớn hơn, đó là chất lượng cán bộ y tế, đó là lợi ích nhóm trong bệnh viện, đó là mặt trái của xã hội hóa y tế và trên hết, đó là việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo rất hạn chế, có nhiều nước mắt của người chống tiêu cực.

Theo lời kể của bà Hoàng Thị Nguyệt, người đứng đơn phát giác vụ việc, thì phải nói rằng bà đã “gặp may”, khi đơn gửi (đến công an) “buổi sáng thì buổi chiều có người đến làm việc” và lập tức vụ việc trở thành tâm điểm của dư luận. Trước đó, cá nhân bà, các đồng nghiệp và gia đình họ đã nhận được không ít đe dọa khi bị lộ danh tính, sau khi họ gửi đơn tố cáo đến cơ quan chủ quản là Sở Y tế Hà Nội. Có người, thậm chí không chịu được áp lực đã rút đơn tố cáo.

Chuyên gia về phân cấp của chính quyền địa phương, ông Thoniparambil Raghavan Raghunandan, người sáng lập ra website Tôi đi hối lộ nổi tiếng của Ấn Độ từng chia sẻ rằng: “Chúng ta chỉ có thể chống lại tham nhũng khi người dân không chấp nhận nó. Do vậy mà ý tưởng đầu tiên trong việc chống tham nhũng, tiêu cực là cần khuyến khích người dân bày tỏ những câu chuyện của mình về tham nhũng, dần dần thay đổi quan điểm của họ và cùng hợp tác với họ để chống lại tham nhũng”. Muốn dẹp tiêu cực, trước hết phải tạo cơ chế cho người dân mạnh dạn lên tiếng tố giác hành vi xấu.

Tố cáo là thể hiện sự bất bình của người này đối với hành vi của người khác và báo cho cơ quan, tổ chức biết để có biện pháp giải quyết. Nhưng về phương diện pháp lý, tố cáo là một quyền hiến định của công dân, là một hình thức biểu hiện của dân chủ xã hội. Nhưng nếu chúng ta không có biện pháp để tích cực bảo vệ người tố cáo thì việc thực hiện quyền này của công dân sẽ rất hạn chế.

Bây giờ, bà Nguyệt có thể đã may mắn khi công an lập tức điều tra, báo chí vào cuộc, dư luận ủng hộ. Nhưng cũng đã có người lo lắng rằng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vụ việc không được giải quyết triệt để, lỗi hệ thống không được sửa chữa như trong nhiều vụ phát giác tiêu cực từng thấy. Dù chưa có cơ quan nào có thống kê chính thức về tình trạng đe dọa, gây hại đối với người tố cáo, nhưng nhiều vụ việc cụ thể cho thấy đang có nhiều cản trở khiến người dân từ chối quyền tố cáo của mình.

Cũng sẽ chả có cao kiến gì hơn trong việc bảo vệ người tố cáo, chỉ mong các chế định của luật Khiếu nại, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP về biện pháp bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện nghiêm túc.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.